Tàu cá phải thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm

10/06/2011 - 08:04
Kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão. Ảnh: PY

Để quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản trên biển (gọi chung là tàu cá), góp phần giảm những thiệt hại, không làm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại với các nước trong khu vực, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Chỉ thị số 02/2010/CT-UBND.

Theo đó, tất cả tàu cá phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về đăng ký, đăng kiểm định kỳ để được cấp phép hoạt động; phải trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ thông tin liên lạc, bảo hộ… theo quy định. Chủ tàu cá phải thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng lao động với người lao động và đăng ký sử dụng lao động với cơ quan lao động tại địa phương, áp dụng các chế độ cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Thủy sản. Tất cả thuyền trưởng, chủ tàu cá phải ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác thủy sản theo quy định.

UBND tỉnh cũng chỉ thị nghiêm cấm người dân và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài. Nếu vi phạm và bị nước ngoài bắt giữ thì chủ phương tiện ngoài việc bị xử lý theo quy định của nước sở tại còn phải chịu chi phí đưa thuyền viên về nước và bị xử lý theo quy định khác của pháp luật Việt Nam. Trường hợp vi phạm bị nước ngoài bắt giữ mà tự ý thỏa thuận chuộc hoặc mua tàu về trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thuyền trưởng, chủ tàu cá cần nắm chắc tọa độ đường ranh giới biển khi đưa tàu cá hoạt động ở những vùng giáp ranh với nước ngoài; thường xuyên thông tin về vị trí tàu đang hoạt động cho lực lượng biên phòng nắm để được hướng dẫn khi cần thiết. Trường hợp tàu cá đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà bị các lực lượng của nước ngoài khống chế, bắt giữ hoặc có hành vi vi phạm khác thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng của Việt Nam biết để có biện pháp hỗ trợ xử lý kịp thời. Trường hợp tàu cá khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ thì thuyền trưởng và máy trưởng không được thuê, nhờ người khác đứng ra nhận thay là thuyền trưởng, máy trưởng.

UBND tỉnh quy định đến ngày 31-12-2010, tất cả các chủ tàu cá hoạt động khai thác thủy sản xa bờ phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động và đăng ký sử dụng lao động với cơ quan lao động tại địa phương; đến hết ngày 30-6-2011, tất cả chủ tàu cá phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Sau thời hạn quy định này, nếu chủ tàu cá nào không thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về lao động.

l Đồn Biên phòng Hàm Luông (Tân Thủy, Ba Tri) vừa phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Tri tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 02/CT của UBND tỉnh Bến Tre về tăng cường quản lý người và phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển cho ngư dân trên địa bàn 4 xã biên giới biển của huyện.

Tại hội nghị, các cơ quan chức năng tuyên truyền về thực hiện qui chế khu vực biên giới biển và qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản như: Nghị định 161, 31, 32, 33, 52/NĐ của Chính phủ, Chỉ thị 02/CT của UBND tỉnh; đồng thời hướng dẫn bà con ngư dân thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện đúng quy định, khi ra vào hoạt động trên khu vực biên giới biển phải được xác nhận của đồn biên phòng hoặc trạm kiểm soát biên phòng và hướng dẫn các loại thủ tục, giấy tờ khác có liên quan khi phương tiện hoạt động trên biển. Đặc biệt là nghiêm cấm phương tiện đi khai thác, đánh bắt thủy sản trên vùng biển nước ngoài.

P. Yến – P. Khánh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN