Bình Đại qua một năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

25/11/2019 - 06:59

BDK - Qua hơn một năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã cơ bản chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện đúng hướng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp nông thôn và dịch vụ theo hướng hàng hóa có chất lượng cao, vì lợi ích cộng đồng và gia tăng giá trị sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trưng bày những sản phẩm mang thương hiệu chủ lực của huyện Bình Đại.

Trưng bày những sản phẩm mang thương hiệu chủ lực của huyện Bình Đại.

Nâng giá trị sản xuất

Để xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương, huyện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp(DN), cơ sở sản xuất tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ nông nghiệp, các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh. Tổ chức các hoạt động xúc tiến trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng về các sản phẩm đặc trưng của huyện; tập huấn nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho các hộ sản xuất, kinh doanh.

Phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở nền tảng truyền thống và sản phẩm đặc trưng của địa phương và phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm thế mạnh được thị trường tiêu thụ mạnh như: mật ong của Công ty cổ phần Mật ong Tín Phát, xã Long Định (chuẩn 4 sao), bưởi da xanh VietGAP của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Châu Hưng (chuẩn 3 sao); nhãn VietGAP Tam Hiệp, Long Hòa; con nghêu của HTX thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm; làng nghề truyền thống chế biến cá khô Bình Thắng; cơ sở sản xuất tôm khô Diễm, xã Thạnh Phước... Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu trên địa bàn huyện, TP. Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú như: nhãn, bưởi, rau hữu cơ, tôm thẻ chân trắng theo quy trình công nghệ cao, thủy sản sinh thái, tôm càng xanh, cơ sở sản xuất lá sâm xã Tam Hiệp; mắm ba khía của bà Phạm Thị Được, xã Thạnh Phước; các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của Công ty cổ phần Anfoods… Các sản phẩm từ tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của huyện đã và đang đem lại thu nhập cao cho người dân, ngày càng được thị trường biết đến; đây là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm đặc trưng của huyện tham gia vào chương trình OCOP.

Trên lĩnh vực du lịch, huyện có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là đình Long Phụng và đình Long Thạnh, xã Long Định; 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 10 di tích cấp tỉnh; Mộ và đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát tại xã Châu Hưng; điểm du lịch biển Thừa Đức; điểm du lịch đê Ốc Viết ở cồn Chày Mười, xã Thới Thuận có tiềm năng phát triển du lịch, là điểm đến thu hút khách du lịch gần xa, tạo điều kiện để phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng trong tương lai, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm Chương trình OCOP.

Trưng bày sản phẩm địa phương.

Trưng bày sản phẩm địa phương. 

Phát triển sản phẩm OCOP

Huyện chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ về xây dựng kế hoạch sản xuất và đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình OCOP; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho 100% cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP huyện, xã và chủ các cơ sở có đăng ký kinh doanh, DN, HTX; tập huấn nâng cao kỹ thuật phân phối, tiếp thị cho nhân lực tham gia hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm; xét chọn ý tưởng sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn chỉnh và triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh, tổ chức sản xuất các sản phẩm; xúc tiến thương mại, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP hiện có, rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản của huyện, mang tính độc đáo, giá trị cao và các sản phẩm dịch vụ dựa trên thế mạnh về văn hóa, di tích để phát triển sản phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử. Nâng cấp các sản phẩm mới, lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm chủ lực của mỗi xã để tập trung củng cố, nâng cấp phát triển thành sản phẩm OCOP chủ lực.

 Phát triển các tổ chức kinh tế, hỗ trợ củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của các tổ chức kinh tế; quan tâm thành lập mới các tổ hợp tác, HTX, cơ sở có đăng ký kinh doanh, DN; khuyến khích các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP; nâng cấp mở rộng, hoàn thiện cơ sở sản xuất đối với HTX, DN đang hoạt động, đảm bảo đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm. Xúc tiến thương mại các sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông; tham gia hệ thống bán hàng điện tử OCOP; quảng bá các sản phẩm OCOP vào các sự kiện văn hóa, du lịch, sự kiện lớn, tham gia Hội chợ OCOP thường niên trong và ngoài tỉnh.

Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP. Xây dựng và triển khai các đề tài, nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Huy động các nguồn lực chủ yếu như tiền, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ… để triển khai thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất tiếp cận, vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất; sử dụng Ngân sách Nhà nước như vốn sự nghiệp, phát triển sản xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; huy động các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn khác cho Chương trình OCOP.

Huyện phấn đấu có 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, 2 - 3 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Phát triển từ 2 - 3 sản phẩm mới tăng dần theo từng năm; 5 sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch; 30 tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP, khuyến khích các HTX và các cơ sở, DN vừa và nhỏ tham gia.

Bài, ảnh: Công Lý

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN