Bài cuối: “Quân giải phóng đã về!”

07/04/2010 - 08:34

Đã qua một chặng đường dài đầy gian khổ, ác liệt của chiến thuật vừa đi vừa đánh. Sáng ngày 30-4-1975, chỉ còn cách Sài Gòn theo đường chim bay khoảng 25km, xe tăng, xe thiết giáp và bộ binh toàn mặt trận phía Tây và Tây-Nam Sài Gòn của Đoàn 232 dàn hàng ngang vừa đánh địch giữa ban ngày. Bộ binh, xe tăng, pháo binh, công binh phối hợp cùng dân quân du kích các xã ven đô từ ấp Tân Lập đánh xuống ngã ba Bà Quẹo, ngã tư Trung Chánh, lộ Đại Hàn đến quốc lộ 1 (trại lính dù) từ Phú Lâm vào Chợ Lớn. Xác địch chết ngổn ngang. Trên đường và dưới ruộng áo quần, mũ nón, giày dép, súng đạn của binh lính ngụy tháo chạy lột vứt bừa bãi.

* Ấn tượng ngày 30-4
Ngày 30-4, các cánh quân của ta thừa thắng nhanh chóng phát triển đánh chiếm 5 mục tiêu chủ yếu của chiến dịch, với khí thế thần tốc quyết thắng. Nhân dân thành phố nổi dậy, tận dụng thế mạnh thắng lợi quân sự làm tan rã một số lớn ngụy quân, ngụy quyền, bắt nhiều tên lẩn trốn, dẫn đường cho bộ đội đánh trúng các mục tiêu nhanh nhất. Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu và khu bộ tư lệnh các binh chủng địch. Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, gặp phái đoàn quân sự của ta tại trại David. Quân đoàn 4 đánh chiếm Bộ Quốc phòng ngụy, cảng Bạch Đằụng và đài phát thanh ngụy. Đoàn 232 đánh chiếm biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát ngụy. Lực lượng Quân khu 8, Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập. 5 mũi tiến công vào 5 mục tiêu chủ yếu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Tôi cảm thấy quá sốt ruột nên chạy ra đường thì gặp ngay một thanh niên địa phương đang đứng trước sân nhà cùng với một chiếc honda, bèn nhờ anh chở tôi vào Sài Gòn. Anh ta nhìn tôi khá lâu, biết tôi là chiến sĩ quân giải phóng, anh liền mời tôi lên xe và phóng đi ngay. Đi được hơn 10 km thì anh ta nói với giọng đứt quãng: “Hai bên đánh nhau ác liệt quá, xin ông cho tôi được quay trở lại, không đi tiếp nữa!”. Thực tế lúc này trên đường đi, nhiều chỗ bọn tàn quân còn đang điên cuồng chống trả nên anh này lo sợ là phải. Tôi cảm ơn anh và đồng ý để anh quay về. Rất may mắn, vừa lúc ấy có một chiếc xe taxi chạy ngang qua, tôi vẫy tay, chiếc xe dừng lại ngay. Có lẽ họ thấy tôi là bộ đội giải phóng nên họ sẵn sàng giúp đỡ. Trên xe chỉ có người lái xe và một phụ nữ tuổi độ ngoài ba mươi, mặc bộ áo quần tu sĩ, trước ngực đeo một chiếc thập tự khá to. Tôi nói:
- Xe đi đâu, cho tôi đi nhờ vào Sài Gòn gấp được không:
Chị tươi cười nói:
- Xin mời bộ đội giải phóng lên xe!
Chiếc xe lao nhanh về phía trước. Tôi hỏi:
- Chiến sự còn xảy ra trên đường đi, chị vào Sài Gòn làm gì nguy hiểm vậy?
- Thưa ông! Chính vì lo sợ chiến sự còn đang diễn ra nên tôi đưa xe vào Sài Gòn để chở các cháu nhỏ của Nhà thờ nuôi dưỡng đi sơ tán lên Củ Chi.
Trưa ngày 30-4-1975, tôi đã có mặt ở Dinh Độc Lập. Thật sung sướng đến trào nước mắt. Tôi nhanh chóng tìm gặp các đồng chí chỉ huy ở Sở Chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2. Lúc này trước Dinh Độc Lập dân chúng đi lại rất đông. Xe tăng, xe bọc thép và bộ binh của lực lượng thọc sâu đã triển khai kín xung quanh Dinh Độc Lập. Tôi tranh thủ chụp rất nhiều ảnh và khẩn trương lấy tài liệu để kịp chuyển về Hà Nội.
* “Vui sao nước mắt lại trào”
Tôi thấy các đồng chí: Nguyễn Hữu An, Hoàng Đan, Nguyễn Công Trang và Nam Long vào đứng ở giữa Dinh Độc Lập trao đổi công việc. Một lúc sau, đồng chí Bùi Văn Tùng và đồng chí Phạm Xuân Thệ đưa Dương Văn Minh từ đài phát thanh về. Tôi tranh thủ nắm tình hình; ghi chép mọi chi tiết quan trọng có tính lịch sử vừa diễn ra trước đó vài chục phút, với cả tâm trạng vô cùng sung sướng của một phóng viên mặt trận trong giờ phút trọng đại này.
Trong mũi tiến công thọc sâu bằng sức mạnh tổng hợp của Quân đoàn 2 (gồm Lữ đoàn xe tăng 203, Trung đoàn bộ binh 66 và các lực lượng phối hợp) vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 là đơn vị tiến công đột nhập vào Dinh Độc Lập đầu tiên và đồng chí Bùi Quang Thận là người thực hiện việc kéo cờ Mặt trận giải phóng lên trên nóc dinh. Cùng lúc đó, một số cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn bộ binh 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy cùng tiến vào Dinh Độc Lập, lên tầng hai bắt Tổng thống Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Tại đài phát thanh, đồng chí Phạm Xuân Thệ đã cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 66 (gồm các đồng chí: Phùng Bá Đạm, Nguyễn Văn Nhu, Trần Viết Cả, Nguyễn Huy Hoàng, Bàng Nguyên Thất…) tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang soạn thảo thì Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn 203 xuất hiện. Từ đó, bộ phận cán bộ Trung đoàn 66 và đồng chí Bùi Văn Tùng tiếp tục soạn thảo hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Riêng lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh: “Tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm Dinh Độc Lập, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn. Tôi đại diện quân giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố Sài Gòn Gia Định đã hoàn toàn giải phóng…”.
Trải qua 55 ngày đêm với cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng, với sức mạnh tổng hợp vĩ đại của quân và dân cả nước, chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành toàn thắng, kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.
Bà con đủ mọi lứa tuổi tràn ra đường phố chào mừng quân giải phóng đang rầm rập tiến về Sài Gòn. Trước cổng Dinh Độc Lập chật ních người và cờ hoa. Mọi người reo vui: “Quân giải phóng đã về! Quân giải phóng đã về!”. Nhiều người còn tràn xuống đường, nhào đến ôm chầm lấy các chiến sĩ giải phóng mừng vui và nước mắt chảy ràn rụa. Các cháu thiếu niên nhi đồng rất thích thú được các chú bộ đội giải phóng cho trèo lên xe tăng, xe bọc thép đang đậu quanh Dinh Độc Lập để cùng vẫy tay chào bà con xung quanh và được bà con tung những bó hoa tươi lên để các cháu trao tặng các chú quân giải phóng.
Sáng ngày 5-5-1975, tôi được Ban biên tâp báo Quân Đội Nhân Dân gọi về Hà Nội để báo cáo tình hình của tổ công tác. Đúng vào ngày hôm đó có chuyến máy bay đầu tiên từ Tân Sơn Nhất về Hà Nội sau khi đã được các đơn vị công binh sửa chữa xong các đường băng bị pháo binh ta phá hủy trong đợt tấn công vào sân bay. Tôi đi chuyến máy bay C130 về sân bay Gia Lâm (Hà Nội) không đầy ba giờ đồng hồ.
Ngày 12-5-1975, tôi lại được Ban biên tập báo Quân Đội Nhân Dân giao nhiệm vụ trở lại Sài Gòn bằng máy bay. Lúc lên máy bay tôi mới biết trong chuyến đi này có Bác Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam và dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam có diễu hành, duyệt binh sẽ được tổ chức trọng thể trước Dinh Độc Lập vào ngày 15-5-1975. Buổi lễ đón tiếp Bác Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa ngày 12-5-1975 của Chủ tịch Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Ủũy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam cùng với bà con nhân dân đang có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất thật vô cùng xúc động. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ôm hôn Bác Tôn không muốn rời giữa dòng người đông nghịt đang chào đón Bác.

Tô Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN