Phát triển giao thông theo hướng liên kết vùng

23/09/2019 - 06:49

BDK - Định hướng tới, giao thông Bến Tre sẽ phát triển theo hướng liên kết vùng, trong đó ưu tiên kết nối với vùng TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông chính có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở tương lai.

Mở rộng, thảm nhựa mặt đường quốc lộ 60 (đoạn qua huyện Mỏ Cày Bắc).

Mở rộng, thảm nhựa mặt đường quốc lộ 60 (đoạn qua huyện Mỏ Cày Bắc).

Trục giao thông mới ven biển

Bến Tre muốn chủ động tạo một vị thế (về giao thông) trong liên kết vùng, cụ thể là tính toán con đường từ Bến Tre đi TP. Hồ Chí Minh và kết nối với đồng bằng sông Cửu Long một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất.

Trước hết, kết nối với vùng TP. Hồ Chí Minh vẫn là ưu tiên hàng đầu trong liên kết vùng của tỉnh. Để thực hiện điều đó, trong tính toán của tỉnh, có 2 phương án song song: Một là giải quyết vấn đề quá tải của cầu Rạch Miễu bằng việc có thêm cầu Rạch Miễu 2, với phương án này khi cầu Đại Ngãi (Trà Vinh - Sóc Trăng) hoàn thành, tuyến quốc lộ (QL) 60 sẽ nối liền mạch với các tỉnh phía Nam: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Hai là thiết lập một trục giao thông mới ven biển đi từ Bình Đại đến TP. Hồ Chí Minh.

Trong trục giao thông mới ven biển, có hai hướng liên kết: liên kết vùng từ TP. Bến Tre, nếu tuyến đường ven biển được hình thành, dự kiến thời gian đi từ TP. Bến Tre đến khu phía Nam của TP. Hồ Chí Minh (Phú Mỹ Hưng) là khoảng 2 giờ 30 phút. Tuyến đường này đi qua: QL 57B, đường/cầu ven biển mới và QL 50.Liên kết vùng từ huyện Ba Tri, nếu tuyến đường ven biển được xây dựng, thời gian đi từ Bình Đại đến khu vực phía Nam của TP. Hồ Chí Minh (Phú Mỹ Hưng) là 2 giờ. Với hướng liên kết này, tuyến đường/cầu ven biển nối Ba Tri với QL 50 ở Tiền Giang cần đầu tư nguồn lực rất lớn. Việc kết nối khu vực dân cư thưa thớt ven biển của Bến Tre (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú) bằng tuyến đường ven biển cần sự tính toán cẩn trọng để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư và tác động cấp vùng.

Báo cáo giai đoạn 1 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra những con số tính toán ban đầu. Theo đó, cầu Rạch Miễu 2 có chiều dài vượt sông 1,9km, 4 làn xe, chi phí tính toán khoảng 200 triệu USD. Tuyến đường/cầu ven biển kết nối Bình Đại với tỉnh Tiền Giang, chiều dài vượt sông 5,7km, 4 làn xe, chi phí tính toán khoảng 600 triệu USD.

Việc lựa chọn hướng phát triển cho giao thông của tỉnh gần như là quan trọng hàng đầu. “Bởi giao thông đi trước sẽ dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế, đáp ứng được nhiệm vụ mà kinh tế đặt ra. Việc phát triển giao thông cần đột phá về mặt tư duy và nếu chỉ nhìn vào ngân sách thì không tính xa được”, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy (nay là Bí thư Tỉnh ủy) chia sẻ quan điểm tại buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải vào tháng 7-2019.

Khắc phục tắc nghẽn giao thông

Mặc dù tỉnh có cơ sở hạ tầng kết nối liên vùng/tỉnh cơ bản, nhưng còn xảy ra tắc nghẽn (giao thông) thường xuyên ở các khu vực có mật độ dân cư cao. Đây là một trong những điểm yếu, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Do đó, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng liên kết vùng, tỉnh cũng cần đầu tư cơ sở hạ tầng liên kết nội tỉnh, nhất là trong bối cảnh 2 ngành du lịch và nông nghiệp được đánh giá là có nhiều cơ hội, tiềm năng.

Lưu lượng phương tiện qua lại cầu Rạch Miễu ngày càng tăng.

Lưu lượng phương tiện qua lại cầu Rạch Miễu ngày càng tăng.

Cụ thể, chất lượng của mạng lưới đường bị ảnh hưởng bởi nút giao thông trong các khu dân cư mật độ cao và các cầu có năng lực vận tải thấp. Theo đó, các điểm/nút giao thông có nguy cơ ùn tắc cao là: cầu Rạch Miễu, đây là điểm ùn tắc nghiêm trọng nhất của tỉnh, đặc biệt vào các giờ cao điểm hoặc trong thời gian lễ, tết. Khu vực giao lộ của QL 60 và QL 57, khu vực này là trung tâm của huyện Mỏ Cày Nam với mật độ dân cư đông đúc. Khu vực đường tỉnh 885, đây là khu vực ngoại ô TP. Bến Tre đi huyện Bình Đại. Các điểm có nguy cơ ùn tắc gồm: giao điểm của các tuyến đường tỉnh, đường huyện, tại các khu đông đúc (dân cư, chợ, trường học).

Để tháo gỡ “nút thắt” làm tắc nghẽn giao thông, tỉnh cần ưu tiên xây dựng cầu Rạch Miễu 2, giúp giảm ùn tắc trên cầu Rạch Miễu hiện nay, cải thiện tuyến kết nối từ Bến Tre tới đường cao tốc Sài Gòn - Cần Thơ và từ đó tới khu vực TP. Hồ Chí Minh. Kế đến thay phà bằng cầu, gồm: bến phà Đình Khao và Tân Phú. Đây là hai bến phà đông đúc nhất trong số tất cả các bến phà ở Bến Tre, cho thấy nhu cầu đi lại cao giữa huyện Châu Thành và Chợ Lách, từ Bến Tre tới Cần Thơ cũng như các tỉnh khác ở phía Tây đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù thời gian chờ đợi không đáng kể, đặc biệt là ở bến phà Đình Khao - nơi có 3 phà hoạt động, nhưng nhu cầu đi lại còn rất cao, cho thấy sự cần thiết phải có những cây cầu mới. Thêm vào đó, năng lực vận tải của mạng lưới đường còn bị hạn chế bởi các cầu có quy mô và tải trọng thấp, tỉnh có 27 trên tổng số 71 cầu đường bộ trên QL và đường tỉnh cần được nâng cấp.

“Để các phương án xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh khả thi thì không chỉ thực hiện mỗi đoạn ở Bến Tre mà cần phải đặt nó trong quy hoạch vùng. Do đó, tầm nhìn về hạ tầng giao thông của tỉnh cần phù hợp với quy hoạch giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí với Chiến lược phát triển giao thông quốc gia”, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Với lợi thế cạnh tranh về khoảng cách gần TP. Hồ Chí Minh trong lưu vực (nội địa) của Cảng Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất, Bến Tre được đánh giá là có lợi thế xuất khẩu cho các sản phẩm công nghiệp nhẹ; phát triển bất động sản; thu hút du lịch.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN