Xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre

Cần liên kết vùng và tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông

24/03/2019 - 19:30

Ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tháo “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông

Một trong những vấn đề đầu tiên trong xây dựng tầm nhìn chiến lược, ta cần chỉ ra “điểm nghẽn” trong phát triển của tỉnh thời gian qua. Nhìn nhận vấn đề này cho thấy các tỉnh ven biển phía Nam lại không phát triển so các tỉnh phía Bắc. Phải chăng do hạn chế về hạ tầng giao thông. Với khó khăn trên, khi đề xuất chiến lược, tỉnh sẽ phải đề xuất chung của vùng và Trung ương tháo gỡ khó khăn này. Nguồn lực nhà nước có hạn không thể đề xuất nhiều chương trình, dự án, ta chọn yếu tố quan trọng mang tính đột phá về hạ tầng giao thông để tháo “điểm nghẽn”.

Ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: P. Tuyết

Ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: P. Tuyết

Trong chương trình phát triển giao thông của vùng, có đường giao thông ven biển, hiện đang có chương trình đê biển, ta có thể kết hợp đường với đê, các cầu cống nhằm giảm kinh phí đầu tư hướng đến giải quyết khó khăn về hạ tầng giao thông. Tập trung nghiên cứu phát triển kinh tế biển. Lợi thế tỉnh là vùng biển ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, tỉnh có thể đầu tư phát triển kinh tế biển xứng với tiềm năng hiện có.

Cùng với đó là phát triển đô thị. Hiện tại mức độ đô thị hóa của tỉnh thấp, chưa bằng 50% cả nước. Đô thị hóa thấp chứng tỏ công nghiệp hóa thấp, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp thấp. Vai trò đầu tàu của các đô thị trong vấn đề phát triển chưa được phát huy. Vì các đô thị mới là các điểm chuyển giao, phát tiển dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ, tập hợp các nguồn lực. Nghiên cứu về chiến lược tỉnh, cần quan tâm chiến lược quy hoạch đô thị.

Từ đây cho thấy, định hướng phát triển chính là tầm nhìn quy hoạch chiến lược. Nói như thế để thấy rằng, xây dựng tầm nhìn chiến lược chỉ có thể bằng một vài đề xuất mang tính đột phá. Với xu thế chung ấy, khi xây dựng tầm nhìn chiến lược, tỉnh cần xác định Nghị quyết số 120 của Chính phủ có đưa ra việc phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. “Thích ứng” theo quan điểm Nghị quyết số 120 có nghĩa là “chủ động”, do đó khi xây dựng tầm nhìn hiến lược, trong đề cương ta cần xác định vấn đề này. Chiến lược phát triển của tỉnh nằm trong xu thế phát triển chung của vùng, do vậy, việc tạo sự liên kết vùng là hết sức cần thiết. Chúng ta đã biết vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng nhạy cảm, bất cứ tác động ở một điểm nào, một địa phương nào đều có thể ảnh hưởng đến toàn vùng. Do đó, chiến lược được đưa ra cần đặt trong bối cảnh chung toàn vùng.

GS.TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Liên kết vùng tạo nét riêng biệt của tỉnh

Xây dựng chiến lược phát triển phải đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa khu vực, mâu thuẫn giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cả nước chúng ta các ngành hội nhập, địa phương hội nhập…, từ đó chiến lược phát triển, sản phẩm dịch vụ của tỉnh cũng phải đặt trong bối cảnh này. Trong giai đoạn hiện nay, làm gì cũng phải nghĩ thị trường thế giới, toàn cầu hóa, vấn đề cạnh tranh sẽ tác động đến kịch bản hay sản phẩm của ta.

GS.TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: P. Tuyết

GS.TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: P. Tuyết

Với xu thế ấy, ta không thể xây dựng chiến lược phát triển chỉ riêng mình. Khi tiếp cận liên kết vùng, ta phải xây dựng điểm khác biệt của tỉnh so với các tỉnh khác trong khu vực. Chúng ta nên đặt vấn đề không cạnh tranh giữa các địa phương với nhau, mà nên đặt trong bối cảnh Bến Tre thể hiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Thời gian tới, tỉnh cần có những cuộc trao đổi giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh ngoài vùng để chúng ta có sự phối hợp. Cụ thể như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phối hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long để ta có sự trao đổi gắn kết.

Khi thực hiện ta cần xây dựng những đột phá chiến lược. Xác định đột phá mang đặc điểm địa phương mình. Tỉnh nên nghĩ đến việc rà soát và đưa đột phá về khoa học công nghệ vào xây dựng tầm nhìn chiến lược trong thời gian tới. Trong xây dựng nguồn lực thực hiện có nhân lực, tài lực. Trong tài lực, nhân lực cần phải xác định nguồn lực ngoài tỉnh, ngoài nước, FDI và chuẩn bị nguồn lực từ bên trong bao gồm nguồn lực tại chỗ của tỉnh và thu hút nguồn lực đầu tư lớn từ những thành phố. Cùng với đó, các chuyên gia sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng trên sở các kỹ thuật phần mềm, các kinh nghiệm kết hợp các yếu tố vừa phân tích. 

Bà Phạm Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Phát triển kinh tế vườn và kinh tế biển

Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp, với thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển; với 71.248ha dừa, 28.346ha cây ăn trái, 37.500ha nuôi thủy sản, 3.992 tàu khai thác thủy sản, với công suất bình quân 346 CV/tàu… Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đến nay đã có 5 chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành và phát triển (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn và tôm biển) và 3 chuỗi đang xây dựng (hoa kiểng, bò và heo). Cùng với đó là phát triển du lịch, đầu tư phát triển công nghiệp

Bà Phạm Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Bà Phạm Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Mặc dù kinh tế có bước phát triển nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững: Giá cả nông sản vẫn còn bấp bênh. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động còn yếu kém. Các dự án đầu tư khu vực tư nhân chậm triển khai và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách đạt thấp. Tỉnh vẫn thiếu nguồn đất sạch để thu hút đầu tư phát triển… Dự báo thời gian tới, tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường.

Để khắc phục những tthách thức trên, tỉnh tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư. Tăng cường huy động vốn nhàn rỗi trong dân, tập trung phát triển tín dụng theo hướng phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên thực hiện chương trình, đề án trọng điểm của tỉnh; nhất là tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Đề án Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2018 - 2020”. Tập trung xây dựng và phát triển hợp tác xã trong toàn tỉnh. Tăng cường xây dựng và phát huy chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” được triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu khá quan trọng, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ và phát huy khá tốt...

P. Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN