Nhận biết và cách xử lý người “ngáo đá”

22/08/2018 - 07:30

BDK - Trong những năm gần đây, việc sử dụng ma túy đá (MTĐ) trong một bộ phận thanh thiếu niên đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Nhiều vụ án mạng thương tâm do những người sử dụng MTĐ gây ra thực sự khiến dư luận bàng hoàng trước tác hại vô cùng to lớn của loại ma túy này.

Số tang vật thu của đối tượng nghiện ma túy đá.

Số tang vật thu của đối tượng nghiện ma túy đá.

Cách nhận biết người nghiện

MTĐ có tên khoa học là Amphetamin hoặc các dạng của nó là Methamphetamine và Amphetamine, là một trong những chất gây nghiện nguy hiểm nhất được biết đến hiện nay trên thế giới. Người sử dụng, người nghiện thường xuyên bị ảo giác, dễ dẫn đến những hành động mất kiểm soát, hay còn gọi là “ngáo đá” và gây ra tai họa khôn lường cho xã hội như: giết người, đánh nhau, bạo dâm... Trước tình hình trên, nhiều người không khỏi băn khoăn, lo lắng vì tình trạng sử dụng MTĐ trong xã hội ngày càng nhiều, đặc biệt là ở giới trẻ. Vì vậy, các gia đình quan tâm đến người thân của mình, làm thế nào để nhận biết họ có sử dụng MTĐ hay không và cách xử lý như thế nào nếu gặp người “ngáo đá”?

Theo các chuyên gia y tế, người sử dụng MTĐ ở giai đoạn đầu có những dấu hiệu không bình thường như: có nhiều thay đổi về quy luật sinh hoạt và làm việc, ít hoặc không quan tâm đến gia đình và người thân, ăn ngủ thất thường, sức khỏe giảm sút. MTĐ làm cho người sử dụng thức trắng không ngủ, sau đó ngủ liên tục trong nhiều ngày liên tiếp, nếu thấy người thân có hiện tượng không ngủ trong nhiều ngày liền mà vẫn tỉnh táo tràn đầy sinh lực, cần phải chú ý theo dõi. Đối với trường hợp sử dụng nhiều và thường xuyên thì người nghiện có nhiều thay đổi bất thường như đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục; liên tục uống nước; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể; hơi thở có mùi nặng; hay bị chảy máu cam…

Đặc biệt, khi bị “ngáo đá”, đối tượng thường mất kiểm soát hành vi, có những hành động khiến người khác  không khỏi bàng hoàng như: leo lên nóc nhà, cột điện cao thế, cầm dao truy sát các thành viên trong gia đình, giết hại bạn tình rồi chặt xác, tự cắt bộ phận sinh dục của mình, chui xuống ống cống vì nghĩ mình là cá, vô cớ gây gổ, đánh nhau... Có những trường hợp sau khi sử dụng MTĐ xuất hiện ảo giác cho rằng những người xung quanh đang muốn hãm hại mình.

Xử lý người “ngáo đá”  

MTĐ sẽ khiến người sử dụng gặp chứng hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi. Vì vậy, khi phát hiện các trường hợp bị “ngáo đá”, chúng ta phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Những người không có trách nhiệm nên tránh xa đối tượng, càng xa càng tốt. Tuyệt đối không nên đối đầu hoặc một mình lao vào khống chế nếu đối tượng “ngáo đá” có mang theo hung khí, tỏ ra hung hãn.

Nói về vấn đề này, Thượng tá Lê Văn Minh - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh cho biết: “Trường hợp bản thân hoặc người thân bất ngờ bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, không có cơ hội để thoát thì chúng ta nên làm theo yêu cầu của đối tượng, nên dùng những lời lẽ ngọt ngào để thuyết phục, không được la hét, gào khóc sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động dễ có hành vi nguy hiểm, gây thương tích cho bản thân. Khi đối tượng có biểu hiện bình tĩnh hơn, cần phải khéo léo hỏi xem đối tượng có nhu cầu gì, cần gì để đối tượng tâm sự, nói ra yêu cầu, làm cho đối tượng bình tĩnh trở lại, chờ cơ hội chạy thoát khỏi sự khống chế của đối tượng hoặc chờ lực lượng chức năng ứng cứu. Đối với các gia đình có người thân sử dụng MTĐ, nên chủ động báo cho cơ quan chức năng để có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, như: đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người xung quanh… Nếu phát hiện người thân trong gia đình bị “ngáo đá” thì cần báo ngay cho công an nơi gần nhất. Nếu nhận thấy đối tượng có hành vi hung hãn hoặc có cầm hung khí thì phải sơ tán người thân, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi an toàn, chờ lực lượng chức năng trợ giúp, kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của đối tượng.

Để ngăn ngừa hiểm họa do MTĐ gây ra, ngay từ bây giờ, mỗi gia đình phải nhận biết được các dấu hiệu của người nghiện MTĐ và người bị “ngáo đá”. Khi thấy người thân trong gia đình có những biểu hiện bất thường như trên, cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đưa bệnh nhân đi điều trị. Đối với những trường hợp xác định nghiện MTĐ, các gia đình nên đưa đi cai nghiện. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với gia đình và nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao sự nhận thức về tác hại do MTĐ gây ra. Để từ đó làm cho mọi người, nhất là giới trẻ tránh xa, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần.

Bài, ảnh: Hải Đăng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN