Cảnh báo tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia dịp Tết

16/01/2019 - 08:26

Cảnh sát giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến quốc lộ 60.

Cảnh sát giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến quốc lộ 60.

Uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông dẫn đến tai nạn là câu chuyện đau lòng chưa có hồi kết. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhiều người vẫn còn thờ ơ, không chú tâm đến.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 252 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 203 người, bị thương 105 người; điều đáng nói là trong số các vụ TNGT đã làm rõ nguyên nhân thì có 75 vụ liên quan đến rượu, bia, chiếm trên 30%. Tỷ lệ trên cho thấy người có sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện đang là một thực trạng đáng báo động, cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.

Chính tâm lý cả nể, ham vui, sự tự tin thái quá khi có men trong người khiến nhiều người vẫn mặc nhiên điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia mà không biết “tử thần” đang rình rập mình phía trước.

Thực tế khi tham gia cùng tổ kiểm tra nồng độ cồn của Phòng Cảnh sát giao thông trên tuyến quốc lộ 60 đoạn qua TP. Bến Tre, theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, tổ kiểm tra đã đã lập biên bản xử phạt trên 10 trường hợp vi phạm lỗi về nồng độ cồn, thậm chí nhiều trường hợp vi phạm vượt nhiều lần so với mức cho phép.

Chính vì lý do này đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của nhiều người hoặc khiến họ mang thương tật suốt đời. Hậu quả của TNGT không chỉ để lại sự ám ảnh cho người tham gia giao thông, mà còn để lại sự mất mát cho gia đình và tạo gánh nặng cho xã hội. Điển hình như vụ TNGT xảy ra lúc 20 giờ, ngày 26-11-2018, trên quốc lộ 57C, thuộc xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm. Nguyễn Thái Lộc, sinh năm 1987, ngụ tại địa phương chở Trương Minh Triều, do đã uống nhiều rượu, bia, Lộc không làm chủ được tay lái dẫn đến tự té, làm Triều tử vong tại bệnh viện.

Anh Lộc kể lại vụ việc trong sự ân hận: “Hôm đó, tôi với anh Triều có nhậu chung, sau khi hai anh em đã uống say thì anh Triều nhờ tôi chở về. Trên đường chạy xe về thì xảy ra tai nạn do tôi không làm chủ được tay lái làm anh Triều tử vong. Tôi cảm thấy rất hối hận về sự việc trên. Nếu hôm đó tôi không uống rượu say rồi lái xe thì đã không xảy ra chuyện đau lòng như vậy”.

Đó không phải là trường hợp duy nhất, vẫn có nhiều người không chỉ xem thường tính mạng của chính mình mà còn gây nguy hiểm cho người khác. Như vụ tai nạn xảy ra lúc 18 giờ ngày 19-12-2018 tại quốc lộ 60 cũ thuộc ấp Tân Hữu Đông, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Vào thời gian trên Đặng Thành Nhân, ngụ tại địa phương chở theo vợ là chị Trịnh Thị Minh Huyền đi từ hướng bến phà Rạch Miễu cũ về ngã 4 huyện Châu Thành thì đụng vào xe mô tô do em Ngô Yến Nhi điều khiển chạy cùng chiều phía trước làm em Nhi tử vong trên đường đến bệnh viện. Được biết, Nhân lái xe trong tình trạng không tỉnh táo do có sử dụng rượu, bia là nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tâm.

Dưới góc độ của cơ quan chức năng, Thượng tá Huỳnh Thống Nhất - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đưa ra một số khuyến cáo: “Trong những ngày Tết, do phong tục tập quán và nhiều lý do khác để mọi người ngồi lại với nhau chè chén, họp mặt gia đình, bạn bè dẫn đến tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia trở nên phổ biến. Thêm vào đó, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông trong thời gian này sẽ tăng cao, làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh về việc mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm, phức tạp về giao thông, tập trung xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn nhằm hạn chế tai nạn có thể xảy ra. Đã uống rượu, bia thì không lái xe. Mọi người cần có ý thức để vui xuân, đón Tết an toàn”.

Bài, ảnh: Thu Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích