Chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm

14/10/2018 - 20:20

Một điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn TP. Bến Tre. Ảnh: PV

Một điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn TP. Bến Tre. Ảnh: PV

Ngày 4-9-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nghị  định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-10-2018.

Theo đó, Điều 15 của nghị định quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căn-tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm.

Luật quy định mức phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh;

b) Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến;

c) Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số trên 9,3 ngàn cơ sở thực phẩm, với hơn 2,7 ngàn điểm bán thức ăn đường phố, không tính những điểm bán thức ăn đường phố lưu động; trong đó, tại địa bàn TP. Bến Tre có khoảng 300 cơ sở (điểm) kinh doanh thức ăn đường phố. Các cơ sở, điểm kinh doanh này không tập trung một nơi hay ở tại địa bàn nhất định mà có rải rác ở khắp các xã, phường, thị trấn và giờ giấc hoạt động lại khác nhau. Do vậy, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở vi phạm về ATVSTP gặp phải nhiều khó khăn.

Mặt khác, đối với người lao động chân tay và người dân nông thôn thì việc ăn uống khá đơn giản. Với họ, chỗ nào bán thức ăn, nước uống “rẻ, vừa túi tiền” thì ghé vào và ít khi đắn đo hay dành thời gian để xem điểm bán thức ăn (nước uống) này có thực sự đảm bảo ATVSTP hay không.

Trên thực tế, có nhiều người bán hàng vừa chế biến thực phẩm, thức ăn cho khách; họ cũng là người vừa thu, trả tiền, lau bàn mà không cần phải mang găng tay. Hoặc có nhiều trường hợp người bán hàng, chế biến thực phẩm, thức ăn cho khách có mang găng tay nhưng họ cũng lại là người vừa thu, trả tiền thừa cho khách. Rất khó kiểm soát khi nào thì họ sẽ mang găng tay để làm thức ăn, nước uống và lúc nào thì tháo găng tay ra để thu, trả tiền hay lau bàn.

Thiết nghĩ, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân quy định của pháp luật về ATVSTP. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho đối tượng là người trực tiếp chế biến, phục vụ thức ăn, nước uống cho khách hàng.

Công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm cần được tăng cường và được sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp. Mỗi người dân, nhất là đối với người kinh doanh, chế biến thực phẩm cần nâng cao ý thức, đạo đức và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về ATVSTP, để nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính mình và của mọi người.

Chí Thiện

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN