Dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị thu hồi đi vay tiền

23/02/2020 - 22:15

Mặt tiền nhà, đất của ông Mười hiện đã cho thuê. Ảnh: PV

Mặt tiền nhà, đất của ông Mười hiện đã cho thuê. Ảnh: PV

Ông P. M. Tân ở phường Phú Tân (TP. Bến Tre) bức xúc vì sang “nhầm” 139,9m2 đất ở Phường 8 nhưng không thể làm giấy tờ cho ông đứng tên sở hữu hợp pháp được. Đất này do ông Phạm Mười (đăng ký thường trú Phường 8) đứng tên chủ sở hữu quyền sử dụng nhưng đã được dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng vào tháng 6-2014. Hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của ông Mười vẫn còn “nằm” trong ngân hàng.

Tháng 6-2008, UBND thị xã Bến Tre (nay là TP. Bến Tre) đã có quyết định thu hồi GCNQSDĐ của ông Mười, nhưng ông vẫn đem giấy tờ đất của mình thế chấp vay được tiền.

Giữa tháng 3-2019, thông qua giới thiệu của 2 người “cò đất”, ông Tân biết ông Mười cần chuyển nhượng đất. Ngày 27-3-2019, ông và ông Mười đã làm hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSDĐ và văn bản thỏa thuận việc chuyển nhượng đất và giao tiền chuyển nhượng đất (các giấy tờ này được công chứng tại một văn phòng công chứng tư nhân). Ông Tân được ông Mười cho hay đã thế chấp GCNQSDĐ để vay tiền ngân hàng và cần chuyển nhượng đất gấp để trả nợ.

Theo thỏa thuận, ông Mười chuyển nhượng thửa đất số 88, tờ bản đồ số 19, diện tích 139,9m2, tọa lạc tại Phường 8, TP. Bến Tre cho ông Tân với giá 900 triệu đồng. Ngay trong ngày ký hợp đồng (27-3-2019), ông Mười nhận số tiền đặt cọc 450 triệu đồng (đợt 1) của ông Tân. Đợt 2, ông Tân trả cho ông Mười 200 triệu đồng khi ký hợp đồng chuyển nhượng QSDD (có công chứng). Đợt 3, ông Tân trả 250 triệu đồng cho ông Mười sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp GCNQSDĐ.

Ngày 10-4-2019, ông Mười làm giấy ủy quyền cho ông Tân với nội dung: Ông Tân được quyền thay mặt ông Mười tiếp xúc với ngân hàng, trả nợ ngân hàng, xóa thế chấp, nhận GCNQSDĐ do cơ quan thẩm quyền (cấp cho ông Mười); thời gian ủy quyền kết thúc khi thực hiện xong nội dung ủy quyền.

Sau khi ông Tân tiếp xúc với ngân hàng (nơi ông Mười thế chấp GCNQSDĐ để vay vốn), cơ quan này đã liên hệ với UBND Phường 8 để thông báo việc niêm yết xử lý tài sản thế chấp của ông Mười. Lúc này, UBND Phường 8 thông tin cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP. Bến Tre được biết, trước đây vào ngày 19-6-2008, UBND thị xã Bến Tre (nay là TP. Bến Tre) đã ban hành quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho ông Mười.

Theo thông tin từ Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP. Bến Tre, thửa đất số 88, tờ bản đồ số 19 (diện tích 139,9m2) của ông Phạm Mười được cấp GCNQSDĐ ngày 13-3-2007. Ngày 19-6-2008, UBND thị xã Bến Tre đã ra Quyết định số 47/QĐ-UBND thu hồi GCNQSDĐ của ông Mười (nhưng VPĐKĐĐ thành phố không biết việc này). Ngày 18-10-2013, ông Mười đăng ký thế chấp bằng QSDĐ thửa đất 88 cho Quỹ tín dụng nhân dân xã Mỹ Thạnh An. Ngày 26-6-2014, ông Mười đã đăng ký xóa thế chấp bằng QSDĐ. Ngày 27-6-2014, ông Mười đề nghị đăng ký thế chấp bằng QSDĐ thửa số 88 (diện tích 139,9m2) với Ngân hàng TMCP Quân đội (Chi nhánh Tiền Giang) và được công chứng. Thời điểm ông Mười vay tiền của Ngân hàng TMCP Quân đội, đơn xác nhận về nhà ở, đất ở của ông Mười được UBND Phường 8 xác nhận ngày 30-11-2012.

Theo báo cáo của UBND Phường 8, thời điểm tống đạt quyết định thu hồi GCNQSDĐ của ông Phạm Mười (năm 2008), đoàn công tác gồm có đại diện Phòng Tư pháp thị xã và cán bộ Tư pháp, Địa chính, Công an khu vực Khu phố 2 (Phường 8) tới địa phương tống đạt quyết định.

Hiện tại, Phòng Tư pháp TP. Bến Tre và UBND Phường 8 không có văn bản lưu hoặc báo cáo về việc thực hiện tống đạt quyết định.

Người phải thi hành quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã lợi dụng sai sót trong quá trình tống đạt quyết định và sơ hở trong khâu quản lý, đã đem GCNQSDĐ (bị thu hồi) thực hiện các hợp đồng dân sự vay tiền, mua bán và gây ra nhiều hậu quả pháp lý khác.

Hiện tại, Ngân hàng TMCP Quân đội (Chi nhánh Tiền Giang) đã đề nghị Chi nhánh VPĐKĐĐ TP. Bến Tre xác nhận thửa đất số 88 (ông Mười dùng thế chấp để vay tiền), có thực hiện chuyển quyền được hay không để ngân hàng có hướng xử lý thích hợp. 

Mong rằng, ngành chức năng TP. Bến Tre cần quan tâm có biện pháp giải quyết ráo rẽ vụ việc này.

PV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích