Cảnh giác với những chất gây nghiện nguy hiểm

23/05/2018 - 07:26

Thuốc lá điện tử được cơ quan chức năng thu được từ người sử dụng.

Thuốc lá điện tử được cơ quan chức năng thu được từ người sử dụng.

Shisa, thuốc lá điện tử (Shisa điện tử), bóng cười là những cái tên không hề xa lạ đối với một số bạn trẻ hiện nay. Nghe tưởng chừng như vô hại nhưng thực chất đó là những thứ gây nghiện nguy hiểm. Do có giá khá rẻ, lại có thể dễ mua bán hơn các chất gây nghiện khác nên những chất này đang được giới trẻ sử dụng ngày càng nhiều, bất chấp sự nguy hại đối với sức khỏe.

Tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe

Shisa và thuốc lá điện tử xuất hiện năm 2003 với mục đích ban đầu giúp người nghiện cai thuốc lá. Nhưng thực tế, thuốc lá điện tử không giúp cai được thuốc lá, ngược lại còn làm người ta lệ thuộc vào nó và nghiện từ lúc nào không hay. Nhiều nghiên cứu trên thế giới về Shisa và thuốc lá điện tử cho thấy rằng, tác hại của nó không thua kém gì thuốc lá, thậm chí còn độc hại hơn. Lượng khói vào cơ thể khi hút 2 loại này trong 1 giờ tương đương với hút từ 100 - 200 điếu thuốc lá, đồng thời, tỷ lệ Nicotine ngấm vào cơ thể cao hơn thuốc lá 70%. Chính vì thế, một người hút Shisa thường xuyên sẽ chịu những rủi ro mắc bệnh giống như người hút thuốc lá như ho lao, trụy tim và cả ung thư.

Hiện nay, vì nhu cầu người dùng và lợi ích kinh tế cao nên Shisa, thuốc lá điện tử không còn đơn thuần là loại thuốc hút có hương vị trái cây mà được pha trộn với các chất kích thích như ma túy đá, cần sa, rượu mạnh… để tăng thêm độ phê, làm cho người sử dụng trở nên nghiện nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong nếu lạm dụng.

Ngoài Shisa, thuốc lá điện tử thì hiện nay còn xuất hiện nhiều chất gây nghiện nguy hiểm khác, trong đó có “khí cười” hay còn gọi là bóng cười. Bóng cười là quả bóng bay được bơm khí Oxit Nitơ (N2O). Đây là một loại hợp chất ở dạng khí, không màu, có mùi thơm nhẹ, khi hít vào cơ thể người sẽ tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười nên được gọi là khí cười. Các chuyên gia cảnh báo hít nhiều khí này sẽ bị ngộ độc, làm cho thần kinh không còn cảm giác, không hoạt động được bình thường, thậm chí gây hôn mê sâu, về lâu dài dẫn đến mất trí nhớ, trầm cảm.

Các loại chất nêu trên, dù mới du nhập vào Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng đang làm mưa, làm gió trong giới trẻ. Trước đây, Shisa chỉ có trong các vũ trường, quán bar, karaoke nhưng hiện nay nó được phổ biến tại nhiều quán vỉa hè, quán trà sữa. Không chỉ được hút tràn lan tại các thành phố lớn, ở nhiều tỉnh, trong đó có Bến Tre đã dần xuất hiện các chất gây nghiện này, đối tượng tiếp cận chủ yếu là trẻ vị thành niên, đặc biệt là những em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Không thử sử dụng dù chỉ một lần

Vào một trang chuyên bán Shisa trên mạng xã hội, có thể thấy, chủ tài khoản lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chất gây nghiện của nhiều người, thường xuyên đăng tải những hình ảnh, lời quảng cáo sai sự thật, khẳng định những thứ họ bán đảm bảo chất lượng, không gây nghiện, không gây hại cho sức khỏe. Qua những lời bình luận giữa người mua và chủ tài khoản, được biết, cách thức mua bán những chất này rất đơn giản, chỉ cần chuyển tiền qua ngân hàng, chủ tài khoản sẽ gửi hàng về địa chỉ của người đặt mua dưới dạng bưu phẩm.

Shisa, thuốc lá điện tử, bóng cười là chất gây nghiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân người sử dụng, không chỉ hủy hoại sức khỏe mà còn tổn hại đến thần kinh người nghiện, điều này khiến họ mất khả năng lao động, học tập. Ngoài ra, người sử dụng các chất này chính là con đường ngắn nhất dẫn đến sử dụng các chất kích thích khác mạnh hơn như ma túy tổng hợp. Khi đã nghiện, người nghiện luôn có xu hướng tăng liều lượng dùng, chi phí để dùng các chất này ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng bị khánh kiệt về kinh tế, từ đó dẫn đến việc bất chấp pháp luật, thực hiện các hành vi phạm pháp như: lừa đảo, trộm cắp, cướp giật…

 Để phòng ngừa có hiệu quả sự xâm nhập và tác hại của các chất gây nghiện này đòi hỏi cần sự nỗ lực của toàn xã hội; trong đó, các ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện này đến mọi tầng lớp nhân dân. Thượng tá Lê Văn Minh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, đề nghị: “Ngoài sự nỗ lực của cơ quan công an thì nhà trường và phụ huynh phải tăng cường công tác quản lý, giáo dục con em tránh xa các chất gây nghiện. Ngoài ra, bản thân các em trong lứa tuổi vị thành niên, nhất là học sinh, sinh viên phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản thông qua báo, đài, mạng internet về tác hại khôn lường của các chất gây nghiện, để nâng cao ý thức phòng ngừa, không để bạn bè xấu lôi kéo vào con đường nghiện ngập”.

Để bảo vệ chính bản thân mình, mỗi người cần phải nâng cao nhận thức, nhìn thấy những hậu quả khôn lường do ma túy gây ra, từ đó có lối sống lành mạnh, không ăn chơi đua đòi, tự “đề kháng” trước sự lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy của người khác. Tìm đến các chất gây nghiện là bán rẻ cuộc sống tốt đẹp của chính mình, vì vậy mọi người cần phải tránh xa, không thử sử dụng dù chỉ một lần.

Bài, ảnh: Nguyễn Đăng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN