“Vị tướng bưng biền” Đồng Văn Cống

12/12/2018 - 07:57

69 năm theo cách mạng, theo Đảng cũng là ngần ấy thời gian Trung tướng Đồng Văn Cống phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân tôn vinh là “Vị tướng bưng biền”; là người anh cả của lực lượng vũ trang Bến Tre. Trong quá trình tham gia cách mạng, Trung tướng đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng viếng, tặng cặp hạc bằng đồng và chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống vào tháng 7-2011. Ảnh: Q.Hùng

Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng viếng, tặng cặp hạc bằng đồng và chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống vào tháng 7-2011. Ảnh: Q.Hùng

Những chiến công vang dội

Trung tướng Đồng Văn Cống sinh năm 1918, tại ấp Giồng Ông Xồm, xã Tân Hào, tổng Bảo Phước, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trung tướng Đồng Văn Cống sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan và sớm nhận thức được sự bạo ngược của bọn thực dân, đế quốc xâm lược, bọn tay sai bán nước cầu vinh. Ông đã tham gia cách mạng từ năm 1936, khi vừa tròn 18 tuổi.

Từ năm 1936 - 1949, ông hoạt động, công tác và chiến đấu trên địa bàn tỉnh, lập nên những chiến công hiển hách làm cho quân thù khiếp sợ, những chiến thắng vang dội khắp mọi miền đất nước. Chưa đầy 30 ngày (từ ngày 12-2 đến đầu tháng 3-1946) với sự sáng tạo, tài ba, Trung tướng Đồng Văn Cống đã trực tiếp lãnh đạo chỉ huy đội du kích Tân Hào được trang bị thô sơ, chiến đấu 4 trận liền với quân đội viễn chinh Pháp đều giành thắng lợi vẻ vang. Đặc biệt là 2 trận chiến đấu vang dội: Ngày 12-2-1946, ông chỉ huy lực lượng du kích chiến đấu liền 2 trận đã giành thắng lợi, làm thiệt hại nặng Trung đội Lê Dương đầu tiên trên địa bàn tỉnh, lực lượng của ta có một số đồng chí bị thương nhẹ. Đối với các đội du kích khác trên toàn tỉnh, chưa có đơn vị nào lập được chiến công như đơn vị của Trung tướng Đồng Văn Cống.

Cuối tháng 9-1946, theo đề nghị của Tỉnh ủy Bến Tre, được Quân khu 8 chuẩn y, đồng ý cho Bến Tre thành lập Chi đội 19 do Trung tướng Đồng Văn Cống làm Chi đội trưởng. Nhận nhiệm vụ mới, ông nhanh chóng ổn định đơn vị, tổ chức huấn luyện chính trị, huấn luyện quân sự, tập trung cho bộ đội huấn luyện đánh đồn, đây là hình thức chiến đấu mới. Khoảng giữa tháng 10-1946, được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ chiến đấu trận đầu tiêu diệt đồn Nhà Giấy, tại ngã tư Lộc Thuận (Bình Đại). Khi nhận được nhiệm vụ, chỉ trong 7 ngày, ông chỉ huy đơn vị điều nghiên nắm địch, chuẩn bị chiến trường đánh địch trong đồn và đánh địch tiếp viện, giải cứu. Vào một đêm trời không trăng, có nhiều sao, khoảng 4 giờ sáng, ông phát lệnh nổ súng tiến công đồn Nhà Giấy, chỉ sau hơn 30 phút chiến đấu bọn địch trong đồn kháng cự yếu ớt, chờ quân tiếp viện. Ông dự kiến trước điều đó, đã chủ động chuẩn bị lực lượng chờ bọn tiếp viện ứng cứu để tiêu diệt. Khi trời mờ sáng, tên Quận trưởng Tây lai Leon Lero kéo quân lên ứng cứu đồn Nhà Giấy, đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Với tài thao lược, ông ra lệnh nổ súng đồng loạt cả 2 trận địa (trong đồn và ngoài đồn), chỉ 10 phút sau ta làm chủ được đồn Nhà Giấy và 20 phút sau tên Tây lai Leon Lero bị thương rút chạy về quận An Hòa (nay là Bình Đại).

Ngày 23-6-1947, Chi đội 19 được bổ sung lực lượng để thành lập Trung đoàn 99, Trung tướng Đồng Văn Cống làm Trung đoàn trưởng. Kể từ đây, Trung tướng Đồng Văn Công tiếp tục phát triển với cương vị cao hơn, không còn trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu ở tuyến đầu, nhưng ông đã đóng góp cho Đảng và Quân đội bằng trí tuệ có ý nghĩa về chiến dịch, chiến lược, góp phần giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vị tướng của nhân dân, vì nhân dân

Với ý thức xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ chính quyền của dân, theo quan điểm của Đảng về “Cách mạng không ngừng”, Trung tướng Đồng Văn Cống đã tập hợp lực lượng, thành lập đội “Du kích Tân Hào”, là một trong những đơn vị vũ trang đầu tiên của Bến Tre. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đội du kích do ông trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, rèn luyện có những phẩm chất chính trị và bản lĩnh chiến đấu nổi trội. Từ đội du kích Tân Hào, làm nòng cốt phát triển thành bộ đội tập trung huyện, lên thành chi đội và trở thành trung đoàn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy và dìu dắt của ông, các chiến sĩ áo vải đã chiến đấu và chiến thắng rất oanh liệt.Không chỉ đánh giặc giỏi mà họ còn làm công tác vận động quần chúng tốt, địch vận hay, được nhân dân yêu mến gọi với tên thật ấm áp và thân thương - “Bộ đội Ông Cống”.

Đối với người dân Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung, hình ảnh của Trung tướng Đồng Văn Cống luôn ngự trị trong trái tim của mỗi người. Đại tướng Lê Văn Dũng - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng chia sẻ: “Tuy là lớp người đi sau nhưng hình ảnh của chú Bảy đã để lại trong tôi một tình cảm rất đặc biệt và là một tấm gương để chúng tôi noi theo. Tôi vẫn còn nhớ như in lời chú Bảy dạy bảo: “Là người cán bộ đảng viên phải gìn giữ và phát huy hào khí năm xưa của quê hương mình, để hun đúc ý chí hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”.

Là người trưởng thành từ lực lượng vũ trang Bến Tre, ông Huỳnh Văn Be - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Cuộc đời ông Bảy Cống gắn liền với binh nghiệp. Ông Bảy được mọi người gọi là “vị tướng bưng biền”, một vị tướng rất đỗi bình dị và rất gần gũi với dân, hiểu dân. Tôi nghĩ, lực lượng vũ trang tỉnh ngày nay cũng cần học hỏi rất nhiều ở Trung tướng Đồng Văn Cống…”.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng khẳng định: Trung tướng Đồng Văn Cống là nhà lãnh đạo xuất sắc, một vị tướng tài năng. Mong muốn và tin tưởng tuổi trẻ Bến Tre học tập, làm theo tấm gương của Trung tướng Đồng Văn Cống và các bậc anh hùng của quê hương Đồng khởi, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng năm xưa để xây dựng Bến Tre ngày càng phát triển.

Giờ đây, tuy Trung tướng Đồng Văn Cống đã đi xa nhưng hình ảnh của ông - người con ưu tú của quê hương xứ Dừa, người anh cả của lực lượng vũ trang Bến Tre vẫn luôn được nhân dân yêu mến, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tin yêu, quý trọng. Năm 2009, Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống được khánh thành. Đây không chỉ là một công trình văn hóa lưu giữ những hiện vật và hình ảnh hoạt động của ông, nơi đây còn lưu giữ một nhân cách lớn của vị tướng trọn đời vì Đảng, vì dân, vì nước.

Trong chuyến thăm Bến Tre vào cuối tháng 11-2018, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống tại xã Tân Hào (Giồng Trôm). Đồng chí Trần Đức Lương ghi vào sổ lưu niệm với những dòng chữ: “Cuộc đời sáng chói của cố Trung tướng Đồng Văn Cống sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân tỉnh Bến Tre và nhân dân Việt Nam”.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN