Rượu, bia và tai nạn giao thông

01/02/2018 - 09:49

BDK - Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội.

Cảnh sát giao thông xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Quang Duy

Cảnh sát giao thông xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Quang Duy

Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. 

Tại tỉnh, mỗi năm xảy ra trên 200 vụ TNGT, làm hàng trăm người chết và bị thương. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm có hàng trăm gia đình chịu cảnh đau thương vì TNGT. Nguyên nhân của phần lớn những vụ tai nạn này có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Thực trạng này cần phải được ngăn chặn quyết liệt để kéo giảm TNGT.

121 vụ TNGT liên quan đến rượu, bia

Chiều 16-12-2017, sau khi nhậu xong, anh Lê Văn Tươi, thường trú xã Phú Thuận, huyện Bình Đại điều khiển xe mô tô lưu thông trên tỉnh lộ 883 theo hướng từ ngã tư huyện Châu Thành về cầu An Hóa. Do không làm chủ tay lái, anh Tươi đã đụng vào một người đang đứng bên lề phải. Sau đó, xe mô tô do anh Tươi điều khiển tiếp tục đụng vào xe ô tô tải đang đỗ bên đường. Vụ tai nạn làm anh Lê Văn Tươi bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Một vụ tai nạn khác cũng xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia, không làm chủ tay lái dẫn đến tai nạn. Vào lúc 22 giờ 15 phút, ngày 5-11-2017, anh Lê Thành Nhân, ngụ xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc, điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường liên xã Tân Bình - Thành An - Hòa Lộc từ hướng xã Tân Bình đi xã Hòa Lộc. Do không làm chủ tay lái nên anh Nhân trượt qua lề đường bên trái rồi tự té. Hậu quả, anh Nhân bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Càng đáng buồn hơn khi đây chỉ là hai trong số hàng trăm trường hợp phải gánh chịu hậu quả từ việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 273 vụ TNGT, làm chết 197 người, bị thương 152 người. Trong đó, có 32 vụ do người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia không làm chủ tay lái nên tự gây tai nạn và 89 vụ có liên quan đến rượu, bia.

Điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia chẳng những tiềm ẩn nguy cơ tự gây tai nạn cho mình mà còn có thể gây tai nạn cho người khác thông qua các hành vi như phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, lấn tuyến, thiếu chú ý quan sát. Trong điều kiện mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng lên thì vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, để kiềm chế và kéo giảm TNGT, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp, nhất là chấn chỉnh tình trạng điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia.

Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông

Bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, đã tạo sự chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành của đại bộ phận người tham gia giao thông được nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người chủ quan, không chấp hành quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và tìm cách tránh né sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho những người cùng tham gia giao thông và chính bản thân họ.

Tuy việc uống rượu, bia đã trở thành thói quen trong giao tiếp, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết sắp đến. Theo phong tục cổ truyền, mỗi dịp Tết đến, xuân về sẽ diễn ra nhiều hoạt động lễ, hội và mọi người thăm viếng, chúc Tết lẫn nhau nên việc sử dụng rượu, bia sẽ khó tránh khỏi. Nhưng trước những hậu quả to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần do TNGT gây ra, thiết nghĩ mỗi người phải biết giữ chừng mực trong mỗi tiệc nhậu và lựa chọn những biện pháp tham gia giao thông an toàn sau khi đã uống rượu, bia.

Về phía cơ quan chức năng, để kéo giảm TNGT có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia trong thời gian tới, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh cho biết: “Trong những ngày cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tiếp tục duy trì mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguyên nhân, nguy cơ xảy ra TNGT trong dịp Tết, nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân”.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi người khi tham gia giao thông cần tự ý thức rằng, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia chính là tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân mình và mọi người, để những ngày xuân yên vui trọn vẹn. Đừng vì sự chủ quan, thiếu ý thức mà đánh mất đi cuộc sống của chính mình và gieo đau khổ, gánh nặng cho những người ở lại.

Đăng Khoa

Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích