Xử lý hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm

21/07/2019 - 18:57

Bà Nguyễn Thị Hiếu (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Con trai tôi với Ngũ là bạn thân từ nhỏ. Cách nay một tuần, Ngũ đã bị bắt vì tàng trữ ma túy. Lúc này, con trai tôi mới nói thật là đã thấy Ngũ mua ma túy về cất để dành sử dụng.

Xin hỏi: Con trai tôi biết bạn mình cất giấu ma túy mà không báo cho Công an, như vậy có phạm tội gì không? Nếu có thì bị xử lý ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Khấu Thị Thu Trang (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 390 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định tội không tố giác tội phạm như sau:

“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 19 của bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Theo quy định trên, không tố giác tội phạm được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được BLHS quy định (tại Điều 389) mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã được thực hiện.

Con trai của bà biết bạn mình là Ngũ cất giấu ma túy (hành vi tàng trữ quy định tại Điều 249 BLHS năm 2015) nhưng không trình báo cho cơ quan công an là có dấu hiệu phạm tội “Không tố giác tội phạm” theo quy định tại Điều 390 BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, để đủ yếu tố cấu thành tội danh thì phải thỏa mãn các điều kiện như con bà phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định tại Điều 12 BLHS (từ đủ 16 tuổi trở lên). Nếu con bà đã đủ 16 tuổi, biết rõ bạn Ngũ đang chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã thực hiện hành vi cất giấu ma túy nhưng không tố giác thì con bà phải chịu TNHS.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 390 BLHS quy định: “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Theo quy định nêu trên, trường hợp con bà bị truy cứu TNHS về tội không tố giác tội phạm, nhưng nếu điều tra chứng minh được con bà cũng đã có hành vi can ngăn người phạm tội (bạn Ngũ) hoặc có hành vi hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN