Ươm mầm yêu thương từ ngôi nhà nhân ái

14/08/2020 - 06:55

BDK - Ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành gần 15 năm qua có một ngôi nhà mang tên Nhân Ái đã tiếp sức cho nhiều hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân chất độc hóa học thế hệ thứ hai, thứ ba, các trẻ em khuyết tật. Từ đây, mầm tình thương đã đơm hoa, kết trái, tỏa hương thơm ngát về những nghị lực sống mạnh mẽ.

Chị Dung hướng dẫn em Trần Thị Ngọc Nhung thực hành trên máy vi tính được trang bị ở nhà Nhân Ái.

Chị Dung hướng dẫn em Trần Thị Ngọc Nhung thực hành trên máy vi tính được trang bị ở nhà Nhân Ái.

Chăm sóc các hoàn cảnh khó khăn

Em Trần Thị Ngọc Nhung (sinh năm 2002) ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Châu Thành là một trong các hoàn cảnh khuyết tật đã gắn bó với nhà Nhân Ái (NNA) từ khi còn nhỏ. Vóc dáng thấp bé, tay chân nhỏ hơn bình thường không cản nổi ý chí cô bé đến trường. Sau bao vất vả của ông bà nội và nghị lực vươn lên không ngừng, Ngọc Nhung đã hoàn thành chương trình lớp 12 ở Trường THPT Diệp Minh Châu, huyện Châu Thành.

Kể về Ngọc Nhung, bà Lê Thị Thanh Vân - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh vẫn còn ấn tượng: “Bé Nhung đi lại khó khăn. Hàng ngày, ông bà nội thay phiên chở cháu đến trường. Sau khi Nhung học hết lớp 9, gia đình tính cho con bé nghỉ học nhưng Nhung khóc, xin được tiếp tục học phổ thông. Thương cháu hiếu học, hàng ngày bà nội đều chở Nhung đi học ở Trường THPT Diệp Minh Châu, cách nhà gần 10km”.

Vào NNA từ những ngày còn nhỏ, có thể nói tuổi thơ của Ngọc Nhung gắn bó nhiều với các cô chú và các bạn nhỏ đồng cảnh ngộ. Ý thức và nghị lực vượt khó của em cũng hình thành từ mái nhà này. So với nhiều bạn khác, trường hợp của Nhung có phần may mắn hơn, em có thể tự chăm sóc bản thân mình và học rất khá nên có thể theo đuổi việc học đến nơi đến chốn. “Em mơ ước trở thành giáo viên mầm non”, Ngọc Nhung nói.

Trước Ngọc Nhung, có nhiều tấm gương vượt khó học giỏi và thành công, bước ra từ NNA, trong đó có em Lê Đức Lưu hiện đang là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Nhiều trường hợp khác với sự hỗ trợ từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tạo dựng gia đình cho riêng mình, lập thân, lập nghiệp và có cuộc sống ổn định.

Thông tin từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, thời gian đầu hoạt động, NNA tập hợp được 5 em. Sau gần 1 năm thì phát triển lên 15 em, trong đó trên 2/3 là trẻ em bị dị dạng, dị tật, bại não, sống thực vật. Qua hơn 15 năm hoạt động, NNA đã nuôi dưỡng trên 50 em, trong đó có những em đã vượt khó, hoàn thành chương trình THPT, học cao đẳng, đại học, hồi gia.

Kết nối những tấm lòng

Bà Lê Thị Thanh Vân cho biết, NNA hay nhà nuôi dưỡng trẻ em nhiễm chất độc hóa học thành lập năm 2002, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức và quản lý. Sau đó, được chuyển cho Hội Chữ thập đỏ, rồi đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em từ sau thời điểm năm 2007. Hoạt động của NNA vừa chăm sóc, nuôi dưỡng vừa kết hợp với tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho các em. Phòng tập phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, nhiễm chất độc hóa học tại NNA do chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” ủng hộ 100 triệu đồng xây dựng.

Cùng với đó, qua sự vận động của hội, các mạnh thường quân đã hỗ trợ 240 triệu đồng để thực hiện dự án tập vật lý trị liệu, mua trang thiết bị, hỗ trợ tiền ăn, tiền xe cho 100 trẻ em khuyết tật đến tập phục hồi chức năng. Hiện các trang thiết bị vẫn còn được sử dụng tốt. Khi có người đến tập thì được bác sĩ ở trạm y tế xã đến hướng dẫn tập, góp phần cải thiện sức khỏe cho người bệnh.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh còn tổ chức được các lớp dạy nghề cho người khuyết tật. Qua vận động các nhà tài trợ, hội tổ chức các lớp dạy nghề như kết thảm vải, thêu cho phụ nữ, trẻ em không có điều kiện đi làm có thể có thêm nghề làm tại nhà, có thêm thu nhập, vừa chăm sóc cho các con em khuyết tật. Đến năm 2016 - 2017, NNA nuôi dưỡng nạn nhân nhiễm chất độc hóa học được Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cùng Tổ chức Seed to Table hỗ trợ kinh phí để sửa chữa. Năm 2018, hội vận động mở 1 lớp học tình thương với 7 máy vi tính để dạy cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật.

Công tác chăm lo cho trẻ em khuyết tật được chú trọng. Với các em khuyết tật nhưng còn khả năng nhận thức thì được hội tạo điều kiện để học tập. Các em ngoài thời gian tập vật lý trị liệu thì chủ yếu ở ngoại trú, sống với gia đình. Kinh phí hỗ trợ được chuyển về gia đình hàng tháng. Có 3 em đang sống tại NNA được cán bộ hội chăm sóc.

Hơn 15 năm qua, gắn bó với ngôi NNA đã có biết bao cán bộ hội, tình nguyện viên, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ để chăm lo cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Tình yêu thương đã lan tỏa và xoa dịu đi phần nào những nỗi đau do chiến tranh để lại.

Chúng tôi có dịp gặp lại chị Nguyễn Thị Ngọc Dung - nguyên Phó chủ nhiệm NNA. Dù đã thay đổi công tác khác nhưng chị Dung vẫn gắn bó và dành tình cảm quan tâm đến hoạt động của NNA, thường về thăm, hỗ trợ khi có dịp. Những năm tháng gắn bó với công tác chăm lo cho trẻ em khuyết tật đã tạo nên mối dây liên kết giữa những cán bộ hội như chị Dung với các hoàn cảnh khó khăn. “Chính nghị lực vượt qua số phận của các em càng tiếp thêm cho tôi sức mạnh trong cuộc sống”, chị Dung nói.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN