Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

01/02/2015 - 06:03

PGS, TS. Vũ Văn Phúc phát biểu đề dẫn

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhằm góp phần cùng toàn Đảng tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua gần 30 năm đổi mới trên lĩnh vực xây dựng Đảng, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930 - 03-02-2015), ngày 28-01-2015, tại Quảng Ninh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”. Hơn 200 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan đảng, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo. 

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền luôn là vấn đề rất hệ trọng và cũng rất phức tạp, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong suốt 85 năm lãnh đạo cách mạng nước ta, trong đó có 70 năm cầm quyền, Đảng ta đã gánh vác trọng trách lớn lao mà Nhân dân giao phó là vừa đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vừa lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là 30 năm đổi mới toàn diện đất nước.

Với vị thế là đảng cầm quyền, Đảng ta đã thực sự xứng đáng là Người “đứng mũi chịu sào” trước dân tộc. Tuy nhiên, từ thực tiễn cầm quyền vẫn đang đặt ra không ít vấn đề hết sức cơ bản cả về lý luận và thực tiễn cần tiếp tục phải làm rõ. Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề đảng cầm quyền càng cấp bách, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu và kiến giải. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đặt vấn đề: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền và về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Điều đó càng cho thấy, chưa bao giờ vấn đề Đảng cầm quyền lại trở nên quan trọng và cấp bách như hiện nay. Do vậy, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh lựa chọn vấn đề Đảng cầm quyền hiện nay làm chủ đề của Hội thảo và những ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý xung quanh vấn đề này tại Hội thảo là rất quan trọng và rất có ý nghĩa.

Trong rất nhiều vấn đề quan trọng xung quanh việc nâng cao vị thế, vai trò, năng lực và trách nhiệm cầm quyền của Đảng, mà 140 bản tham luận gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo, dưới nhiều góc độ tiếp cận, lý giải ở nhiều chừng mực khác nhau, rất đa dạng, sâu sắc và phù hợp, nhưng vẫn đang nổi lên những vấn đề cơ bản và có tính cấp bách mà Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn các đồng chí đi sâu thảo luận:

Thứ nhất, vấn đề Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền

Đảng lãnh đạo là một khái niệm được các nhà kinh điển Mác - Lê-nin nêu ra vào những năm cuối thế kỷ XIX. Đảng lãnh đạo được hiểu là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp; là thực hiện vai trò tiên phong trong cách mạng vô sản; là sự gương mẫu, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để làm sao lôi kéo được sự đồng tình ủng hộ một cách tự nguyện của đại đa số nhân dân lao động đối với đảng. Đó là một khái niệm không gắn với quyền lực, chỉ sự tác động, ảnh hưởng của đảng (qua các tổ chức đảng và đảng viên) đối với quần chúng nhân dân, được quần chúng nhân dân tin yêu, ca ngợi, tự nguyện suy tôn là lực lượng giữ địa vị lãnh đạo.

Về Đảng cầm quyền, hiện nay, quan niệm chung cho rằng, đảng cầm quyền là thời kỳ mà một đảng hay liên minh nhiều đảng đã nắm được chính quyền và sử dụng chính quyền đó như một công cụ để đạt được mục tiêu chính trị mà đảng đó là người đại diện và chi phối.

Đảng cầm quyền ở nước ta, nói khái quát, là sự tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong điều kiện có quyền lực nhà nước và Đảng lãnh đạo Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, suy rộng ra là lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Do đó, từ lâu nay, khi đề cập đến hoạt động lãnh đạo của Đảng, chúng ta thường nhắc đến các cặp khái niệm “Đảng lãnh đạo - Đảng cầm quyền”; “phương thức lãnh đạo của Đảng - phương thức cầm quyền của Đảng”, “năng lực lãnh đạo của Đảng - năng lực cầm quyền của Đảng”... Trên thực tế, việc sử dụng và thực thi hai khái niệm này ở không ít nơi, tại không ít người không phải bao giờ, ở đâu cũng thống nhất. Vậy thì, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, “Đảng lãnh đạo” và “Đảng cầm quyền” là hai khái niệm khác nhau hay đồng nghĩa? Nên hiểu từng khái niệm thế nào cho đúng? Chúng có nội hàm giống nhau không và có quan hệ với nhau như thế nào? Chúng tôi rất mong các đại biểu cho ý kiến để làm rõ về mặt nhận thức, có cơ sở vững tin để tiếp tục đổi mới toàn bộ công việc cầm quyền của Đảng một cách đúng hướng và hiệu quả.

Thứ hai, tính tất yếu của việc Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất có khả năng và được đất nước, Nhân dân giao phó trọng trách cầm quyền 

Về phương diện lịch sử, chúng ta đều thấy, những thắng lợi mà cách mạng Việt Nam giành được trong 85 năm qua được khởi nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đây là nhân tố quyết định hàng đầu. Từ khi ra đời, năm 1930, trong số nhiều đảng chính trị hoạt động và đấu tranh giành quyền lãnh đạo thì Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng vươn lên và trở thành Người lãnh đạo cách mạng nước ta. Đặc biệt, Đảng lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, giành độc lập, tự do cho đất nước và trở thành Đảng cầm quyền duy nhất. 

Trong 70 năm cầm quyền (1945 - 2015), Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò cầm quyền duy nhất của mình. Với vị thế duy nhất đó, Đảng lãnh đạo Nhân dân từng bước đánh đổ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà. Và thực tế, trong quá trình cầm quyền của mình, không phải lúc nào ở nước ta cũng chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản. Tại nhiều thời kỳ, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều đảng chính trị khác, thậm chí giai đoạn 1945 - 1946 có cả các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Đông Dương, có hai lần lập Chính phủ liên hợp gồm nhiều đảng, song Đảng Cộng sản vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội. Năm 1988, Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ tuyên bố tự giải tán, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng duy nhất cầm quyền. Phải chăng, điều đó cho thấy, để có địa vị cầm quyền duy nhất, không phải Đảng cứ tự vơ lấy là được? Phải chăng là tất yếu lịch sử, không thể tranh đoạt, chối cãi được? Và về nhu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của Nhân dân, phải chăng đó chính là tất yếu, mà Đảng Cộng sản Việt Nam được trao cho sứ mệnh lịch sử và sự gửi gắm, tin cậy của Nhân dân? Đề nghị các đồng chí và các nhà khoa học kiến giải và khẳng định sâu sắc hơn! Đặc biệt, sau khi hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước năm 1975, Đảng ta tiếp tục giữ quyền lãnh đạo duy nhất trên phạm vi cả nước. Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, gần 30 năm qua, phải chăng chính vai trò, năng lực cầm quyền của Đảng đã khẳng định vị trí cầm quyền duy nhất, không thể chia sẻ, không có lực lượng chính trị nào có thể tranh đoạt, chính là tất yếu? 

Thứ ba, vấn đề đổi mới và xây dựng cơ chế cầm quyền phù hợp, dân chủ, hiệu quả 

Đảng không phải cơ quan quyền lực nhà nước - điều đó đúng. Nhưng có quyền lực chính trị, quyền lực tư tưởng chính trị, quyền lực tổ chức bộ máy và cán bộ, quyền lực về kiểm tra, giám sát… đối với toàn bộ hệ thống chính trị. Đó là chức năng cầm quyền của Đảng. Và, có thể nói, cơ chế cầm quyền của Đảng chính là sự vận hành và phát triển không ngừng mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Đảng có trách nhiệm lãnh đạo hoạt động của Nhà nước và hệ thống chính trị sao cho hoạt động của các cơ quan này thực sự là vì Nhân dân, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhưng tại sao nói, Đảng cầm quyền nhưng Đảng lại bao biện, làm thay chức năng của Nhà nước? Lãnh đạo Nhà nước có phải là đứng trên Nhà nước, như có người cổ xúy? Hay là gì khác? Đối với các tổ chức chính trị - xã hội khác trong hệ thống chính trị cũng tương tự như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ Đảng và Chính phủ là hai cơ quan có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, phải có sự phân công rành mạch, rõ ràng, song tất cả đều vì lợi ích của Nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về mọi hoạt động của Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối, thông qua pháp luật, và Đảng không thể đứng ngoài pháp luật. Trái nguyên tắc này, Đảng sẽ rất khó khăn và có nguy cơ biến chất. Đây chính là những thách thức từ thực tiễn đang đặt ra với Đảng cầm quyền, cũng là yêu cầu đổi mới trước hết trong nhận thức về đổi mới và hoàn thiện cơ chế cầm quyền của Đảng ta hiện nay.

Thứ tư, vấn đề xây dựng cơ sở cầm quyền ngày càng vững chắc

Nền tảng cơ sở lý luận khẳng định vai trò cầm quyền của Đảng, điều làm nên bản chất cách mạng, khoa học của Đảng và là nền tảng cho hoạt động của Đảng ta hợp quy luật, hợp lòng dân, phù hợp xu thế thời đại chính là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cơ sở pháp lý vững chắc là Điều 4, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nhưng vị thế cầm quyền của Đảng không phải do Hiến định là xong. Và ngay cả việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như thế. Đảng ta phải tiếp tục làm gì và làm thế nào để biến cái tất yếu đó thành cái tự do? Nghĩa là trở thành thực tiễn tất yếu? Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng đề nghị các đồng chí đại biểu, các nhà khoa học cùng nhau kiến giải.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang đổi thay, vậy thì cơ sở lý luận chính trị cầm quyền của Đảng ta có gì cần đổi mới không? Trên lộ trình này, Đảng ta luôn chủ động không ngừng tiếp thu tinh hoa và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, không kỳ thị những lý thuyết khác thì nên như thế nào? Rồi việc đối với trong nước thì lắng nghe Nhân dân, tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình cầm quyền,… từ đó tự chủ động sáng tạo làm giàu lý thuyết, không ngừng nâng cao tính cách mạng và khoa học về lý luận cầm quyền của Đảng ra sao?

Thứ năm, những vấn đề liên quan đến nguyên tắc và nội dung cầm quyền cần tập trung giải quyết 

Được lịch sử và Nhân dân trao cho trọng trách cầm quyền, được Hiến định quyền thiêng liêng và nặng nề đó, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết không chia sẻ quyền đó cho bất cứ ai, cho bất cứ lực lượng nào. Làm trái điều đó là vi hiến, vi đạo, là phụ sự tin cậy và ủy thác của Nhân dân đối với Đảng. Đề nghị các đồng chí và các nhà khoa học lý giải sâu sắc hơn vấn đề này. Và theo đó, nội dung cầm quyền của Đảng hiện nay chính là giải quyết 8 mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã hoạch định. Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Ngoài ra còn những vấn đề gì nữa, đề nghị các đồng chí tham gia góp ý và kiến giải?

Trong điều kiện lịch sử mới, giải quyết những vấn đề trọng đại đó, Đảng không chỉ đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân mà còn là đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và của toàn dân tộc; không chỉ chịu trách nhiệm trước giai cấp công nhân mà còn chịu trách nhiệm hoàn toàn trước vận mệnh phát triển của dân tộc. Phải chăng là như vậy, phải giải quyết những vấn đề căn bản đó? Do đó, nguyên tắc và nội dung cầm quyền của Đảng là hết sức thống nhất, phải bao quát và chi phối một cách toàn diện, triệt để và sâu sắc toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, chứ không thể khác.

Thứ sáu, vấn đề tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay

Phương thức cầm quyền cơ bản hiện nay của Đảng là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu trước mắt và quan trọng đối với Đảng cầm quyền là phải tổ chức xây dựng một Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Vậy, Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng không điều hành xã hội thay Nhà nước là như thế nào? Nhà nước điều hành xã hội, nhưng không xa rời sự lãnh đạo của Đảng ra sao? Kết hợp chặt chẽ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với đổi mới phương thức hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm những vấn đề gì? Về nhận thức, về cơ chế vận hành, về những điều kiện cần và đủ?... Để làm tốt vấn đề này, một trong những công việc trọng yếu là phương thức cầm quyền của Đảng phải theo hướng dân chủ, khoa học, hiện đại và phù hợp trên nền tảng những điều kiện cần và đủ, đó là các yếu tố về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, kỹ thuật, các yếu tố bảo đảm việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền. Phải chăng tối thiểu là như vậy?

Thứ bảy, vấn đề phát triển nguồn lực cầm quyền

Vị thế, vai trò, năng lực của bất kỳ đảng cầm quyền nào cũng phụ thuộc vào các nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy, vật chất - kỹ thuật... Bộ máy - tổ chức và cán bộ là hết sức quan trọng. Đảng ta đã tập hợp trong bộ máy của mình những phần tử thật sự tinh hoa chưa? Cơ chế nào để thu hút hiệu quả nhất?... Đó quả là việc đang còn rất nhiều bề bộn và nan giải. Đề nghị các đồng chí đại biểu và các nhà khoa học cho ý kiến! Nếu phát huy tốt những nguồn lực đó, thì vị thế, vai trò, năng lực của Đảng cầm quyền sẽ được nâng lên; còn ngược lại, nếu không phát huy được những nguồn lực đó, thì không những năng lực cầm quyền của Đảng suy giảm, mà thậm chí Đảng có nguy cơ đánh mất cả vị thế, vai trò cầm quyền.

Thứ tám, những vấn đề xung quanh nguy cơ đối với sự cầm quyền của Đảng

Đảng phải thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn mình ngang tầm trọng trách cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải đoàn kết thống nhất, nhưng tất cả phải hết sức cảnh giác với những nguy cơ làm diệt vong Đảng. Quan liêu, xa dân, tham nhũng, lợi ích nhóm, cầm quyền nhưng xa rời Hiến pháp và pháp luật, xa rời cơ sở chính trị - xã hội của mình... là những nguy cơ làm tan rã Đảng.

Trên đây là 8 loại vấn đề lớn xung quanh chủ đề nâng cao vị thế, năng lực và trách nhiệm cầm quyền của Đảng ta hiện nay. Ngoài ra, còn những vấn đề gì nữa không? Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn ý kiến của các đồng chí đại biểu, các nhà khoa học, sẽ góp phần nhận diện rõ và thêm kiến giải, tìm ra phương sách tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và năng lực cầm quyền cho Đảng trong tình hình mới hiện nay.

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 130 bản tham luận của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, cán bộ chỉ đạo hoạt động thực tiễn ở Trung ương, địa phương và đặc biệt sự giúp đỡ của tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị những điều kiện cần và đủ từ nội dung tới công việc tổ chức. Các tham luận đã thể hiện những cái nhìn đa chiều, những phân tích sâu sắc liên quan đến chủ đề Hội thảo, cho thấy tâm huyết và trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đối với Đảng cầm quyền và những vấn đề liên quan đến Đảng cầm quyền. Đây cũng là cơ hội để chúng ta góp phần cùng toàn Đảng tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới trên lĩnh vực xây dựng Đảng và cũng là việc làm thiết thực kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy, tại diễn đàn này, Ban Tổ chức Hội thảo rất mong các đồng chí lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo hoạt động thực tiễn, các đồng chí đại biểu, các nhà khoa học, với tâm huyết và trách nhiệm của mình đóng góp những ý kiến quý báu nhằm góp phần tiếp tục kiến giải những vấn đề chủ yếu liên quan đến chủ đề Hội thảo./.

Nguồn Tạp chí ĐCS

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN