TP. Bến Tre: Sức bật của Thành phố trẻ

16/01/2020 - 13:02

BDK - Trong năm 2019, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Bến Tre đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là đạt chuẩn đô thị loại II, hoàn thành xây dựng phường văn minh đô thị và xã nông thôn mới (NTM). Ðây là tiền đề quan trọng, là niềm cổ vũ, động lực to lớn để thành phố tiến lên đô thị loại I trong tương lai.

Thành phố Bến Tre về đêm. Ảnh: Phan Quang

Thành phố Bến Tre về đêm. Ảnh: Phan Quang

Khang trang, hiện đại

Với tinh thần “tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá”, TP. Bến Tre đã thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm đạt kết quả đáng phấn khởi. Ðến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ðề án xây dựng thành phố văn minh đô thị thực hiện đạt 32/35 tiêu chí, dự kiến đến quý I-2020 sẽ hoàn thành. Gắn với thực hiện đề án trên, thành phố đang tiến hành khảo sát, đánh giá công nhận thêm 2 phường văn minh đô thị. Mục tiêu xây dựng 10 phường văn minh đô thị cũng đã hoàn thành trong năm 2019, sớm hơn so với chỉ tiêu nghị quyết 1 năm. Ðặc biệt, thành phố xây dựng thành công đô thị loại II sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Ðể đạt được những kết quả trên, thời gian qua, tỉnh và thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển đô thị. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, hiệu quả với nhiều công trình, dự án trọng điểm được xây dựng, tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan và mở rộng không gian đô thị về hướng Bắc, Tây Bắc, nhất là bờ Nam sông Bến Tre. Hệ thống giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp mở rộng, xây mới, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Ðô thị trẻ TP. Bến Tre đang có nhiều sức sống mới, tiếp tục được phát triển, hoàn thiện theo hướng đô thị hóa nhanh và bền vững, trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của tỉnh và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyên Chủ tịch UBND TP. Bến Tre Cao Thành Hiếu phấn khởi cho biết, thành phố trở thành đô thị loại II như một mốc son khắc vào lịch sử phát triển, tạo dấu ấn sau chặng đường gần 2 thập kỷ phấn đấu không mệt mỏi của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân để hôm nay có được một thành phố khang trang, hiện đại và tràn đầy sức sống. Diện mạo của thành phố thay đổi từng ngày và thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, hạ tầng đô thị. Thành phố có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, thương mại, dịch vụ tổng hợp của tỉnh. Với đô thị loại II, thành phố sẽ có động lực phát triển đô thị vệ tinh tiểu vùng, đô thị phía Ðông Bắc vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nam TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Hướng tới thành phố thông minh

Hiện thành phố có 16 dự án đầu tư, trong đó 13 dự án khu đô thị mới với diện tích khoảng 1.245ha. Vì thế, thành phố cần tập trung giải phóng mặt bằng để phát triển, khắc phục tiêu chí về hạ tầng giao thông mà đô thị loại II còn hạn chế, định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới. Kết hợp huy động nguồn lực chỉnh trang, nâng cấp hệ thống các tuyến đường nội thị, có chính sách thu hút dân cư đô thị. Hoàn thiện chính sách về quy hoạch phát triển đô thị, tạo điều kiện huy động, khai thác nguồn lực đầu tư cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế địa phương, đặc biệt là lợi thế về hạ tầng xã hội, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nắm bắt cơ hội phát triển mới trong khu vực để thu hút đầu tư bên ngoài, tạo bứt phá về tăng trưởng.

Mặt khác, cần xây dựng mô hình phát triển đô thị thành phố phù hợp với địa hình, đặc thù và nguồn lực của địa phương. Vẫn phát triển theo dạng cụm - tuyến kết hợp nhưng chủ đạo vẫn là các khu vực đô thị phát triển tập trung. Tận dụng, khai thác địa thế sông Hàm Luông, Bến Tre, là hai cảnh quan chính góp phần tạo nên vóc dáng của một thành phố ven sông, theo hướng xanh, sạch, đẹp, thân thiện và thành phố thông minh.

“Thành phố cần xác định thu hút đầu tư là mục tiêu quan trọng để phát triển đô thị. Từ đó, tập trung triển khai nhanh Dự án Nâng cấp đô thị do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Thực hiện các dự án hạ tầng thiết yếu như kè sông Phường 8, kè sông Hàm Luông. Ðầu tư Bệnh viện đa khoa 500 giường từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc. Ðồng thời, tranh thủ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải thành phố” - nguyên Chủ tịch UBND TP. Bến Tre Cao Thành Hiếu đề xuất.

Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh cho biết: Sắp tới, thành phố sẽ tập trung hướng đến đô thị thông minh. Ðây là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và đất nước. Ðể xây dựng thành phố thông minh đáp ứng các yêu cầu phát triển đặt ra, trước hết cần xây dựng Ðề án đô thị thông minh. Trong đó, tập trung hướng đến thành phố hiện đại, có nền kinh tế, môi trường, quản trị, giao thông, năng lượng, công nghệ, lối sống, cộng đồng... thông minh.

“TP. Bến Tre đang cao điểm thu hút đầu tư lớn về khu đô thị, dân cư. Hiện đã có một số dự án được đề xuất phương án quy hoạch để thực hiện như: Dự án chỉnh trang và phát triển đô thị mới khu vực Tây Bắc; Khu đô thị mới Tây thành phố, Khu đô thị mới Eco2 Park, Khu đô thị mới Royal 1, Khu đô thị mới Ðông Bắc, Khu đô thị mới An Thuận, Khu đô thị mới Phú Tân. Trong đó, có 2 dự án đề xuất có quy mô lớn gồm: Dự án khu đô thị Tây Bắc thành phố gần 500ha, Dự án khu đô thị mới Tây thành phố 406ha. Kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới mang tính đột phá, tạo nền tảng cho thành phố hướng đến đô thị loại I trong năm 2030”.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Ðức

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN