Tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, bài 2

Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại

06/05/2020 - 07:06

BDK - Cơ cấu kinh tế (CCKT) ngành gồm Nông nghiệp (khu vực 1 - KV-I), Công nghiệp - xây dựng (khu vực 2 - KV-II) và Thương mại - dịch vụ (khu vực 3 - KV-III), ngoài ra còn Thuế và sản phẩm khác (Thuế+). Khi có được một CCKT hợp lý sẽ tạo thuận lợi cho việc khai thác tối đa các nguồn lực hiệu quả, giúp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao và phát triển ổn định, góp phần tích cực cải thiện đời sống người dân.

Đặc điểm tình hình

Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đến năm 2020 tăng trưởng bình quân KV-I là 4%, KV-II 13% và KV-III 7,55%. Qua 4 năm triển khai thực hiện, trừ năm 2016, các năm từ 2017 - 2019 đều cơ bản đạt mục tiêu. Tương tự như tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP, khi so với các giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng bình quân của các khu vực kinh tế giai đoạn sau đều thấp hơn.

Để từng bước nâng cao quy mô nền kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, đảm bảo chất lượng và duy trì tốc độ tăng trưởng cao cần phải chuyển dịch CCKT. Đây chính là con đường tất yếu để đưa tỉnh nhà thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển. Nội dung và yêu cầu cơ bản của chuyển dịch CCKT là tập trung tăng trưởng các ngành KV-II và KV-III, đồng thời giảm dần tỷ trọng khu vực KV-I.

Xét trong giai đoạn từ 2000 - 2019, tốc độ tăng trưởng KV-II và KV-III luôn cao hơn so với KV-I (xem biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Tốc độ tăng trưởng các khu vực kinh tế của tỉnh từ 2005 - 2020.

Biểu đồ 2: Tốc độ tăng trưởng các khu vực kinh tế của tỉnh từ 2005 - 2020.

Về tổng thể chung, CCKT tỉnh nhà chuyển dịch đúng hướng là tăng dần KV-II và KV-III nhưng vẫn còn chậm so với mục tiêu và kế hoạch thực hiện. Kết quả quá trình chuyển dịch CCKT chưa tạo dấu ấn, tác động tích cực lên toàn bộ nền kinh tế tỉnh nhà. Đã có nhiều công trình, dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần tạo việc làm và tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhưng vẫn chưa đủ mạnh để tạo bứt phá. KV-I dù tăng trưởng bình quân thấp nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong CCKT, giá trị tuyệt đối của KV-I vẫn còn khá lớn, nên sự tăng hay giảm của KV-I sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của tỉnh, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân (xem biểu đồ 3).

Biểu đồ 3: Cơ cấu kinh tế ngành của tỉnh, giai đoạn 2000 - 2020.

Biểu đồ 3: Cơ cấu kinh tế ngành của tỉnh, giai đoạn 2000 - 2020.

Đối chiếu với CCKT cả nước năm 2015 và năm 2019, quy mô KV-I còn khá khiêm tốn, trong khi KV-II, KV-III và Thuế+ chiếm tỷ trọng lớn (xem biểu đồ 4), nổi bật là tỷ trọng KV-II cao gấp 2,5 lần KV-I.

Biểu đồ 4: Cơ cấu kinh tế ngành của Việt Nam năm 2015 và 2019.

Biểu đồ 4: Cơ cấu kinh tế ngành của Việt Nam năm 2015 và 2019.

 Từ thực trạng CCKT của tỉnh vẫn còn khá lạc hậu, còn phụ thuộc vào KV-I đang chiếm tỷ trọng lớn. Tính cạnh tranh của nền kinh tế không cao, chưa thoát khỏi tập quán sản xuất nhỏ, manh mún, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động biến đổi khí hậu cùng các yếu tố khác, dịch bệnh xảy ra diện rộng trên vật nuôi, cây trồng và diễn biến hạn mặn năm 2016 và 2020 đã minh chứng cho điều này.

“Đột phá” khu vực II

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016) nêu đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%, hiện đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu. Vì vậy, muốn bắt kịp mức bình quân về phát triển kinh tế so với khu vực và cả nước, tỉnh nhà cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tập trung chuyển đổi CCKT theo hướng hiện đại, giảm tỷ trọng KV-I, tăng KV-II và KV-III.

Dự báo 5 hay 10 năm tới, dù không thể phát triển nhanh bằng nông nghiệp, nhưng KV-I vẫn giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với nền kinh tế tỉnh nhà. Do đó, cần phải đưa nền nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, giảm thiểu được những rủi ro bởi yếu tố thị trường và tránh được thiệt hại do dịch bệnh hoặc phụ thuộc vào thời tiết hiện rất khó lường. Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, sớm đưa KV-I phát triển lên trình độ tiên tiến, làm chủ được quy trình sản xuất, chế biến, tăng cường hơn nữa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học.

Đối với KV-III, tỷ trọng trong CCKT xem như đạt yêu cầu, hướng tới tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và tính cạnh tranh cao trong hoạt động thương mại, phát triển du lịch. Đối với KV-II, phải xem đây là mũi “đột phá” trọng yếu, tập trung các nguồn lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh, quyết tâm nâng tỷ trọng trong CCKT, tối thiểu tương đương KV-I.

Khi xây dựng được CCKT hợp lý, trong đó nền tảng là công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển, giá trị tăng thêm rất lớn, đảm bảo tính bền vững. Đồng thời, công nghiệp phát triển sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy các ngành kinh tế khác, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Công nghiệp sẽ là đầu tàu dẫn dắt, tạo động lực để đưa nông nghiệp tiến lên. Đột phá thành công, đưa KV-II phát triển tốc độ cao, góp phần chuyển dịch CCKT tỉnh nhà theo hướng hiện đại. Để đạt mục tiêu trên, cần nguồn vốn đầu tư lớn.

K.Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN