Giữ nguyên tầm vóc và giá trị lịch sử (*)

18/01/2017 - 08:18

Trong không khí náo nức mừng đón Xuân Đinh Dậu 2017, tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức kỷ niệm 57 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi trong niềm cảm xúc, niềm tự hào, niềm vui được nhân đôi khi Khu di tích Đồng Khởi Bến Tre vừa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg, ngày 22-12-2016.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo phát biểu tại lễ kỷ niệm 57 năm
Ngày Bến Tre Đồng khởi.

Sau thất bại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Theo đó, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời; sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước. Nhưng với bản chất xâm lược hiếu chiến và dã tâm thôn tín, chia cắt nước ta lâu dài, Mỹ nhảy vào thay chân Pháp, hậu thuẫn cho Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, làm tiền đồn ngăn chặn sự lan rộng của Chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Mỹ ráo riết tăng viện trợ, đưa cố vấn vào, giúp Ngô Đình Diệm thiết lập hệ thống cai trị ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Mỹ - Diệm tăng cường các hoạt động đàn áp, khủng bố, dựng lên đồn bót khắp nơi, chúng mở chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” và sau đó áp dụng Luật 10/59, công khai đặt những người Việt Nam yêu nước - mà chúng gọi là Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém khắp miền Nam để giết hại tất cả các lực lượng cách mạng và đồng bào ta, gây ra bao tội ác kinh hoàng; cả miền Nam chìm trong biển máu.

Ở Bến Tre, đến cuối năm 1959, chúng bắt tù đày trên 17 ngàn người, hàng ngàn người bị giết hại; từ chỗ toàn tỉnh có trên 2.000 đảng viên với 117 chi bộ, chỉ còn 162 đảng viên với 18 chi bộ; mặc dù bị đàn áp và tổn thất nặng nề, nhưng sự đàn áp dã man đó của chính quyền Mỹ - Diệm không những không làm nhục ý chí, tinh thần yêu nước, trái lại làm cho tinh thần yêu nước ngày càng dâng cao và lòng căm thù giặc ngày càng sôi sục, chờ thời cơ hành động. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre luôn giữ vững niềm tin vào Đảng và Bác Hồ; những đảng viên kiên trung còn lại luôn bám sát dân để tuyên truyền, xây dựng lực lượng; kiên trì đấu tranh, chờ chủ trương của Đảng để vùng lên giành lấy chính quyền, giải phóng quê hương.

Trong bối cảnh bức bách đó, Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra đời như “nắng hạn gặp mưa rào”. Nghị quyết đã đáp ứng được khát khao, nguyện vọng của toàn dân. Tiếp thu và vận dụng Nghị quyết số 15 với chủ trương “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng võ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Tỉnh ủy Bến Tre đã lãnh đạo nhân dân bằng ba mũi giáp công vùng lên khởi nghĩa. Ngày 17-1-1960, cuộc Đồng khởi nổ ra đồng loạt trên khắp địa bàn, mở màn và đột phá ở 3 xã: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày), sau đó lan rộng ra các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Thạnh Phú, Ba Tri. Cuộc Đồng khởi năm 1960 đã đập tan bộ máy kềm kẹp của địch, giành quyền làm chủ của nhân dân, các tổ chức Đảng, lực lượng vũ trang được củng cố và phát triển; các chi hội đoàn thể quần chúng được hình thành rộng khắp làm nòng cốt xây dựng phong trào cách mạng ở từng địa bàn. Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam, được nhân dân cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình, chống áp bức trên thế giới biết đến như là một sự kiện lịch sử trọng đại, một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre làm sáng tỏ tính đúng đắn, kịp thời của đường lối cách mạng miền Nam mà Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra; là thắng lợi thể hiện sự nắm bắt thời cơ, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, sự kiên cường, quật khởi của nhân dân Bến Tre. Thắng lợi của cuộc Đồng khởi còn là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân; là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp giữa Đảng, quân, dân; là thắng lợi của sự hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân độc đáo; đó là sự kết hợp phương châm “Hai chân, ba mũi” trong quá trình lãnh đạo tổ chức phong trào cách mạng.

Từ thắng lợi và kinh nghiệm ở Bến Tre, ngọn lửa Đồng khởi lan rộng khắp miền Nam; đưa cách mạng miền Nam từ thế phòng ngự chuyển sang thế chủ động tiến công, tiến công liên tục giành thắng lợi; Phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi” từ Đồng khởi đã được Trung ương đúc kết và phổ biến toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong tác phẩm Thư vào Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Cuối năm 1959, tại nhiều nơi ở Nam Bộ quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kềm, khiến cho bộ máy tề nguỵ ở hàng trăm thôn, xã phải tan vỡ. Đặc biệt, đêm 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt, mở đầu cho một cao trào mới. Từ đây, làn sóng “Đồng khởi” như nước vỡ bờ, lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ…”

Nhà sử học Trần Văn Giàu khẳng định: “Là một người chép sử, tôi nhận xét rằng ở những nơi như miền Trung, miền Nam hồi đó, ngay cả trước năm 1960 nữa, quả có mấy cuộc đấu tranh giành chính quyền làm chủ, nhưng đồng khởi (với cả tên gọi và phong trào) như là cuộc nổi dậy mang tính quần chúng. Cuộc nổi dậy có tác động lâu dài, rộng lớn và đưa lại nhiều bài học kinh nghiệm rất cơ bản, là thành tích của đồng bào Bến Tre, Mỏ Cày - đại diện xứng đáng cho cuộc quật khởi chung của toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long, không phải vô cớ mà Bến Tre, Mỏ Cày là cái nơi sinh sản những chiến công độc đáo như tản cư ngược, như đạo quân tóc dài… đều là những sản phẩm trực tiếp của Đồng khởi cả…”

Trong tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Hoàng Văn Thái - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Đảng uỷ Quân sự Trung ương đã khẳng định: “Phong trào Đồng khởi năm 1960 là mô hình hoàn chỉnh của cuộc khởi nghĩa toàn dân, cuộc khởi nghĩa nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam Bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng khởi. Phong trào Đồng khởi Bến Tre đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu, có vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam nói riêng và cả nước nói chung”.

Tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư chúc mừng và khẳng định: “Trong cuộc Đồng khởi vĩ đại ấy, nhân dân và Đảng bộ Bến Tre là một trong những lá cờ đầu anh dũng nhất, quyết liệt nhất, sáng tạo nhất, góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế giữ gìn lực lượng sang thời kỳ tiến công chiến lược, xoay chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ - Diệm”. Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre được tuyên dương với tám chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”.

Đặc biệt, trong băng ghi âm lưu trữ của Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre ngày 17-7-1982, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá cao sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Tỉnh ủy và nhân dân Bến Tre trong phong trào Đồng khởi, như sau: “Sau cái Tết đầu năm 1960, ta đưa phong trào nổi dậy ở nhiều nơi, trong đó có Bến Tre. Lúc ấy Xứ ủy chúng tôi rất vui mừng mà nói, băn khoăn thì bây giờ Bến Tre đã tìm ra được cái phương thức này đây! Lập tức chúng tôi đem cái kinh nghiệm này phổ biến, chỉ đạo cho các nơi áp dụng để làm. Và sau đó mới có cái từ là Đồng khởi. Và qua Đồng khởi mà xây dựng 3 lực lượng: lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và lực lượng binh vận; 3 mũi giáp công, mà không phải giáp công rời rạc nhau, mà giáp công ở ngay trong một cuộc đấu tranh, giáp công ngay từ một người quần chúng… Chính Trung ương về sau này nêu vấn đề tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên cơ sở 3 mũi giáp công này, cũng là trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của phong trào mà trong đó cái phần đóng góp của Bến Tre là rất quan trọng…”. Điều đó cho thấy, lúc sinh thời, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định giá trị lịch sử của Đồng khởi Bến Tre một cách hết sức sâu sắc và trân trọng.

Thời gian càng lùi xa, tầm vóc và giá trị lịch sử của phong trào Đồng khởi Bến Tre càng trở nên sáng rõ và trọn vẹn hơn bao giờ hết.

Cùng với những ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà sử học, Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là sự khẳng định hùng hồn, là biểu tượng cao nhất của sự đánh giá giá trị lịch sử không thể phủ nhận của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre; khẳng định vị trí, vai trò và tầm vóc của phong trào Đồng khởi Bến Tre trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nâng cao giá trị lịch sử của khu di tích, xứng tầm quan trọng và ý nghĩa của sự kiện lịch sử Đồng khởi năm 1960.

* * *

Trong thời gian qua, phát huy tinh thần Đồng khởi, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã không ngừng nỗ lực, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt là qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh và sự hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương, kinh tế - xã hội của Bến Tre từng bước phát triển. Sau khi hoàn thành việc xây dựng cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, Bến Tre đã phá thế biệt lập, từ đó kinh tế - xã hội tỉnh nhà có điều kiện phát triển nhanh hơn. Từ một tỉnh thuần nông, tỷ trọng công nghiệp trong GDP thấp kém, đến nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; công nghiệp và thương mại, dịch vụ trong GDP tăng khá; các tiềm năng, thế mạnh được khai thác có hiệu quả hơn; từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người gần đạt xấp xỉ thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện khá đồng bộ. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được tăng cường; hệ thống chính trị ngày càng lớn mạnh, từng bước vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; lực lượng đảng viên phát triển chiếm gần 4% dân số, là hạt nhân chính trị nòng cốt lãnh đạo phong trào. Những thành tích đã đạt được trong thời gian qua làm cho bộ mặt thành thị, nông thôn đổi thay nhanh chóng, khang trang theo hướng văn minh, hiện đại.

* * *

 Những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và sự lớn mạnh của Đảng bộ trong thời gian qua, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn, đồng thời nhờ sự đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, tự lực vươn lên của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân…

Bên cạnh những tiến bộ tích cực, chúng ta cũng cần nhận thức rằng, Bến Tre trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu rất xa so với khu vực và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp và chưa bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm và hiệu quả chưa cao; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh; thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển, nhưng vẫn còn chậm và bất cập so với yêu cầu phát triển. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa còn nhiều hạn chế. Trong nội bộ Đảng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút về đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm không cao, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền trong quản lý hành chính, kinh tế đặc biệt là giải quyết các vấn đề bức xúc của dân chưa được như mong muốn… Đó là những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới để có thể tiếp tục tăng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.

* * *

Lịch sử là một dòng chảy liên tục, trân trọng quá khứ, kết nối hiện tại để vươn tới tương lai, đó là quy luật của sự tồn tại và phát triển. Chúng ta kế thừa sự nghiệp của các bậc tiền nhân đi trước với quá khứ hào hùng; cùng với những điều kiện và thời cơ mới đang có, nếu chúng ta biết chủ động nắm bắt, vận dụng khai thác thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức thì nhất định sẽ đưa tỉnh nhà tiến xa hơn trên con đường phát triển.

Mỗi người Bến Tre, dù ở bất kỳ cương vị nào, dù thuộc thành phần, tôn giáo nào, dù đang sống tại quê hương hay đang bôn ba nơi hải ngoại, cuộc đời và sự nghiệp, quan điểm và lợi ích có thể khác nhau, nhưng chắc chắn rằng tâm hồn và tình cảm sâu nặng với quê hương trong mỗi con người ai cũng tràn đầy trong trái tim và khối óc. Với tinh thần đó, để xứng đáng với truyền thống Đồng khởi, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân và để niềm cảm hứng cách mạng từ ngọn lửa Đồng khởi luôn cháy mãi, tôi tha thiết kêu gọi toàn thể đồng chí, đồng bào, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị ra sức thi đua thực hiện tốt phong trào “Đồng khởi mới”; phát huy truyền thống cách mạng của tỉnh nhà, chung lưng đấu cật xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp, bền vững, nghĩa tình.

Đảng bộ Bến Tre xin hứa với Trung ương, sẽ cùng với nhân dân Bến Tre phát huy tinh thần Đồng khởi, quyết tâm luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vào sự nghiệp đổi mới; không ngừng nỗ lực vươn lên, vận dụng sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh…

(*): Tựa bài do tòa soạn đặt

(Trích diễn văn của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo tại lễ kỷ niệm 57 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi và đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre vào tối 16-1-2017)

V.T.H

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN