Gánh nặng để lại sau tai nạn giao thông

21/11/2018 - 07:26

BDK - Các vụ tai nạn giao thông (TNGT) luôn để lại thiệt hại cho những người có liên quan, cả người gây ra tai nạn và người bị tai nạn. Nhẹ thì ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và tài sản, nặng thì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi mình gây ra. Đến gặp những người đang chịu trách nhiệm hình sự do gây ra TNGT, chúng tôi ghi nhận được những nỗi hối hận muộn màng.

CSGT đang tiến hành việc kiểm tra nồng độ cồn trên đường Võ Nguyên Giáp (TP. Bến Tre). Ảnh: Thủy Tiên

CSGT đang tiến hành việc kiểm tra nồng độ cồn trên đường Võ Nguyên Giáp (TP. Bến Tre). Ảnh: Thủy Tiên

TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó rượu, bia là tác nhân phổ biến nhất. Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 10 tháng qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 203 vụ TNGT, làm chết 163 người, bị thương 86 người. Trong 95 vụ TNGT đã xác định rõ nguyên nhân thì có 53 vụ liên quan đến người điều khiển có uống rượu, bia, chiếm 55,79%.

“Phải chi đừng say rượu…”

Là một người mạnh khỏe, lao động chính trong gia đình, N.V.L., sinh năm 1977, ngụ Ấp 1, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm đã rơi vào vòng lao lý khi gây ra một TNGT thương tâm. Đầu tháng 3-2017, sau khi đi dự sinh nhật cháu ruột của mình ở huyện Châu Thành, L. đã sử dụng rượu, bia điều khiển xe mô tô vượt xe không đảm bảo an toàn, đụng vào người đi xe đạp chạy cùng chiều phía trước. Hậu quả làm người đi xe đạp tử vong, bản thân L. bị thương vùng đầu, vùng mặt. Đến nay, vết thương ấy luôn hoành hành đau nhức mỗi khi vận động mạnh. Đáng trách là khi lái xe gây ra tai nạn, L. chưa có giấy phép lái xe. Với những hành vi trên, L. bị Tòa án nhân dân huyện Châu Thành tuyên phạt 24 tháng tù giam và phải bồi thường cho gia đình người bị hại gần 200 triệu đồng.

Gặp chúng tôi tại nhà tạm giữ Công an huyện Giồng Trôm, L. tâm sự: “Tôi rất hối hận về những việc làm của mình. Giờ đây, tôi gần như đã mất tất cả bao mơ ước phía trước. Tôi chỉ ước mơ sau khi chấp hành án xong về tìm một việc làm ổn định rồi cưới vợ, nuôi dưỡng cha mẹ”.

Trường hợp của N.H.C., sinh năm 1979, ngụ ấp Tân Đức A, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc là một trường hợp vừa đáng thương mà cũng vừa đáng trách. Gia đình C. là hộ nghèo nhiều năm, hoàn cảnh rất khó khăn, C. lại là lao động chính nuôi mẹ già 83 tuổi và con 16 tuổi, vợ C. đã bỏ đi khi con tròn 1 tuổi. Thế nhưng, N.H.C. đã 2 lần phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi điều khiển xe cơ giới gây TNGT. Năm 2005, C. điều khiển xe gắn máy gây tai nạn làm 1 người tử vong và bị tuyên án 18 tháng tù giam. Đến cuối năm 2017, sau khi đã sử dụng rượu, bia, C. lại điều khiển xe mô tô tham gia giao thông trên quốc lộ 57 và gây tai nạn cho xe mô tô chạy chiều ngược lại. Vụ tai nạn làm người điều khiển xe mô tô tử vong và người ngồi sau bị gãy chân, còn C. bị gãy bàn chân trái. Lần này C. phải lãnh án 36 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Suy nghĩ về những lỗi lầm do mình gây ra, trong những ngày chấp hành án tại Công an huyện Giồng Trôm, C. nói: “Tôi rất đau buồn, không biết ai sẽ lo cho con và mẹ tôi lúc này, tôi thấy mình là người con bất hiếu, tôi có lỗi với rất nhiều người”.

Gánh nặng gia đình và xã hội

Những vụ TNGT đi qua, người vi phạm phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, nhưng hậu quả của nó để lại cho những gia đình, cho xã hội là vô cùng to lớn. Vụ tai nạn thương tâm vào tháng 5-2018 trên quốc lộ 57C thuộc xã Tân Phú, huyện Châu Thành đã làm 2 vợ chồng ông K.H.X. và bà Đ.T.K.Q. ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách tử vong tại hiện trường. Hai ông bà đã mất nhưng thương tâm nhất là người con trai K.H.N. năm nay 35 tuổi, bị teo cơ bẩm sinh, đi lại rất khó khăn không ai chăm sóc phải dựa vào sự quan tâm, chăm sóc của cô chú, hàng xóm. Anh N. nói: “Sự ra đi đột ngột của cha mẹ là quá sức tưởng tượng của tôi, đêm nào tôi cũng giật mình thức dậy, tôi nghĩ đó như là một giấc mơ và tôi cũng chưa biết về cuộc sống tương lai mình sẽ như thế nào”.

Dư luận vẫn còn nhớ đến vụ tai nạn kinh hoàng giữa xe máy và xe container xảy ra tại vòng xoay Phường 6, TP. Bến Tre vào ngày 3-4-2018. Vụ tai nạn đã làm cho bà N.T.Nh., sinh năm 1941 tử vong tại chỗ. Điều đáng thương là nạn nhân đã tử vong khi đang trên đường đi khám bệnh về nhà, căn bệnh của bà chưa gây ra cái chết nhưng vụ TNGT đã cướp đi sinh mạng của bà Nh.. Trong vụ tai nạn, bà Nh. ngồi sau đã chết, còn chị H.T.Th., sinh năm 1964, người điều khiển xe máy chở bà Nh. thì bị gãy chân. Với lỗi điều khiển xe mô tô thiếu chú ý quan sát, chị Th. có thể bị xem xét xử lý về hành vi vi phạm của mình trước pháp luật.     

Chúng tôi tìm về nhà N.V.L. ở Ấp 1, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, bà Hà Thị C. mẹ của L. tâm sự trong nước mắt: “Nhà tôi có mình L. là con trai, nó lao động nuôi cả gia đình. Khi L. xảy ra tai nạn thì gia đình tôi phải chạy đi vay mượn tiền để bồi thường cho gia đình người bị nạn. L. đi tù, gia đình chúng tôi lâm vào túng quẫn, vợ chồng tôi lớn tuổi, thường xuyên ốm đau không ai chăm sóc. Phải chi lúc đó nó không làm vậy thì không ra cớ sự như ngày hôm nay”.

Ý thức pháp luật chưa cao

Theo Đại úy Nguyễn Đặng Hữu Trí - Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, các vụ TNGT xảy ra đều xuất hiện tình tiết lỗi vi phạm. Khi giải quyết vụ tai nạn, cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính hay hình sự căn cứ vào tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm, lỗi, thiệt hại xảy ra. Nhưng hầu như nhiều người chỉ nghĩ đơn giản rằng xảy ra TNGT là do xui rủi, ngoài ý muốn mà chưa ý thức đến lỗi vi phạm hay hậu quả khi xảy ra tai nạn.

Để góp phần kiềm chế và kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh cùng với các ngành, các cấp đã tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp. Đặc biệt, lực lượng CSGT đã triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyên đề “Tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm các quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe cơ giới” từ các tuyến đường quốc lộ đến các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý gần 11.000 trường hợp người điều khiển xe cơ giới vi phạm quy định về nồng độ cồn, góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa, ngăn chặn TNGT xảy ra. Lực lượng CSGT phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục CSGT tiến hành tập huấn kỹ năng, phương thức bố trí, sử dụng các trang thiết bị cho CSGT toàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền.        

“Lực lượng CSGT tập trung quyết liệt tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ… trên các tuyến đường giao thông nhằm hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm và TNGT xảy ra.

Mọi người hãy cùng nhau đấu tranh, mạnh dạn lên án với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông để cùng nhau nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.

(Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh)

Thủy Tiên - Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN