Thừa Đức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế biển gắn với du lịch

28/09/2020 - 06:49

BDK - Chủ tịch UBND xã Thừa Đức Phạm Hoàng Long cho biết, đến nay, công tác triển khai, quán triệt và học tập Nghị quyết Đại hội chi bộ, đảng bộ đã được các cấp ủy Đảng tổ chức thực hiện nghiêm túc. UBND xã đã xây dựng và ban hành các kế hoạch chuyên đề nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, trong đó, có Kế hoạch phát triển kinh tế biển gắn với du lịch giai đoạn 2020 - 2025. Đây là một nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế biển và du lịch mang tính “đột phá” của địa phương trong nhiệm kỳ.

Khai thác sò huyết giống trên bãi biển xã Thừa Đức. Ảnh: H.Đức

Khai thác sò huyết giống trên bãi biển xã Thừa Đức. Ảnh: H.Đức

Tiềm năng, lợi thế

Theo Chủ tịch UBND xã Thừa Đức Phạm Hoàng Long, xã rất có tiềm năng phát triển kinh tế biển và du lịch, vì có bờ biển dài 14km, trong đó, có hơn 3km đã được người dân khai thác làm bãi tắm từ năm 1995. Đến những năm 2000, bãi biển Thừa Đức là điểm đến hấp dẫn của đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh vào mỗi dịp cuối tuần và các ngày lễ lớn, nhất là khi hàng dương - khu bảo tồn sinh thái do Hội Cựu chiến binh xã trồng và chăm sóc, tạo nên một bãi biển phù sa đẹp.

Đến năm 2006, tỉnh giao toàn khu du lịch này cho một doanh nghiệp là Công ty du lịch biển Phù Sa quản lý và khai thác. Chỉ sau 3 năm, công ty này đã chấm dứt hoạt động với nhiều lý do khác nhau. “Hiện nay, khu du lịch tại bãi biển vẫn hoạt động với sự tham gia kinh doanh của một vài hộ dân. Vào dịp cuối tuần và các ngày lễ lớn, bãi biển vẫn thu hút khách đến vui chơi nhưng không sôi động như thời điểm trước”, Chủ tịch UBND xã Thừa Đức Phạm Hoàng Long cho biết.

Vực dậy du lịch từ bãi biển Thừa Đức là một trong những tâm huyết của lãnh đạo huyện và xã nhà. Nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Đại Lê Văn Răng từng cho rằng, bãi biển Thừa Đức gần như bị lãng quên trong khi có nhiều lợi thế để phát triển. Lãnh đạo huyện luôn mời gọi, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư. Về lợi thế phát triển du lịch của Thừa Đức, hiện nay, cơ sở hạ tầng cơ bản đảm bảo tốt với hệ thống giao thông thuận lợi, điểm đến du lịch này còn được kết nối với nhiều điểm du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện. “Ngoài ra, Thừa Đức có lợi thế đất giồng cát với nghề trồng màu truyền thống của người dân địa phương, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, những bãi đất cồn, khu bảo tồn… rất thích hợp để phát triển các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng” - Chủ tịch UBND xã Phạm Hoàng Long cho biết thêm.

Phát triển kinh tế biển và du lịch

Phát triển kinh tế biển và du lịch là một kế hoạch chuyên đề mang tính “đột phá” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với mục tiêu khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biển gắn với du lịch có sự đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh về hạ tầng, quy hoạch từng khu, điểm du lịch. Đa dạng các mô hình và xây dựng nhiều sản phẩm du lịch thích hợp để thu hút như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch tham quan.

Bãi biển du lịch Thừa Đức. Ảnh: Thành Lập

Bãi biển du lịch Thừa Đức. Ảnh: Thành Lập

Riêng về phát triển kinh tế biển, Thừa Đức có diện tích nuôi thủy sản khá lớn với hơn 542ha, sản lượng hàng năm ước đạt hơn 5.000 tấn/năm. Đặc biệt là diện tích nuôi thủy sản sinh thái trong rừng mặn chiếm tỷ lệ khá cao. Ngoài ra, còn có các loại nhuyễn thể được nuôi như sò huyết, nghêu và hàu thương phẩm theo các vùng đất bãi bồi ven sông, ven biển. Toàn xã có 250 tàu, ghe đánh bắt thủy sản với sản lượng khai thác các loại thủy sản đạt gần 4 ngàn tấn/năm, diện tích đất trồng màu trên giồng cát, cồn bãi hơn 251ha…

Ông Phạm Hoàng Long cho biết thêm, hiện nay Thừa Đức cũng đã kết nối được một đơn vị xây dựng Đề án phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn sinh thái với sự đầu tư nguồn vốn của tổ chức quốc tế (50 ngàn USD). Đây sẽ là gói kích cầu cho du lịch địa phương phát triển nhanh.

“Trong những năm gần đây, du lịch trên địa bàn huyện có sự phát triển với nhiều mô hình hay, nhất là du lịch sinh thái, trải nghiệm và khám phá gắn với phát triển kinh tế biển và kinh tế vườn của nhiều địa phương trong huyện như du lịch sinh thái vườn ở cồn Tam Hiệp, Thạnh Phước gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn, kết hợp với việc phát triển và giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương”.

(Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng)

Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN