Quyền tác giả đối với tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ

21/06/2020 - 20:46

BDK - Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005, có hiệu lực từ ngày 1-7-2006. Luật quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.

Luật SHTT quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Mặt khác, luật cũng quy định “Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả”. 

Theo quy định tại Điều 18 Luật SHTT, quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân bao gồm các quyền: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (Điều 19 Luật SHTT).

Quyền tài sản bao gồm các quyền: làm tác phẩm phái sinh (là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn); biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính (Điều 20 Luật SHTT).

Ngoài ra, Luật SHTT quy định, các quyền về tài sản nêu trên do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của luật này.

Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định nêu trên và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, theo quy định tại Điều 27 Luật SHTT, quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của luật này được bảo hộ vô thời hạn (gồm các quyền đặt tên tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm).

Đối với quyền nhân thân quy định tại Khoản 3 Điều 19 (công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a. Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 50 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn 50 năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này.

b. Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại Điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

c. Thời hạn bảo hộ quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31-12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN