Trăm năm sông Thom (kỳ cuối)

14/10/2019 - 06:43

Nhiều lao động có việc làm từ khi có các làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa dọc bờ sông Thom. Ảnh: H. Trung

Nhiều lao động có việc làm từ khi có các làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa dọc bờ sông Thom. Ảnh: H. Trung

Chiều dài sông Thom khoảng 15km thì có khoảng 5km buôn bán, phát triển sản xuất các mặt hàng từ dừa, gạo. Trong đó, từ những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, tại khu vực chợ Thom đã hình thành nơi trung chuyển, mua bán gạo rất lớn. Gạo từ các tỉnh miền Tây được vận chuyển về đây rồi đưa vô các vựa dọc bờ sông và sau đó được chuyển bằng đường bộ đi khắp nơi để tiêu thụ. Riêng mặt hàng dừa, năm 1986, một người dân đưa máy tuốt chỉ xơ dừa về ấp Vĩnh Khánh (cạnh sông Thom thuộc xã An Thạnh) để mở cơ sở thu mua dừa, sản xuất chỉ xơ dừa. Sau đó, nghề này tiếp tục phát triển và mở rộng sang các xã dọc sông Thom như: Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc), Thành Thới B, Tân Hội, Đa Phước Hội (Mỏ Cày Nam)... cho đến ngày nay.

Ông Cao Văn Hùng - Trưởng ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh cho biết: “Thời điểm sau giải phóng đã có hoạt động mua bán dừa khô ở khu vực chợ Thom nhưng chưa phát triển thành làng nghề. Trái dừa được thu mua về bổ đôi phơi khô rồi cạy cơm bán cho các vựa. Phần vỏ có lẫn gáo dừa được bán cho các lò đường thủ công, lò nấu rượu để làm củi. Do lượng vỏ nhiều, không sử dụng hết được, nhà vườn tận dụng lấp mương vườn hoặc bỏ đi”. Theo ông Hùng, từ khi có máy tách chỉ xơ dừa thì tất cả các phụ phẩm từ dừa được tận dụng nên có giá trị khá cao. Trái dừa khi lột ra sẽ lấy nước bán cho nhà máy sản xuất thạch dừa, sơ chế cơm ép dầu dừa hoặc làm cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa... Đặc biệt, phụ phẩm từ vỏ dừa được tách ra lấy chỉ xơ dừa để dệt thảm, lưới xuất khẩu; mụn dừa bán cho cơ sở sản xuất cây giống; gáo sản xuất than thiêu kết, làm thủ công mỹ nghệ... Vì vậy đã giúp tăng giá trị của trái dừa.

Năm 2006, làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam và Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp và đến năm 2008 được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là làng nghề tiêu biểu. Hiện tại khu vực làng nghề An Thạnh có 5 công ty, 22 cơ sở, còn làng nghề xã Khánh Thạnh Tân có 11 cơ sở chuyên sản xuất chỉ xơ dừa, sơ chế cơm dừa, ép kiện chỉ xơ dừa, dệt chỉ xơ dừa, tuốt chỉ xơ dừa, ép dầu dừa. Thị trường tiêu thụ gần đây không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc... Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thạnh Tân Nguyễn Văn Hội cho biết: “Thời đỉnh điểm, làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa dọc bờ Thom có gần 60 cơ sở hoạt động, hiện nay đã giảm đi nhiều do phải “chia sẻ” với nhiều địa phương khác dọc bờ sông cũng mua bán, sản xuất sản phẩm từ dừa như: Tân Hội, Thành Thới B... Trong thời gian tới, địa phương có định hướng cố gắng duy trì hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dừa. Đồng thời, phát triển các ngành nghề kinh doanh khác phù hợp để khai thác địa thế thuận lợi ở dọc bờ sông Thom”.

Ông Võ Trường An - Chủ tịch UBND xã An Thạnh cho biết: “Sông Thom chảy qua địa bàn khoảng 3km trở thành điểm mua bán sầm uất từ xưa đến nay do thuận lợi cả đường thủy và đường bộ. Trong đó, chợ nổi dừa duy nhất là nét độc đáo của miền Tây. Khu vực làng nghề được UBND tỉnh quy hoạch phát triển thành cụm công nghiệp với diện tích 35ha, tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng. Khi đó, khu vực hai bên bờ sông Thom sẽ còn phát triển, buôn bán nhộn nhịp hơn nữa”.

Khám phá chợ nổi dừa

Mới đây, 2 người bạn từ Hà Nội có chuyến công tác ở Bến Tre đã nhất quyết đến bằng được sông Thom khi nghe tôi giới thiệu về chợ nổi dừa duy nhất ở miền Tây. Khi đến nơi, anh Nguyễn Tuấn Dũng rất ngạc nhiên: “Tôi đã đi nhiều chợ nổi trên sông ở khu vực miền Tây nhưng đây là lần đầu tiên đến thăm chợ nổi dừa. Những chiếc ghe cập bến mua bán chỉ một mặt hàng duy nhất là dừa, đây là điều khác biệt để những người sống ở thành phố chật chội như tôi được ngắm cảnh mua bán trên sông nước nên rất thích. Nếu đầu tư nhiều dịch vụ thì nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng, yêu thích của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài”.

Trong thời gian gần đây, có nhiều công ty du lịch, lữ hành đã mở tour đến tham quan chợ nổi dừa trên sông Thom. Giám đốc điều hành Công ty du lịch Hàm Luông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Tôi rất kỳ vọng vào tour tham quan chợ nổi dừa trên sông Thom vì không “đụng hàng” bất cứ nơi nào ở miền Tây cũng như trong cả nước. Hiện tại tour này mang tên “con đường dừa” được công ty khai thác hơn 1 năm nay. Trung bình 1 tuần có khoảng 3 - 4 tour với phần lớn là khách du lịch nước ngoài đến tham quan và đang được du khách đánh giá khá tốt”. Cách đây 3 năm, Công ty du lịch Hàm Luông bắt đầu khảo sát, xây dựng tour để đưa khách du lịch đến sông Thom. Hiện tại, du khách có thể chọn đi đường thủy bằng tàu du lịch từ TP. Bến Tre ra sông Hàm Luông rồi vào sông Thom để tham quan chợ nổi dừa mất khoảng hơn 1 giờ tàu chạy. Ngoài ra, nếu đi đường bộ đến thị trấn Mỏ Cày rồi xuống tàu du lịch chạy dọc sông Thom để ngắm cảnh sẽ đỡ tốn thời gian hơn. Điều đặc biệt ở tour này là du khách sẽ tham quan, khám phá nét đặc trưng riêng của Bến Tre với sản phẩm du lịch từ dừa như: xem buôn bán dừa trên sông, xem sản xuất chỉ xơ dừa, sản xuất thủ công mỹ nghệ từ dừa, tản bộ trong vườn dừa, thưởng thức các món ăn từ dừa...

Ông Lê Văn Luông - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết, các tỉnh miền Tây du lịch sinh thái miệt vườn trùng lắp khá nhiều do địa hình, điều kiện thiên nhiên tương đồng nhau. Để tạo sự khác biệt, đa dạng các loại hình du lịch, tỉnh đang hướng tới xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái xứ dừa”, lấy cây dừa làm trung tâm. Trong đó, các tỉnh trong khu vực có nhiều chợ nổi như: chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)... bán nhiều mặt hàng nông sản nhưng chỉ duy nhất chợ nổi dừa ở dòng sông Thom tại Bến Tre mua bán một sản phẩm duy nhất là dừa. 

Qua hơn một thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, sông Thom đã thay đổi, người dân sống đôi bờ giờ khấm khá và ngày một sung túc hơn. Vùng đất hoang vu khi xưa được khai phá để phát triển nông nghiệp rồi đến thương mại, tiểu thủ công nghiệp, du lịch... Nhờ địa thế giao thương, hai bên bờ sông hình thành nhiều làng nghề đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Con sông nhỏ này đã và đang hòa vào những dòng sông lớn tại xứ Dừa để chuyển mình phát triển trên mảnh đất lắm dừa, nhiều sông.

Hoàng Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN