Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Huyện ủy Giồng Trôm

24/04/2014 - 16:26

Ngày 21-4-2014, Đoàn khảo sát của Ban Tổ chức Trung ương, do đồng chí Nguyễn Đức Hà  - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Giồng Trôm về việc khảo sát xây dựng hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá chất lượng đối với tổ chức Đảng, tập thể, cá nhân hàng năm và thực hiện Hướng dẫn số 10 của Ban Tổ chức Trung ương.

Đến dự có đồng chí Huỳnh Nam Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cùng lãnh đạo các ban Đảng Huyện ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Long Mỹ, Phong Nẫm và thị trấn Giồng Trôm.

Ban Thường vụ Huyện ủy Giồng Trôm báo cáo với Đoàn khảo sát kết quả thực hiện các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Trong đó, kết quả thực hiện Hướng dẫn số 10 ngày 10-1-2007 của Ban Tổ chức Trung ương về thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn đã được triển khai đến các Đảng ủy xã, thị trấn; thời gian từ 25-3-2008 đến ngày 8-4-2008, Đảng ủy 22 xã, thị trấn đã ra quyết định thành lập chi bộ cơ quan. Chất lượng tổ chức, hoạt động của chi bộ, đảng viên không ngừng nâng lên qua từng năm. Đánh giá chất lượng tổ chức Đảng năm 2013, có 21 chi bộ trong sạch vững mạnh, 1 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có chi bộ yếu kém. Việc thành lập tổ chức chi bộ Đảng và hoạt động của chi bộ cơ quan xã, thị trấn ở Giồng Trôm cho thấy đã thiết thực góp phần quan trọng cho việc quản lý đảng viên là cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Huyện Giồng Trôm có 21 xã và 1 thị trấn, với tổng số đảng viên là 4.543 đồng chí. Hiện nay, tất cả 22 xã, thị trấn đều thành lập chi bộ cơ quan gồm 279 đảng viên. Về cơ cấu, đảng viên chi bộ cơ quan là cán bộ, công chức xã đang làm việc thường xuyên tại trụ sở UBND.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà đánh giá: Việc thành lập chi bộ cơ quan cấp xã, thị trấn phù hợp với nhu cầu trước mắt về quản lý cán bộ, đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên sát đúng với yêu cầu trong tình hình mới; góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm, đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thực hiện chế độ sinh hoạt, công tác phát triển Đảng đối với cán bộ, công chức cấp xã không phải là người địa phương. Đồng chí lưu ý việc xác định chức năng, nhiệm vụ, đối tượng lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ cơ quan cấp xã (chi bộ không có các tổ chức đoàn thể tương ứng để lãnh đạo, chỉ đạo), do vậy việc xây dựng quy chế làm việc có nơi chưa phù hợp với thực tiễn cơ sở, nhiều quy chế có nội dung tương tự như quy chế hoạt động của Đảng ủy. Để ngăn ngừa những biểu hiện cán bộ, đảng viên xa dân, không nắm chắc tình hình hoạt động của khu dân cư, các Đảng ủy, Chi ủy phải xây dựng quy chế hoạt động, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và thực hiện tốt Quy định 76 của Bộ Chính trị về đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với Chi ủy nơi cư trú, đảm bảo đội ngũ cán bộ, đảng viên gần gũi quần chúng, nắm bắt kịp thời những diễn biến trong nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

NGUYỄN HOÀNG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN