Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020

21/06/2011 - 16:46

LTS: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta giai đoạn 2011-2020 đã được thảo luận sâu rộng và thống nhất trong các cấp bộ Đảng và nhân dân. Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 12 đến 19-1-2011 tại thủ đô Hà Nội, đã quyết nghị và thông qua chiến lược này, cùng với các văn kiện quan trọng về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam…

Để hiểu rõ những nội dung chủ yếu và mới trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng và tinh thần cốt lõi Nghị quyết IX của Đảng bộ tỉnh, từ số báo này, trang Xây dựng Đảng xin giới thiệu loạt bài về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 với từng chuyên đề, lĩnh vực. Mở đầu là khái quát về “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững”.

Kỳ I: Phát triển nông nghiệp toàn diện hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững cần phải:

- Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

- Gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ với tổ chức sản xuất, giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.

- Đổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo; bảo đảm phân phối lợi ích hợp lý trong từng công đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng.

- Phát triển hệ thống kho chứa nông sản, góp phần điều tiết cung cầu.

- Tiếp tục đổi mới, xây dựng mô hình tổ chức để phát triển kinh tế hợp tác phù hợp với cơ chế thị trường.

- Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác đi đôi với việc đảm bảo lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa.

- Bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ và giống phù hợp với nhu cầu thị trường và giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Phát triển các hình thức bảo hiểm phù hợp trong nông nghiệp.

- Đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên một đơn vị đất canh tác. Hỗ trợ phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao.

- Đẩy mạnh chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm chất lượng và an toàn dịch bệnh.

- Phát triển lâm nghiệp bền vững. Quy hoạch và có chính sách phát triển phù hợp các loại rừng: rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với chất lượng rừng được nâng cao.

- Nhà nước đầu tư và có chính sách đồng bộ để quản lý và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, đồng thời bảo đảm cho người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng có cuộc sống ổn định.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất; gắn trồng rừng nguyên liệu với công nghiệp chế biến ngay từ trong quy hoạch và dự án đầu tư; lấy nguồn thu từ rừng để phát triển rừng và làm giàu từ rừng.

- Khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, phát triển đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển.

- Phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh, có giá trị cao; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm.

- Xây dựng ngành thủy sản Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững ở tỉnh ta chủ yếu là xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường: gắn phát triển nông nghiệp với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất sạch vào phát triển kinh tế vườn để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất, chuyên canh, quy mô lớn, sử dụng giống mới, tuyên truyền, quảng bá thế mạnh thương hiệu sản phẩm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông; gắn sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ và mở rộng xuất khẩu. Xây dựng từ 1 đến 2 mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao tại huyện Chợ Lách để nơi đây trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng giống cây ăn trái chất lượng cao cho các tỉnh phía Nam; xây dựng và nhân rộng một số mô hình sản xuất cây ăn trái đặc sản đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Đến năm 2015, diện tích cây ăn trái 34.500ha, sản lượng trên 442.000 tấn, tăng 20% so với năm 2010.

Đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả các dự án trồng dừa, nâng diện tích dừa toàn tỉnh lên 53.500ha vào năm 2015, sản lượng 494 triệu trái, tăng 22% so với năm 2010. Diện tích trồng xen cây cacao đạt khoảng 30% diện tích vườn dừa. Ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng vùng sản xuất lúa tập trung khoảng 30.000ha tại các huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại và Thạnh Phú đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo hướng bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản đa dạng theo quy hoạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống thủy sản đáp ứng đủ giống tốt cho nhu cầu nuôi; làm tốt công tác dự báo thị trường, tăng cường công tác khuyến ngư, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến cho người nuôi. Khai thác lợi thế đạt tiêu chuẩn quốc tế của con nghêu để quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị xuất khẩu. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng biển, phát triển kinh tế vùng ven biển trở thành một trong các vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân cải hoán phương tiện, mở rộng đánh bắt xa bờ, đảm bảo an ninh và tự bảo vệ trên biển. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trên cơ sở phát triển nuôi trồng thủy sản và nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt. Nghiên cứu đề xuất phân chia địa giới hành chính các xã ven biển để quản lý và khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển.

Quản lý, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng, diện tích đất muối hiện có; kết hợp phát triển lâm nghiệp với nông - ngư nghiệp và các ngành nghề nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, giữ vững an ninh - quốc phòng vùng ven biển.

Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, chủ động tưới tiêu cho vùng sản xuất lúa, vùng nuôi thủy sản, vườn cây ăn trái và phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch và đề án của ngành nông nghiệp như: quy hoạch sản xuất nông - lâm - thủy sản, thủy lợi, sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, khai thác ven bờ và khai thác thủy sản nội đồng; đề án phát triển kinh tế - xã hội 3 huyện biển,…

Ưu tiên vốn xây dựng quy hoạch và thực hiện các quy hoạch khu dân cư nông thôn, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ở khắp các xã trong tỉnh, nhất là tiêu chí về giáo dục, y tế, xây dựng hệ thống giao thông,…; thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

HTV (Tổng hợp từ các văn kiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN