Cảm nhận y đức ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An

17/02/2009 - 15:17

Bác sĩ Lê Thị Dung - Giám đốc Bệnh viện (thứ tư, từ trái sang) tại lễ nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: T.V.A

(Bài viết nhân dịp Bệnh viện Trần Văn An đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất)

    Bệnh viện y học cổ truyền Trần Văn An hoạt động từ năm 1984, luôn có mặt ở tốp đầu trong phong trào thi đua. Nhiều năm liên tục đạt tiêu chí “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”, nhận nhiều cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (1997), hạng nhì (2002) và hạng nhất (2008). Vinh dự ấy thuộc về những người mặc blouse trắng của bệnh viện Trần Văn An nói riêng và ngành y tế Bến Tre nói chung…

    Từ lâu tiếng lành đã đồn xa, nhưng mãi đến năm 2006 tôi mới có dịp tiếp cận Bệnh viện Trần Văn An, hướng dẫn cụ bà trên 90 tuổi, gầy yếu, mang nhiều chứng bệnh của người già. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe cụ bà cải thiện khả quan. Cụ bà tin tưởng, chọn Bệnh viện Trần Văn An làm nơi khám chữa bệnh ban đầu. Thời gian gần đây, tôi cũng tự nguyện làm bệnh nhân ngoại trú thường xuyên của Bệnh viện Trần Văn An, mặc dù tôi vẫn được ưu ái nơi phòng khám trung cao.

Quả thật như lời khen của nhiều người về y đức của Bệnh viện Y học cổ truyền. Bệnh nhân có hay không có bảo hiểm, gần hay xa khắp các huyện, thị xã cũng tìm đến Bệnh viện Trần Văn An để được khám và điều trị. Dù bệnh nhân ngày càng đông, tăng cường thêm áp lực cho tất cả các khoa, nhưng nơi đây không có cảnh chen lấn của bệnh nhân, không có lời gắt gỏng hoặc mặt lạnh như tiền của những người mặc blouse trắng. Khi đến với bệnh viện, bệnh nhân dễ nhìn thấy phong cách làm việc của khoa khám bệnh và quầy cấp thuốc. Hai bộ phận này làm việc gần như không ngưng nghỉ, không có khái niệm “giải lao giữa giờ”, luôn làm việc nghiêm túc khi còn bệnh nhân ngồi chờ. Người nào việc ấy, ai cũng vui vẻ, niềm nở, nhỏ nhẹ, ân cần, giải quyết công việc thứ tự, công bằng, nhanh chóng và chính xác.

Khu khám bệnh của Bệnh viện. Ảnh: KT

    Không phải chỉ có trường hợp bệnh nhân Phạm Thị Nỉ (tức cô Sáu Hòa được mọi người kính nể khi tất cả của cải và tiền bạc tích cóp từ lương hưu dồn hết cho từ thiện. Cô cũng tự nguyện hiến xác khi qua đời cho trường ĐH Y Dược TP HCM) được ưu ái chăm sóc, mà tất cả bệnh nhân từ cán bộ trung cao cấp đến người dân bình thường cũng được Bệnh viện Trần Văn An ân cần khám chữa bệnh. Đặc biệt, những bệnh nhân nghèo, lớn tuổi, neo đơn luôn được cảm thông chia sẻ…

    Cùng ngồi chờ để đến lượt “điện trị liệu”, nhiều bệnh nhân trọng tuổi gặp nhau í ới, rồi hỏi thăm nhau bệnh tình thuyên giảm. Nghe chuyện của các cụ làm mọi người cũng vui lây. Cụ Trương Thị Hường ở Bình Thạnh (Thạnh Phú) vui vẻ bộc bạch: “Nhà tui nghèo, chuyên làm mướn để sống, đau nhức khớp, tay chân không cử động được. Điều trị nhiều nơi, tốn, kém quá chừng. Thời may, người quen điềm chỉ tui đến Bệnh viện Trần Văn An. Tui điều trị nội trú chưa đầy một tháng mà đi lại được tuy còn yếu, tay thì cử động bình thường, bà con dưới quê đều mừng cho tui.

    Ở đây, khi có chuyện cần, chỉ báo một tiếng thì người trực có mặt ngay, không có chuyện người bệnh ngóng cổ cò chờ đợi. Mẹ con tui sống nội trú nhờ có cơm, có nước từ thiện. Những người làm việc ở đây tốt quá. Bệnh viện này cứu nhiều người, tui và nhiều bệnh nhân khác chịu ơn bệnh viện Trần Văn An nhiều lắm. Nhứt định đầu năm 2009, tui mua bảo hiểm y tế tự nguyện, đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện này…”. Còn cụ Tuyết ở Sơn Đông (Thị xã) cười sảng khoái cho biết: “Tui là bệnh nhân ngoại trú, bám bệnh viện này gần mười năm, bệnh nhân “mối” ở đây mà! Bệnh của tui thuyên giảm rất nhiều. Ráng uống thuốc, chạy điện vài tuần nữa cho ngon lành. Tui hài lòng về y đức và an tâm tin tưởng điều trị nơi đây…”.

    Trước đây, trên báo Đồng Khởi và trên trang web của UBND tỉnh có bài viết về y đức của bác sĩ Bạch Tâm (trưởng khoa khám bệnh). Thật ra, bác sĩ Bạch Tâm không phải là trường hợp cá biệt của bệnh viện, mà tất cả các phòng, khoa có nhiều y sĩ, bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên là những điển hình tiên tiến, chung tay xây dựng y đức “lương y như từ mẫu”, toàn tâm toàn ý phục vụ bệnh nhân.

    Được biết, qua hai mươi bốn năm hoạt động, Bệnh viện Trần Văn An lần lượt đón nhận 3 Huân chương Lao động các hạng (ba, nhì, nhất) là một vinh dự lớn. Mọi người có cơ sở tin rằng y đức của Bệnh viện Trần Văn An sẽ được giữ gìn và luôn tỏa sáng để trong tương lai không xa, những người mặc blouse trắng nơi đây có quyền nghĩ đến đơn vị bệnh viện của mình sẽ là “ứng viên” cho danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới”.

Hoàng An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN