Tự lên xã xin thoát nghèo

22/10/2014 - 07:13
Anh Nguyễn Văn Mỹ.

Anh Nguyễn Văn Mỹ, 36 tuổi, ở ấp Tiên Phú 1, xã Tiên Long, huyện Châu Thành đã tự động lên UBND xã xin được thoát nghèo. Đơn giản vì anh tự thấy mình không còn nghèo nữa. Ông Bùi Trung Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Long xác nhận: “Hộ anh Nguyễn Văn Mỹ là trường hợp đặc biệt duy nhất từng làm việc này ở địa phương”.

Quá tò mò nên dù nắng gắt, chúng tôi vẫn tìm đến ấp Tiên Phú 1. Căn nhà của anh Mỹ nhỏ như căn chòi chen giữa mảnh vườn một công đất trồng chôm chôm. Mái lá đã mục gần như rệu rã được phủ lên tấm bạt nhựa màu xanh. Vách phên thì xiêu vẹo, trống trước hở sau, đứng bên trong không cần mở cửa cũng có thể nhìn bốn bề xung quanh bên ngoài. 

Chúng tôi đang lơ ngơ thì đúng lúc vợ chồng anh Mỹ về đến nhà sau khi xong một buổi làm thuê. Vợ anh, chị Tú Trinh, lui cui sau bếp nấu cơm, đợi đứa con 10 tuổi tan học. Anh ra vườn bẻ chùm chôm chôm, pha trà tiếp chúng tôi bên chiếc bàn tròn bằng gỗ mù u đặt bên hiên nhà. “Nhà nhỏ quá, chật chội như nêm nên phải che thêm chỗ này để ngồi ăn cơm cho thoải mái cũng như tiếp khách. Ngày mưa, giông, gió lớn thì chịu…”, anh Mỹ bộc bạch.

Nhấp ngụm trà, anh Mỹ bùi ngùi kể về cuộc đời mình: “Tôi lớn lên trong một gia đình đông anh em. Cha mẹ nghèo nên học hết cấp 2, tôi rời quê lên Sài Gòn làm công nhân, rồi phụ hồ, sau đó lại về quê. Nói chung ai thuê gì làm đó. Đến mùa thì qua các tỉnh Trà Vĩnh, Vĩnh Long, An Giang cắt lúa mướn. Rồi năm 25 tuổi, tôi yêu một “đồng nghiệp” và chúng tôi cưới nhau sau khi cùng rong ruổi cắt xong vụ lúa bên Trà Vinh. Vợ chồng đều là “phu đụng”, lại có con nhỏ nên làm xong áo giặt chưa khô thì đã sạch tiền, ky cóp miết đến 6 năm sau mới ra riêng được”.

Cơ hội rồi cũng đến, khi giữa năm 2012, UBND xã Tiên Long tiến hành hỗ trợ tập huấn đào tạo nghề làm vườn theo mô hình sản xuất sạch cho những hộ nghèo tại địa phương. Sau đó, những người được đào tạo này quyết định thành lập nhóm dịch vụ nhận thuê làm vườn. Anh Mỹ rất mừng bởi đây là lần đầu tiên trong đời được học một nghề. Học xong, việc làm cũng có thường xuyên hơn. “Tôi vận dụng cái học được làm công vườn nhà theo tiêu chuẩn VietGAP, lời vụ đầu trên 50 triệu đồng. Cùng với ít tiền dành dụm từ làm mướn, tôi cùng 3 thành viên khác trong nhóm thuê 15 công vườn đầu tư sản xuất chôm chôm theo chuẩn VietGAP. Vụ đầu tiên tôi được chia 120 triệu đồng, vụ tới đã thuê được 6 công. Trong khi vợ tôi có việc đóng bao bì chôm chôm xuất khẩu. Vậy là tôi lật đật chạy lên UBND xã, gặp ông Chủ tịch xin thoát nghèo, không cần chờ đến bình xét”, anh Mỹ thổ lộ.

Nói xong, anh Mỹ vừa phấn khởi, vừa ra vẻ bí ẩn kéo tay tôi ra hướng phía cuối vườn. Vừa đi anh vừa thủ thỉ: “Đối với tôi, còn nghèo ngày nào là buồn ngày đó. Quan trọng nhất là đứa con mỗi ngày một lớn lên, sợ nó vì “chữ nghèo” mà mặc cảm với bạn bè. Tôi cũng muốn nhanh chóng nhường lại những phần hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước hay các nhà hảo tâm cho những người không may bị nghèo thật sự”. Tôi cảm thấy vui mừng cùng anh Mỹ khi nhìn đống vật liệu xây dựng phía cuối vườn, căn nhà mới sẽ được khởi công vào tháng tới.

Bài, ảnh: Thái Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN