Tự hào Di tích Đồng Khởi

17/11/2017 - 08:12

Những thành viên trong Đội quân tóc dài cầm súng năm xưa thăm Di tích Đồng Khởi.

Di tích quốc gia đặc biệt

Để ghi lại chiến công oanh liệt của quân, dân ta trong phong trào Đồng khởi ngày 17-1-1960, UBND tỉnh đã cho xây dựng Nhà truyền thống Đồng Khởi (Định Thủy, Mỏ Cày Nam) trong một khuôn viên có diện tích 4.684m2. 

Nhà truyền thống được khánh thành vào năm 2000, được xây dựng kiến trúc thể khối, cao 24m, trên nóc nhà xây dựng biểu tượng ngọn đuốc, trước cổng có xây bia chiến thắng. Bên trong Nhà truyền thống trưng bày nhiều hộp hình mô tả cảnh chị em đấu tranh chính trị, sa bàn diễn biến phong trào Đồng khởi, các vật như loa, mõ, chông, mã tấu...

Di tích Đồng Khởi bao gồm cụm Nhà truyền thống và Đình Rắn được trao bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt dịp 17-1-2017. Đây là một trong 2 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh, cùng với mộ và khu lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (An Đức, Ba Tri).

Di tích lịch sử - văn hóa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ảnh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa nhân loại. Với những giá trị đó, Di tích Đồng Khởi cần được khai thác là sản phẩm du lịch đặc thù. Thông qua hoạt động du lịch, các giá trị của di tích không chỉ được quảng bá mà còn được phát huy ở địa phương, trong nước và cả thế giới. Bởi chính những giá trị văn hóa, lịch sử là yếu tố cốt lõi tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo của sản phẩm du lịch, có sức lôi cuốn du khách tìm hiểu một nền văn hóa khác lạ.

Cần Lắm sản phẩm du lịch

Hàng năm, Di tích Đồng Khởi đón khoảng 15 ngàn lượt khách, mở cửa trong giờ hành chính từ thứ Hai đến Chủ nhật và miễn phí tiền tham quan. Hiện tại, lượng du khách đến đây chủ yếu là đến tham quan một địa điểm di tích văn hóa - lịch sử, khách đến tham quan khoảng 30 phút đến 1 tiếng rồi đi, do di tích nằm khá biệt lập trong cung đường hoạt động du lịch hiện hữu. Nơi đây chưa có hoạt động du lịch để “níu chân” khách.

Chị T.Đ ở TP. Bến Tre cho biết, từng đi nhiều tour du lịch sinh thái tại Bến Tre và một vài tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chị nhận thấy đa số sản phẩm du lịch giữa các nơi này giống nhau như: đờn ca tài tử, uống trà mật ong, đi xe ngựa... Bạn bè chị muốn mua sản phẩm lưu niệm cũng chưa tìm được những sản phẩm gì nổi bật, độc đáo riêng của Bến Tre. Đối với đờn ca tài tử, nếu các điểm du lịch dành thời gian phù hợp để giới thiệu đôi điều về cái hay, cái đẹp của môn nghệ thuật này thì sẽ thu hút du khách hơn.

Còn anh Trần Thanh Hoàng, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh rất thích du lịch sinh thái biển gắn với biến đổi khí hậu tại Thạnh Phong, Thạnh Phú. Theo anh, đây là một trong những thiết kế tour tuyến mới giúp khách du lịch có dịp tìm hiểu và cảm nhận thực tế về những tác động của biến đổi khí hậu đối với người dân hiện nay như thế nào. “Sau chuyến tham quan và trải nghiệm với người dân địa phương, chúng tôi có sự đồng cảm, trăn trở với những khó khăn mà người dân nơi đây đang gánh chịu, cũng như ý thức hơn về việc chung tay bảo vệ môi trường, có những hành động cụ thể chia sẻ với người dân vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu” - anh Hoàng nói.

Muốn du lịch phát triển thì phải có sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch tốt cần có sự khác biệt. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Đồng khởi của Bến Tre đã đi vào tâm thức, vào hiểu biết của học sinh mọi thế hệ. Đất nước Việt Nam đi qua những chiến tranh mất mát, bắt đầu bằng những đốm lửa của sự chịu đựng, im lặng rồi vùng lên, đối kháng chính thức. Xứng đáng là một địa danh để giới thiệu với đồng bào, với đất nước, là cái mà Bến Tre có, không ở đâu có. Chạm vào cảm xúc tự hào của người Việt Nam, chạm vào khát vọng muốn khám phá, muốn biết điều gì đã diễn ra ở đây. Cần phải có một bảo tàng, những người thuyết minh giỏi, thông minh để khơi dậy nguồn cảm xúc đối với du khách khi đến tham quan. Đây là một trong ba thế mạnh của du lịch Bến Tre (gồm những dòng sông lớn, rặng dừa xanh bát ngát và Di tích Đồng Khởi).

“Nên chăng Bến Tre làm một bảo tàng dừa. Bằng cách để một doanh nghiệp làm bảo tàng dừa, nói tất cả những gì về dừa của Bến Tre, cho thế giới biết được từ dừa người ta có thể làm ra được những gì. Giới thiệu cho du khách muốn biết dưới những tán dừa ấy cuộc sống người dân, văn hóa như thế nào thì hãy đến Bến Tre. Chỉ cần có chính sách, chính sách là yếu tố quyết định, nhà đầu tư lúc nào cũng có, điều cần thiết là phải có chính sách như khuyến khích tư nhân, giao đất cho tư nhân, miễn thuế, thậm chí không thu thuế đất trong suốt dự án và khơi dậy tâm huyết cho người làm”.

(Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) 

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN