Dân vận chính quyền ở việc thực thi chức trách nhiệm vụ của cán bộ công chức

21/03/2014 - 07:32

Mỗi một cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình là đã tham gia vào thực hiện công tác dân vận. Trên thực tế, tiếp xúc, giải quyết các vấn đề có liên quan đến người dân nhiều nhất là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan chính quyền. Chính vì thế, chất lượng giải quyết công việc và thái độ phục vụ nhân dân của lực lượng này sẽ có giá trị đặc biệt trong góp phần thực hiện công tác dân vận.

Theo đồng chí Võ Văn Kiệt - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian qua, công tác vận động quần chúng trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được một số kết quả. Nổi bật nhất là trong công tác vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới (đóng góp xây dựng giao thông nông thôn với tổng trị giá trên 1.000 tỷ đồng), các mô hình dân vận khéo ở cơ sở, với những nội dung thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Trên lĩnh vực dân vận chính quyền, việc phát động và triển khai thực hiện công tác này luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Khẩu hiệu “ba không, ba nên, ba cần” trong công tác dân vận của chính quyền đã phát huy tính tác động hai chiều: tạo nên ý thức phục vụ ở cán bộ, công chức qua quá trình tự soi rọi lại mình và là diễn đàn để người dân đóng góp, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Đến thời điểm này, không chỉ ở các cơ quan chính quyền công khai khẩu hiệu trên mà ở một số cơ quan đảng, đoàn thể cũng đã triển khai. Quy chế dân chủ ở cơ sở được đảm bảo, là một trong những nội dung khá quan trọng, góp phần vào kết quả chung của công tác dân vận chính quyền. Người dân được tham gia ý kiến, tự giác đóng góp sức người, sức của và giám sát việc thực hiện những phần việc liên quan đến đời sống, sinh hoạt của mình, quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Dân chủ được phát huy, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao, góp phần củng cố lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.

Là một trong những giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, ngay từ đầu năm 2014, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có kế hoạch và xây dựng hướng dẫn về việc xây dựng mô hình dân vận khéo trong các cơ quan nhà nước, chính quyền ở cơ sở. Đây là một trong những việc làm thiết thực nhằm thực hiện Nghị quyết số 25 của Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Phương - Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước - Ban Dân vận Tỉnh ủy, mục đích của việc xây dựng mô hình dân vận khéo trong các cơ quan nhà nước, chính quyền cơ sở là nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tính trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận chính quyền. Bên cạnh đó, các mô hình dân vận khéo sẽ có những nội dung thực hiện cụ thể, sát hợp với thực tế ở cơ sở; hiệu quả của mô hình góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Có thể nói, đây là một trong những nội dung cụ thể của việc triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền năm 2014.

Đồng chí Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm: Song song với xây dựng các mô hình dân vận khéo, việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính cũng là một trong những nội dung bổ trợ rất đắc lực cho thực hiện công tác dân vận chính quyền. Thảo luận tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2013, ý kiến của nhiều đại biểu đề cập đến những bức xúc của người dân khi có giao dịch với cơ quan chính quyền, nhất là về thủ tục và thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc. Lãnh đạo tỉnh cũng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công tác này. Phát biểu chỉ đạo hội nghị này, đồng chí Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến việc nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ. Bởi chính những cán bộ, công chức, viên chức sẽ là người đại diện trực tiếp của cơ quan, của Đảng, Nhà nước tiếp xúc với nhân dân. Năm 2014 là năm cải cách hành chính, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng tham mưu và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức song song với trau dồi phẩm chất đạo đức, phong cách trong tiếp xúc với dân - phục vụ nhân dân.

Với tinh thần trên, trong năm 2014, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan mở hai lớp tập huấn cho cán bộ trực tiếp tiếp công dân của 17 sở, ngành trong tỉnh và cán bộ bộ phận một cửa ở các xã. Đồng thời, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ phối hợp với Công an tỉnh mở lớp tập huấn về công tác dân vận cho trưởng, phó công an cấp xã. Việc làm này hết sức thiết thực vì hiện nay bộ phận một cửa của các cơ quan chính quyền cơ sở là nơi tiếp nhận và giải quyết phần lớn các giao dịch với công dân, trong khi đó ý thức phục vụ nhân dân, tinh thần trách nhiệm với công việc ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nơi này chưa cao. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, thái độ phục vụ nhân dân, thì vai trò của người đứng đầu các cơ quan trong việc gương mẫu thực hiện, đôn đốc, kiểm tra cấp dưới cần được phát huy, đồng chí Võ Văn Kiệt trao đổi thêm.

Th. Mãi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN