Tự hào ngày giỗ Tổ Hùng Vương

25/04/2018 - 06:39

Cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, cô Võ Thị Thu Nga - giảng viên chính dạy Lịch sử, ngành Văn hóa du lịch Trường Cao đẳng Bến Tre lại thấy dạt dào cảm xúc hướng về đất Tổ Phú Thọ. Đó là cảm xúc tự hào: “Đất nước mình là đất nước duy nhất có đất Tổ, vua Tổ, từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 thì người dân đổ xô về đất Tổ, hoặc là những người xa quê hương thì cũng nhớ đến ngày giỗ Tổ, nhớ đến các triều đại vua đầu tiên trong lịch sử dựng nước của mình” - cô Nga cho biết.

Nghi thức tế lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đình Tân Thạch, huyện Châu Thành năm 2017.

Nghi thức tế lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đình Tân Thạch, huyện Châu Thành năm 2017.

“Các vua Hùng đã có công dựng nước”

Là một giảng viên, trong quá trình dạy sinh viên, Thạc sĩ Võ Thị Thu Nga thường nhắc nhở sinh viên phải nhớ và phải tự hào nước mình là nơi duy nhất trên thế giới có vua Tổ và có đất Tổ, qua đó giúp cho các em hiểu được quá trình dựng nước và công lao của các vua Hùng đối với tiến trình phát triển lịch sử của đất nước.

Cô Nga kể: Lúc đó, người ta không gọi là vua Hùng mà gọi là chức Hùng, sau này mới gọi là vua Hùng. Cách gọi chức Hùng nôm na là những người khai quốc. Các vua Hùng là những người có công rất lớn trong thời kỳ dựng nước. Thế nên, Bác Hồ mới dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”. Vì vậy, đối với ngày giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày rất linh thiêng. Trước đây, mỗi địa phương tổ chức riêng, đến năm 2007, Chính phủ mới công nhận là ngày quốc lễ của đất nước.

Đối với tỉnh, hầu như mỗi địa phương, đặc biệt là mỗi đình đều có tổ chức lễ giỗ Tổ trong những ngày đám đình, có đình là tháng 2, trong đám đình họ cũng làm một lễ giỗ hướng về các vua Hùng; có đình thì làm vào tháng 3 và có đình thì sau tháng 3 cũng có làm giỗ. Huyện Chợ Lách thường tổ chức vào mùng 5 tháng 5 kết hợp với tổ chức Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn, còn ở các huyện mỗi năm chọn một đình tổ chức ngày giỗ Tổ. Kể từ năm 2007 đến nay, ngày giỗ Tổ mới tổ chức đồng loạt đúng ngày mùng 10 tháng 3.

Các đình khi chưa có quyết định của Chính phủ về tổ chức ngày giỗ Tổ, họ làm giỗ cũng đủ mâm lễ vật để dâng lên vua Hùng, nhưng không thể thiếu bánh tét. Ở miền Bắc thì là bánh chưng, bánh dày, miền Nam thì là bánh tét.

Không quên cội nguồn dân tộc

Tại tỉnh, theo cô Nga thì Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại các địa phương cũng có mâm lễ vật hướng về các vua Hùng, rồi đem phân phát, chia cho người dân. Hành động đó để nhắc nhớ rằng: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công tập hợp các liên minh bộ lạc chống quân xâm lược từ phương Bắc, giữ gìn non sông đất nước”. Lễ vật trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thường là mâm bánh tét, bánh bò… Bánh tét trên mâm lễ của người miền Nam là biến tấu của bánh chưng, bánh dày trong sự tích Lang Liêu.

Hiện nhiều sinh viên đang náo nức chờ đến ngày giỗ Tổ để đi đến các đình dự. Trước đây đình An Hội tổ chức, các em cũng đến xem để học hỏi trong lễ đó người ta khấn vái, làm những gì để dâng lên các vua Hùng. Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, sự kiện này một lần nữa được khắc ghi qua lời giảng của cô Nga, giúp cho các em hướng về cội nguồn của mình, tự hào về di sản văn hóa được UNESCO công nhận. 

Phú Thọ là nơi đất Tổ, nơi linh thiêng, vì là tín ngưỡng dân gian, người ta cố gắng xin được chút đất và nước về, Phú Thọ đã san sẻ phần linh thiêng ấy cho các địa phương khi trao tặng Đất và Nước Phú Thọ ở một số địa phương, trong đó có Bến Tre. Ở mỗi đình, bàn thờ vua Hùng được đặt ở vị trí riêng nhưng ở nơi dễ thấy để dân đến cúng vái.

“Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như lời Bác Hồ dạy, ngày giỗ Tổ hàng năm là một ngày rất ý nghĩa, đã được đưa lên thành quốc lễ, để nhắc nhớ, giáo dục thế hệ trẻ nhớ công lao các vua Hùng, không quên cội nguồn dân tộc mình, tự hào mình là người Việt Nam và yêu quê hương, đất nước.

Theo chủ trương chung của tỉnh, ngày giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức đồng loạt tại các đình làng trong toàn tỉnh vào hôm nay, 25-4-2018. Riêng huyện Giồng Trôm tuy không chọn điểm tổ chức cấp huyện, các xã thống nhất tổ chức tại trung tâm văn hóa - thể thao hoặc tại UBND xã. Đặc biệt, huyện Thạnh Phú tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương tại đình An Qui (xã An Qui), đây cũng là hoạt động nằm trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực biển Thạnh Phú lần thứ I năm 2018.

Ở cấp tỉnh, năm nay đình Tân Thạch (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) được chọn làm điểm với nhiều hoạt động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN