Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng giao thông nông thôn

07/10/2019 - 07:02

BDK - Nhiều năm trở lại đây, phong trào thi đua xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) đã trở thành quen thuộc đối với các cấp, ngành, địa phương và người dân nông thôn. Từ phong trào này, đã làm bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc, nhất là từ khi tỉnh phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM). Bây giờ, đi đâu ở vùng nông thôn của tỉnh người dân cũng bàn chuyện làm đường, xây cầu. Hệ thống giao thông trên địa bàn xã, ấp, xóm ngày càng hoàn thiện dần.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Đảnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân tiêu biểu xây dựng NTM ở Sơn Đông (TP. Bến Tre). Ảnh: H. Hiệp

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Đảnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân tiêu biểu xây dựng NTM ở Sơn Đông (TP. Bến Tre). Ảnh: H. Hiệp

Từ cuối năm 2010, hệ thống GTNT trong tỉnh đã cơ bản hoàn thiện. Hầu hết các tuyến đường liên ấp, liên xã, liên xóm đã được đầu tư nhựa hóa, bê-tông hóa, đặc biệt là tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tuy nhiên, theo đánh giá chung hệ thống đường GTNT đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thì hiện chưa có xã nào đạt tiêu chí (TC) này. Do hầu hết các tuyến đường GTNT có bề rộng và kết cấu mặt đường chưa đạt chuẩn theo quy định. Giai đoạn 2011 - 2015, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các sở ngành, các huyện, thành phố đã triển khai hướng dẫn các chương trình, kế hoạch mới của Trung ương, các phong trào thi đua của tỉnh trong xây dựng NTM, nhất là GTNT để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện. Qua đó, đã đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới nhiều tuyến đường đạt chuẩn phù hợp với quy hoạch chung.

Giai đoạn 2016 - 2020, từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Chỉ thị số 16-CT/TU của Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới’ cùng với Đề án số 3333 về xây dựng GTNT giai đoạn 2018 - 2020 của UBND tỉnh, đã khơi dậy mạnh mẽ phong trào thi đua làm GTNT. Sau khi Đề án được ban hành và triển khai, các cấp ngành, đoàn thể, địa phương đã tổ chức nhiều chuyên đề, chương trình hoạt động để đưa nội dung, mục tiêu của Đề án và các chương trình thi đua khác thật sự đi vào thực tế, đặc biệt là chuyển tải các nội dung cụ thể của Đề án đến các ấp, tổ nhân dân tự quản, người dân và được sự đồng thuận cao. UBND tỉnh cũng đã cho chủ trương triển khai thực hiện 41 công trình trong năm 2019 với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Trong đó, có 16 công trình triển khai nhân dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi; hoàn thành đổ bê-tông xi-măng mặt đường ở Mỹ Hưng (Thạnh Phú); Giao Hòa, Tường Đa, An Hiệp, Quới Thành (Châu Thành); Thạnh Trị, Định Trung, Phú Long (Bình Đại); Long Mỹ (Giồng Trôm); Bảo Thuận (Ba Tri). Hiện đang tiếp tục hoàn thiện nền hạ và đổ bê-tông xi-măng mặt đường các xã Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam); Thanh Tân, Nhuận Phú Tân, Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc); Thành Thới A (Mỏ Cày Nam); An Hóa (Châu Thành).

Ngoài việc các xã đăng ký thực hiện một số tuyến đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện, quy mô cấp B để được hỗ trợ kinh phí xây dựng phần mặt đường, hưởng ứng nội dung và mục tiêu của Đề án, các địa phương đã tổ chức phát động phong trào thi đua huy động bằng nhiều nguồn khác nhau để đầu tư các tuyến đường trục ấp, liên ấp, ngõ, xóm để từng bước hoàn thiện hệ thống GTNT. Tính đến nay, toàn tỉnh có 55 xã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng xã đạt chuẩn NTM, 92 xã còn lại phấn đấu xây dựng cơ bản đạt TC số 2 về giao thông.

Qua kết quả cụ thể cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động là yếu tố then chốt trong việc hình thành, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân trong thi đua xây dựng NTM. Nội dung tuyên truyền là các chủ trương của tỉnh, Trung ương về thi đua xây dựng NTM. Đặc biệt, tập trung vào các TC, cách thức triển khai, những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Phương pháp, hình thức tuyên truyền về phong trào thi đua xây dựng NTM ngày càng phong phú, đa dạng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đa phần cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng hiểu hơn chủ trương về thi đua xây dựng NTM. Kết quả rõ nhất là có rất nhiều người dân tình nguyện đóng góp đất đai, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động, vật chất để để xây dựng các công trình hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông; chủ động thực hiện các phần việc thuộc trách nhiệm của hộ gia đình như chỉnh trang nhà ở, xây hố xí hợp vệ sinh, cải tạo vườn tạp, để góp phần thi đua xây dựng NTM.

V. Tới

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích