Trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trụ đứng

24/08/2016 - 06:53

Mô hình trồng rau thủy canh trụ đứng tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bến Tre.

Tại Bến Tre, rau màu được trồng quanh năm, chủ yếu là rau ăn lá (cải xanh, cải thìa, cải ngọt, xà lách...) và các loại rau ăn quả (khổ qua, dưa leo, bí, cà chua). Nhiều hộ dân khá lên nhờ nghề trồng rau và coi đây là nguồn thu nhập chính.

Mang lại nhiều lợi ích

Nghề trồng rau đem lại thu nhập khá cao, đặc biệt là quay vòng vốn nhanh. Nhờ ưu điểm này, nhiều hộ dân đã chuyên canh trồng rau màu hoặc trồng xen để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, không phải ai muốn trồng rau cũng được, nhất là đối với những hộ dân ở thành thị vì thường có ít đất sản xuất. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng rau khi đến tay người tiêu dùng (chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các kim loại nặng…).

Từ thực tế trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bến Tre đã xây dựng mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh trụ đứng trong nhà lưới để giải quyết khó khăn về diện tích và sử dụng thuốc hóa học trên rau. Thủy canh trụ đứng là dạng thủy canh hồi lưu. Phương pháp này cung cấp những điều kiện thích hợp đối với sự tăng trưởng của thực vật. Đó là kiểm soát được độ pH và dinh dưỡng, giúp cây tăng trưởng tốt trên một diện tích nhỏ. Thời gian quay vòng giữa các mùa vụ ngắn hơn, giảm thiệt hại do những biến đổi của khí hậu (do được trồng trong nhà màng, môi trường được ổn định), vì vậy tổng lượng sản phẩm tạo ra ổn định và cao hơn so với canh tác truyền thống trên đất. Chất lượng rau được đảm bảo an toàn vì lượng thuốc hóa học sử dụng trong nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ. Nông dân tiết kiệm nước và diện tích đất, có thể tận dụng tối đa không gian cho trồng nhiều loại rau.  Có thể canh tác ở những vùng đô thị, những nơi mà đất bị ô nhiễm bởi kim loại nặng, hóa chất công nghiệp. Chi phí nhân công không cao do không phải tốn công làm đất, hóa chất xử lý đất, nhân công làm cỏ, xới xáo, một lượng ít nhân công cũng có thể quản lý, chăm sóc một diện tích lớn. Trên một diện tích có thể quay vòng nhiều vụ.

Quy trình trồng rau thủy canh trụ đứng

Gieo cây con: Mụn dừa đã xả chát thật kỹ, cho vào khay nhựa kích thước 34,5x27x7,5cm để gieo giống. Nén thật chặt giá thể mụn dừa vô khay rồi rắc đều 5g hạt giống lên trên bề mặt giá thể. Sau đó phun nước ướt đều hạt giống và giá thể trong khay. Sau 5 ngày thì cấy cây con vào các mút xốp đã chuẩn bị sẵn với kích thước 5x5cm, mỗi mút xốp cấy khoảng 3 cây con. Sau đó đặt cây con vào các thùng xốp chứa nước và dinh dưỡng, mực nước cao khoảng 2,5cm. Sau 10 ngày thì chuyển cây con này lên hệ thống thủy canh.

Hệ thống thủy canh: Hệ thống này được đơn vị chuyển giao lắp đặt và hướng dẫn vận hành, đảm bảo dòng nước đi đủ và liên tục. Chọn cây con to khỏe cấy vào các lỗ trên giàn thủy canh. 7 ngày đầu lên giàn thì phải che lưới lan để giảm ánh sáng. Theo dõi bổ sung dinh dưỡng thường xuyên vào hệ thống. Sau khi trồng lên giàn thủy canh 20 ngày thì rau có thể thu hoạch.

Cách chăm sóc: Cây con từ lúc gieo đến 15 ngày đầu cần phải phun sương cho mát. Trong thời gian này, những cây ốm yếu và chết cần được thay thế. Sau khi chuyển cây con vào giàn thủy canh, cần chăm sóc và theo dõi tốc độ lớn đồng đều của cây cho đến ngày thu hoạch.

Cây phải đảm bảo có nhiều ánh nắng vào tuần lễ sau cùng, chăm nước, dinh dưỡng đúng định kỳ. Cần kiểm soát tình hình sâu bệnh (sâu xanh, sâu khoang ăn lá, sâu rộm, sâu vẽ bùa, rệp xanh, bọ nhảy... ) bằng cách phun thuốc sinh học. Tránh để lá rau tiếp xúc trực tiếp với dung dịch thủy canh vì lá sẽ bị úng, chết dẫn đến gây mầm bệnh lây lan cho vườn rau.

Thu hoạch: Từ lúc gieo đến lúc thu hoạch là khoảng 35 - 40 ngày. Chất lượng, màu sắc, hình dáng đẹp, cây khỏe, trọng lượng đồng đều khoảng từ 120 - 150g/cây, tùy loại. Khi thu hoạch nên dùng dao hoặc kéo cắt nhẹ, tránh làm gãy thân, sau đó đem đi đóng gói, bảo quản.

Để biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bến Tre. Địa chỉ: số 415A, Nguyễn Thị Định, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre. Điện thoại: 0753.827522.

Phương pháp này không chỉ đáp ứng nhu cầu về rau sạch cho người tiêu dùng mà còn góp phần cải thiện môi trường sống như giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng thực vật, nâng cao trình độ kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Xuân Lãm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN