Chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền miệng

22/05/2019 - 06:57

BDK - Bàn về giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong tình hình hiện nay, tôi may mắn được nghe ông kể lại một thời làm công tác tuyên truyền miệng (TTM). Ông là Lê Quang Nhung - nguyên Trưởng phòng Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), người có 30 năm tuổi ngành thì có 20 năm gắn bó với công tác này.

Nhiều tuyến đường nông thôn được nhân dân đóng góp xây dựng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền miệng.

Nhiều tuyến đường nông thôn được nhân dân đóng góp xây dựng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền miệng.

Vai trò của tuyên truyền miệng

Ông Lê Quang Nhung cho biết, tuyên truyền là công tác quan trọng của Đảng, không thể thiếu, đi đầu vì mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có đi vào đời sống của người dân hay không là nhờ vào công tác này. Trong nhiều hình thức của công tác tuyên truyền thì công tác TTM có ý nghĩa, vị trí rất quan trọng bởi tính linh động, linh hoạt, đa dạng nên rất dễ “thẩm thấu” vào thực tế cuộc sống của người dân. Tuyên truyền viên (TTV) là người làm công tác TTM ở cơ sở, là người của cấp ủy Đảng, có mặt trong các chi bộ, người đóng vai trò quan trọng để tuyên truyền, phổ biến, đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật vào đời sống của người dân. Vì là TTM nên họ không có tài liệu, nói vấn đề chung nhất và cốt lõi.

“Nói là thế, để làm tốt công tác này, đòi hỏi TTV phải đọc rất nhiều, hiểu và nói đúng với chủ trương, nghị quyết. Hình thức tuyên truyền rất đa dạng, ở đâu họ nói cũng được, tùy vào ngữ cảnh, ở đám cưới, đám tang, gặp nhau ở bờ ruộng, trên bàn nhậu, bàn trà… đều làm được công tác TTM. Nói một cách dân gian, TTV là người hay xía vào chuyện, luôn tranh thủ và biết lựa chọn, chắt lọc thông tin để tuyên truyền đúng đối tượng mà họ muốn” - ông Lê Quang Nhung nói.

Những năm 1980, phương tiện thông tin rất hạn chế, tài liệu tuyên truyền cũng hạn hẹp. Tuy nhiên, nhiều vấn đề “nóng”, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được phổ biến, đi vào đời sống của người dân. Tất cả là nhờ vào công tác TTM.

Ông Lê Quang Nhung kể, năm 1985, thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, ông cùng đội ngũ cán bộ của ngành được Tỉnh ủy cử về huyện Mỏ Cày để hỗ trợ công tác tuyên truyền vì huyện thực hiện chủ trương này rất chậm. Ông được Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày cử về xã Tân Thành Bình để “cùng ăn, cùng ở” với người dân và thực hiện công tác TTM về chủ trương và đã góp phần giúp huyện hoàn thành đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Hay năm 1988, với sự kiện “Phong Thánh”, ông được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cử về huyện Chợ Lách để làm công tác tuyên truyền, vận động và kết quả có 56 ý kiến của các tín đồ Thiên chúa yêu cầu dừng lại sự kiện này.

Trong cuộc trò chuyện với ông, tôi đem câu chuyện trăn trở của Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Văn Chương về đội ngũ TTV ở cơ sở rất đông nhưng công tác tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác tuyên truyền nhiều nơi làm chưa tốt. Trước câu hỏi “nghẽn ở điểm nào”, ông Lê Quang Nhung cho rằng, hiện nay phương tiện truyền thông rất đa dạng, việc cập nhật thông tin của người dân rất nhanh chóng, nhất là các trang mạng xã hội. Vì vậy, công tác tuyên truyền và định hướng tuyên truyền là rất quan trọng, để làm được cần quan tâm củng cố đội ngũ TTV ở cơ sở. Tài liệu hiện nay là không thiếu, vấn đề là nó đi đến đâu.

Củng cố đội ngũ tuyên truyền viên

Ông Lê Quang Nhung cũng cho rằng, đội ngũ TTV ở cơ sở là rất đông, ngoài đội ngũ TTV của cấp ủy Đảng, còn có đội ngũ TTV của các ngành, các đoàn thể và hội quần chúng. Riêng đội ngũ TTV cho cấp ủy Đảng, họ cũng rất cần định hướng về nội dung để tuyên truyền mà việc định hướng này là của cấp ủy, bởi họ không thể nói ngược với nghị quyết, chủ trương của cấp ủy, của chi ủy. Hiện nay, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi chưa đi vào thực chất, chưa định ra được nội dung sinh hoạt, phần việc cụ thể theo từng tháng, quý nên công tác TTM của đội ngũ TTV rất khó thực hiện. Mặt khác, sự thiếu quan tâm của cấp ủy Đảng trong việc giám sát, củng cố và lựa chọn người làm công tác này đôi khi chưa phù hợp.

Công tác TTM dù rất dễ, ai cũng làm được nhưng cũng rất khó, không phải đảng viên nào cũng làm có hiệu quả. Có khi một cụ cao niên, có uy tín lại làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực tế đã cho thấy điều này. Vì vậy, cấp ủy Đảng phải biết quan tâm thì công tác tuyên truyền, vận động quần chúng mới đạt hiệu quả cao.

30 năm công tác trong ngành tuyên giáo, ông Lê Quang Nhung đã tham gia xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay như hình thành và xây dựng bộ máy hoạt động cho Ban Tuyên giáo xã vào năm 1982 mà Trung ương nhân rộng cả nước (lúc bấy giờ huyện Giồng Trôm chọn xã Tân Hào làm điểm). Tham gia biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền và tỉnh là đơn vị đầu tiên cả nước có tài liệu này. “Thực ra, TTM đã được các chú, các bác vận dụng trong thời chiến tranh, gọi là công tác “tuyên truyền rỉ tai”. Người làm công tác TTM phải đọc nhiều, hiểu nhiều. Người có uy tín, biết chắt lọc thông tin, ngắn gọn. Với lợi thế của công tác TTM là đa dạng về hình thức, trực tiếp, gần gũi, dễ thu hút người nghe bằng biểu cảm, giọng nói, ngữ điệu bởi mục đích cuối cùng của công tác tuyên truyền là nói cho người khác nghe, hiểu và định hướng họ bằng việc làm cụ thể”, ông Lê Quang Nhung đúc kết.

Ngày 15-10-2007, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTM trong tình hình mới”. Trong đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác TTM, phát huy cao độ các ưu thế của TTM của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để cùng với các kênh thông tin, tuyên truyền khác tạo ra sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả của công tác tư tưởng.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN