Cần 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước mặt đường

25/02/2019 - 06:54

BDK - Năm 2019, ngành giao thông vận tải tỉnh dự kiến nhu cầu làm hệ thống thoát nước mặt đường trên địa bàn tỉnh là 100 tỷ đồng, đó là chưa kể đến số tiền cần có để giải quyết các đoạn đường nhỏ cục bộ đã bị ứ nước và cả những tuyến đường bị đọng, ngập nước phát sinh ngoài dự tính trong mùa mưa năm nay.

Hệ thống thoát nước trên quốc lộ 57 qua huyện Mỏ Cày Nam được khẩn trương thực hiện, đến nay cơ bản hoàn thành.

Hệ thống thoát nước trên quốc lộ 57 qua huyện Mỏ Cày Nam được khẩn trương thực hiện, đến nay cơ bản hoàn thành.

Xây nhiều hệ thống thoát nước

Cuối mùa mưa năm 2018, những cơn mưa còn chưa dứt, ngành giao thông vận tải tỉnh đã bắt tay xây dựng hệ thống thoát nước trên một số đoạn quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ. Mùa mưa năm trước làm nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng ngập ứ do không thoát nước, tình trạng này khiến nhiều đoạn đường nhanh chóng bị “cày xới”, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo Sở Giao thông vận tải, trong những tháng đầu năm 2019, có 8 hạng mục sửa chữa định kỳ hệ thống thoát nước được xây dựng xong, những công trình này hầu hết khởi công vào thời điểm cuối mùa mưa năm 2018. Cụ thể: bổ sung hệ thống thoát nước và gia cố lề đoạn Km60+100 đến Km60+500 (trái), Km60+100 đến Km60+550 (phải) (từ bến xe Mỏ Cày đến cầu Mương Điều), huyện Mỏ Cày Nam - với công trình này, hệ thống thoát nước khu vực thị trấn Mỏ Cày coi như hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thoát nước đô thị. Cũng trên quốc lộ 57, bổ sung hệ thống thoát nước và gia cố lề 2 đoạn qua xã Quới Điền và xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, một đoạn trên quốc lộ 57C, qua xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri. Trên quốc lộ 60, bổ sung hệ thống thoát nước đoạn từ Km18+750 đến Km20+450 qua huyện Mỏ Cày Bắc. Trên đường tỉnh 882, huyện Mỏ Cày Bắc bổ sung hệ thống thoát nước 2 đoạn và đường huyện 20 huyện Mỏ Cày Nam 1 đoạn.

Việc xây dựng hệ thống thoát nước, gia cố lề 8 hạng mục sửa chữa định kỳ trên tiêu tốn hơn 49 tỷ đồng, điều đáng nói là việc giữ các cửa xả các công trình này như thế nào để phát huy hiệu quả. Bởi trước đó, một số công trình sau khi xây dựng xong, chỉ sử dụng được vài năm, tình trạng ngập nước mặt đường lại diễn ra do các cửa xả thoát nước bị bít, lấp vì người dân xây nhà cửa.

Đường vẫn ngập!

Khi xây dựng mới các tuyến đường giao thông thì nước mưa thoát tự nhiên sang hai bên, đảm bảo khai thác ổn định. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhà cửa người dân xây dựng san sát, những bãi đất trống, mương vườn nhanh chóng được lấp đầy để xây cất, trong khi việc xây dựng hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp do thiếu kinh phí. Và thế là các miệng cửa xả nước mặt đường bị chặn không còn chỗ cho thoát nước mưa. Điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần khi nói đến vấn đề thoát nước mặt đường hiện nay.

“Việc không giữ được cửa xả nước khiến nước mưa bị ngập ứ không lối thoát, chỉ cần nước ứ đọng trong thời gian ngắn, đường sẽ thấm nước cộng với lưu lượng xe qua lại, mặt đường nhanh chóng bị phá vỡ và bong tróc”, ông Từ Anh Nguyên - Giám đốc Ban quản lý, bảo trì công trình đường bộ, Sở Giao thông vận tải cho biết.

Trước khi xây dựng hệ thống thoát nước, ngành chức năng đã yêu cầu chính quyền địa phương cam kết giữ cửa xả, nhưng nhiều địa phương đã không thực hiện được cam kết này. Cụ thể là đoạn đường phía trước Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Nam, một đoạn trên đường tỉnh 884 qua huyện Châu Thành và TP. Bến Tre. “Miệng cửa xả thoát nước mưa qua đất dân, sau đó dân có nhu cầu xây cất nhà cửa, chúng tôi cũng không làm gì được, họ có sổ đỏ...” - đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mỏ Cày Nam cho biết. Sau đó, ngành chức năng và địa phương lại phải phối hợp tìm cửa xả mới, lại tốn kém nhưng chỉ là phương án tạm, bởi nó lại qua đất dân.

Do không giữ được cửa xả, nước mưa lại tràn ngược lên mặt đường, tiền thì tốn rất nhiều nhưng đường vẫn ngập.

Ngành chức năng vào cuộc

Nước là “khắc tinh” của đường nhựa và cả đường bê-tông hay nói cách khác, đường nhựa và bê-tông sợ nhất là nước ứ, ngập. Do đó, làm hệ thống thoát nước mặt đường là việc làm rất cần thiết để bảo vệ đường. Theo kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng giao thông, ông Từ Anh Nguyên cho hay: “Ở các thành phố lớn, thậm chí nước ngoài họ không xây hệ thống thoát nước song song với xây đường vì không có kinh phí nào chịu nổi. Người ta chỉ xây thoát nước song song với xây đường qua các đô thị, khu vực đông dân cư”.

Năm 2019, ngành giao thông vận tải Bến Tre dự kiến nhu cầu làm hệ thống thoát nước mặt đường trên địa bàn tỉnh là 100 tỷ đồng. Số tiền này dùng để xây dựng hệ thống thoát nước 40km đường tỉnh. Chi phí mỗi km xây dựng hệ thống thoát nước hiện nay khoảng 2,5 tỷ đồng (cả lề trái và phải). Đó là chưa kể đến nhu cầu xây dựng hệ thống thoát nước của 50% chiều dài các tuyến đường huyện với khoảng 150km là 187 tỷ đồng.

Trước nhu cầu bức xúc của người dân và an toàn cho giao thông, phía Sở Giao thông vận tải cho biết sẽ dành phần lớn kinh phí nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ trung ương năm 2019 được trung ương rót về dành cho xây dựng hệ thống thoát nước.

Căn cơ của vấn đề thoát nước là hành lang đường bộ đang bị lấn chiếm. Trên nền tảng Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành một hướng dẫn vào năm 2013, hướng dẫn công tác quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành chức năng cho rằng nhiều địa phương, chính quyền cấp xã, huyện đã không thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

Song song với triển khai xây dựng hệ thống thoát nước đón mùa mưa năm 2019, đầu năm nay, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo các huyện trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ bởi vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng khi phối hợp ngành chức năng giải quyết vấn đề thoát nước mặt đường.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN