Mỏ Cày Nam: Khơi dậy tinh thần tự vươn lên của nông dân

09/07/2018 - 07:23

BDK - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết “Tam nông”), ngành nông nghiệp của huyện có sự phát triển và chuyển dịch đúng hướng, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thu nhập, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi.

Mỏ Cày Nam xây dựng thành công chuỗi dừa và liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: C.Trúc

Mỏ Cày Nam xây dựng thành công chuỗi dừa và liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: C.Trúc 

Theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển.

Nông dân vươn lên thoát nghèo

“Đất Mỏ Cày Nam manh mún, cái gì cũng không sẵn có, thế nên người dân phải tự bươn chải kiếm cho có, sức sống của người dân nơi đây vốn dĩ đã rất mãnh liệt, chuyện thầy giáo làm thêm nghề bỏ tương, làm dừa nạo, thậm chí có người ở đợ để nuôi con ăn học là bình thường” - lão nông tên Nguyễn Văn Thiểu, 70 tuổi, ngụ xã Tân Trung cho biết. Nghị quyết “Tam nông” ra đời vào năm 2008 đã tiếp thêm sức mạnh cho nông dân huyện nhà có thêm động lực phấn đấu vươn lên. Trong đó, việc vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn đã mang cơ hội thoát nghèo đến với nhiều nông dân.

Các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, dự án đầu tư phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện tốt, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,8%/năm, hiện nay trên địa bàn huyện còn 3.619 hộ nghèo, tỷ lệ 8,1% và 2.126 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,76%. Thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững của tỉnh, nhiều mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện có 1.482/1.968 hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tham gia đề án và được giới thiệu vay vốn phát triển sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Các chính sách an sinh xã hội, mức sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được thực hiện tốt, tranh thủ các nguồn kinh phí huyện đã xây dựng được 1.097 nhà tình nghĩa.

Địa bàn xã Tân Trung được xem là có nhiều chuyển biến từ khi Nghị quyết “tam nông” đi vào thực hiện. Địa phương này đã tích hợp nhiều nguồn vốn để người nghèo tiếp cận nhằm giảm chi phí đi vay và thực hiện các mô hình đa dạng sinh kế. Ông Huỳnh Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tân Trung cho biết: Sau 10 năm thực hiện nghị quyết, đời sống người dân nâng lên rõ rệt, bình quân đầu người tăng từ 7,4 triệu đồng năm 2008 lên 37 triệu đồng năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 12,9% (năm 2008) còn 5,9% (đến cuối năm 2017). Người nghèo ở Tân Trung còn được tạo điều kiện để tiếp cận với nhiều nguồn vốn như Quỹ đồng tài trợ của Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vốn cho các hộ tham gia Đề án đa dạng sinh kế… mỗi hộ được vay đến 130 triệu đồng.

Ứng dụng khoa học công nghệ cho nông nghiệp

Để thực hiện đạt Nghị quyết “Tam nông”, huyện Mỏ Cày Nam đã hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Trong đó, cây trồng chủ lực được xác định là cây dừa, kết hợp hệ thống trồng xen, nuôi xen hiệu quả. Từng bước xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện là dừa và con heo. Với mục tiêu tạo đột phá năng suất, chất lượng và hiệu quả, huyện đã tạo điều kiện cho nông dân tham gia các lớp tập huấn và đẩy mạnh ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân ở xã Tân Trung sử dụng máy nghiền cỏ voi làm thức ăn cho bò.

Nông dân ở xã Tân Trung sử dụng máy nghiền cỏ voi làm thức ăn cho bò.

Thời gian qua, huyện đã phát huy vai trò của tổ tư vấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp huyện trong việc tư vấn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân từ nhiều nguồn vốn như vốn khuyến nông của huyện, tỉnh, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh thông qua các mô hình, dự án. Có hơn 800 lớp tập huấn cho lực lượng khuyến nông viên, thú y viên 17 xã, thị trấn nhằm nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân diễn ra đều đặn với hơn 52 ngàn lượt nông dân tham dự. Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức các buổi hội thảo thông tin thị trường, tổ chức tham quan, học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả trong và ngoài huyện.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên cây trồng được thực hiện hiệu quả như mô hình: tỉa thưa vườn dừa trồng xen bưởi da xanh tại xã Tân Trung, An Thới, An Định. Hình thành vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cây dừa tại các xã An Định, Hương Mỹ, Tân Trung, Định Thủy, An Thới; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho vườn cây ăn trái bưởi da xanh tại các xã Tân Hội, An Định, Tân Trung; khắc phục hiện tượng dừa treo trái, cải tạo vườn dừa kém hiệu quả, tưới tiết kiệm nước cho vườn cây ăn trái; ứng dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh thay thuốc trừ sâu, xử lý ra hoa, thực hiện mô hình nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học, sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi có bổ sung vi sinh...

Những hoạt động thiết thực trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn địa bàn huyện từ 12,8% (năm 2008) xuống còn 8,1% (năm 2017), thu nhập bình quân đầu người từ 10,7 triệu đồng lên 39,4 triệu đồng/người/năm. Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện cần tiếp tục tập trung quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân những quan điểm chỉ đạo của nghị quyết đại hội đảng các cấp; tiếp tục tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Tam nông”; cần phát huy và đưa vai trò của nông dân thật sự trở thành chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

“Với lợi thế đặc biệt là truyền thống yêu nước của quê hương Đồng khởi anh hùng, đó là động lực để nông dân huyện Mỏ Cày Nam tiếp tục ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức mới để tự nâng cao trình độ. Đồng thời, thay đổi tư duy phát triển kinh tế theo hướng tập thể thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo sự liên kết chặt chẽ từ đầu vào cho đến đầu ra, tạo giá trị khác biệt trong từng sản phẩm nông nghiệp do nông dân huyện nhà sản xuất, kinh doanh” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung nhận định về thế mạnh của huyện.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN