Ðưa Nghị quyết số 33 ngày càng đi vào cuộc sống

22/05/2019 - 06:57

Hôm nay ngày 22-5-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và sơ kết 7 năm thực hiện Kết luận số 29-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.

Nhân dịp này, Ban Biên tập Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng về tình hình triển khai và một số kết quả thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa luôn được ngành chức năng quan tâm. Ảnh: Ánh Nguyệt

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa luôn được ngành chức năng quan tâm. Ảnh: Ánh Nguyệt

Nghị quyết (NQ) số 33 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được triển khai thực hiện 5 năm qua. Tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương với những phần việc cụ thể, từng bước xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bến Tre trong thời kỳ mới. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng về chặng đường 5 năm thực hiện NQ.

* Ông có thể nêu những kết quả cụ thể, nổi bật về việc thực hiện NQ số 33?

- Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng: Quán triệt NQ số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong 5 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đều xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Từ đó, kết quả đạt được trong thực hiện NQ 5 năm qua là khá toàn diện.

Trước hết, nhận thức của các cấp ủy, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân có bước nâng lên rõ rệt; thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới là vô cùng quan trọng và cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững đất nước.

Khách đến tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu nhân ngày truyền thống Văn hóa tỉnh 1-7.  Ảnh: Ánh Nguyệt

Khách đến tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu nhân ngày truyền thống Văn hóa tỉnh 1-7.  Ảnh: Ánh Nguyệt

Kết quả đó còn là sự chuyển biến trong xây dựng môi trường văn hóa: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được củng cố, nâng chất; các tiêu chí, chỉ tiêu đều được củng cố, nâng lên. Môi trường văn hóa trong các cơ quan được quan tâm xây dựng, cụ thể là chú trọng xây dựng và phát huy dân chủ; phong cách giao tiếp, văn hóa ứng xử; giữ gìn kỷ cương, kỷ luật. Qua đó, tạo nên môi trường làm việc thân thiện, trách nhiệm và kỷ cương, đoàn kết.

 Môi trường văn hóa trong giáo dục cũng được quan tâm qua các cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, xây dựng hình ảnh thầy cô là một tấm gương về đạo đức; mỗi học sinh là một người con hiếu thảo, chăm học. Trong lực lượng vũ trang có các phong trào “Công an nhân dân học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy”, “Chiến sĩ văn hóa”, “Mỗi gia đình quân nhân là một gia đình văn hóa”. Kết quả đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, xây dựng xã hội lành mạnh.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho văn hóa cũng được tăng cường, nhiều công trình văn hóa vật thể, phi vật thể được đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo, khôi phục. Các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm xây dựng, phục vụ tốt cho nhu cầu hoạt động và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.Các hoạt động văn hóa văn nghệ, văn hóa nghệ thuật cũng có bước phát triển tích cực. Việc tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn chú trọng chiều sâu, tính giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử được quan tâm hơn.

* Ông có thể nói rõ thêm về nội dung xây dựng con người Bến Tre?

- Ngoài việc xây dựng con người theo hệ giá trị chung của Trung ương đề ra, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU cụ thể hóa trong xây dựng con người Bến Tre với 5 đức tính: trọng nghĩa, trọng tình, trọng chữ tín; tự tin, tự lập, tự giác; cầu thị, cầu tiến, hướng thiện; trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; có kỹ năng sống, sức khỏe và tinh thần làm việc tốt. Ngoài ra, từng đối tượng như lực lượng vũ trang, người lao động, cán bộ, công chức đều có những chuẩn mực cụ thể hơn.

Cùng với xây dựng con người, Tỉnh ủy cũng quan tâm vấn đề xây dựng văn hóa chính trị trong các cơ quan, đơn vị, trọng tâm và mục đích cao nhất của văn hóa chính trị là xây dựng tinh thần yêu nước và phục vụ nhân dân. Bác Hồ từng nói: “Văn hóa cao nhất là văn hóa yêu nước và phục vụ nhân dân; chính trị cao nhất là chính trị phục vụ Tổ quốc, phục vụ Đảng và phục vụ nhân dân”.

Có thể nói trong xây dựng con người đã được quan tâm đúng mức và đạt kết quả bước đầu quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; củng cố, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu quê hương, khơi dậy tinh thần tự lực, năng động, sáng tạo và hướng thiện trong đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cụ thể hơn là tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; đa số làm việc với tinh thần hết việc chứ không phải hết giờ; thái độ phục vụ nhân dân tốt hơn, giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; con người ứng xử với nhau trong quan hệ công tác, quan hệ xã hội cũng tốt hơn.

* Đâu là những hạn chế cần quan tâm?

- Kết quả đạt được là cơ bản, song cũng còn những hạn chế cần quan tâm. Đó là, một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện; thiếu kiên trì, đôn đốc, nhắc nhở. Trong xây dựng môi trường văn hóa, chuyển biến chưa đồng bộ, nên môi trường xã hội còn nhiều vấn đề tiêu cực chưa được đẩy lùi như tội phạm, tệ nạn ma túy…

Trong xây dựng con người, xây dựng văn hóa chính trị trong từng cơ quan, đơn vị còn nhiều nơi chưa chú trọng, nên mặc dù kết quả đạt được khá tích cực nhưng chưa được như kỳ vọng của Tỉnh ủy. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; xuống cấp đạo đức, ứng xử thiếu văn hóa trong một bộ phận người dân, cái ác trong xã hội tuy không phải phổ biến nhưng cũng là những vấn đề tồn tại cần quan tâm. Quản lý văn hóa cũng còn nhiều bất cập.

* Trong thời gian tới, cần tập trung những giải pháp gì, thưa ông?

- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người cần phải kiên trì thực hiện.  Trước hết, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà NQ, chỉ thị và kế hoạch từng cấp, từng cơ quan, đơn vị đề ra. Trong đó, tập trung cho xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng và tập trung xây dựng con người ngoài những chuẩn mực theo tinh thần NQ số 33 và Chỉ thị số 11, thì việc tập trung các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả NQ Trung ương 4, khóa XI, XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là vô cùng quan trọng để góp phần xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Đồng thời đó, quan tâm đầu tư cho văn hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, đẩy lùi các tiêu cực trên lĩnh vực văn hóa để văn hóa phát triển đúng định hướng. Quan tâm quản lý và khai thác, phát huy có hiệu quả các di tích văn hóa cấp quốc gia, các thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng nhằm vừa góp phần phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng con người cũng như đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa của người dân.

* Xin cảm ơn ông!

“Kết quả về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; đảm bảo cho tỉnh phát triển bền vững trên 3 trụ cột chính trị, kinh tế và văn hóa”.

(Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng)

Ánh Nguyệt (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích