Cuộc đồng khởi năm 1960 và những tư tưởng chỉ đạo trong quá trình cuộc nổi dậy của nhân dân Bến Tre (kỳ cuối)

13/12/2019 - 07:53

Các đồng chí trong Ban Chỉ huy Trung đội Vũ trang đầu tiên của tỉnh. (Ảnh PV chụp lại tại Nhà truyền thống Đồng Khởi).

Các đồng chí trong Ban Chỉ huy Trung đội Vũ trang đầu tiên của tỉnh. (Ảnh PV chụp lại tại Nhà truyền thống Đồng Khởi).

Một - Nghị quyết số 15 của Trung ương là niềm tin sắt đá của Tỉnh ủy.

Tình thế lúc bấy giờ sự sống chết như gang tấc, kẻ thù đang dìm dân trong bể máu, khi máy chém lê đi khắp tỉnh nhà, sự phẫn uất căm thù đang sôi sục, con đường đấu tranh chính trị đơn thuần không còn tác dụng nữa. Những người đảng viên còn lại cùng một bộ phận quần chúng trung kiên, cốt cán đang khát khao chờ lệnh Ðảng cho hành động. Từ đó Nghị quyết số 15 về với Bến Tre như vị cứu tinh và có một niềm tin tuyệt đối của người cộng sản Bến Tre mà đứng đầu là Tỉnh ủy bí mật lúc bấy giờ. Tỉnh ủy khẳng định Nghị quyết số 15 là một phương pháp tốt nhất trong tình hình hiện tại để phát triển cách mạng miền Nam. Trong Ðảng, trong dân chỉ có một đường cứu sống là phải theo Nghị quyết số 15. Tỉnh ủy còn nhấn mạnh dù tình thế có diễn biến ra sao, thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về ta.

Từ lòng tin khẳng định đó mà Tỉnh ủy đóng vai trò xung kích đi đầu phát pháo lệnh trong quần chúng vùng điểm, vùng diện đồng loạt nổi dậy đập tan bộ máy hạ tầng của giặc hàng trăm ấp trong những tháng đầu của năm 1960. Khi Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh lý trí, tình cảm đã thống nhất, có đầy đủ quyết tâm thì nó trở thành sức mạnh áp đảo đối với kẻ thù trong thời điểm đi vào thực hiện Nghị quyết số 15.

Hai - Biết trân trọng, kế thừa, phát huy, vận dụng linh hoạt những di sản quá trình chống giặc của nhân dân.

Suốt thời kỳ 9 năm chống Pháp và 6 năm đấu tranh chính trị chống Mỹ (1954 - 1960). Với chiến trường chia cắt cô lập, sông biển, Bến Tre súc tích khá dày kinh nghiệm, đấu tranh mặt chong mặt với kẻ thù.

Trải qua những thời kỳ từ không làm ra có, chắt chiu nhìn nhận những sáng tạo trong dân, cọ xát với kẻ thù bằng vũ trang, bằng địch ngụy vận, bằng tấn công binh vận, bằng tấn công chính trị suốt 9 năm chống Pháp, 6 năm đấu tranh chính trị.

Từ đó khi nổ ra nổi dậy, thi hành Nghị quyết số 15 đã vận dụng ngay 3 hình thức chính trị, binh vận, vũ trang kết hợp tiêu diệt địch. Cho nên khi có súng là có ngay người biết sử dụng. Khi có đơn vị vũ trang tập trung vẫn có cán bộ chỉ huy quản lý đơn vị thành thạo.

Nhân dân ta đã sống trong kiềm kẹp, biết rõ phía ta rất ít người và không có vũ khí còn giặc thì đông mạnh và rất tàn bạo. Thế mà ta phát động canh gác xóm làng, cải tạo địa hình trừng trị do thám, chỉ điểm, ác ôn, đồng bào vẫn hăng hái hưởng ứng. Nhiều sự kiện tự dân kéo cổ phảng, bao dí bắt do thám đem nạp cho ta...

Nghĩa là: họ dám đem sinh mạng, tài sản của họ công khai đối đầu với giặc trong nổi dậy 1960.

Rõ ràng nổi dậy mấy tháng đầu lực lượng ta về con người như đã rèn luyện năm, mười năm.

Ba - Kiên trì, xông vào cái khó khai thác bằng được vốn có tiềm ẩn tích tụ khả năng đánh địch tổng hợp trong dân.

Ta ý thức rõ nhân dân có sức mạnh vạn năng nhưng nếu ta thiếu tâm huyết trong chủ trương, trong biện pháp, trong tổ chức thì nó sẽ biểu hiện một cách phân tán, hời hợt, kém hiệu quả trong tấn công địch.

Từ nhận thức này qua nhiều giai đoạn chống giặc tại Bến Tre, bước đầu thi hành Nghị quyết số 15, Tỉnh ủy biết kiên trì động viên, khai thác khả năng tổng hợp của dân một cách tập trung. Nêu thành phương châm ba mặt tấn công, ba mũi giáp kích cùng chiến đấu. Tổ chức hình thức chiến đấu này thành lực lượng chuyên môn làm nòng cốt cho phong trào tấn công địch tại chỗ. Ba hình thức tấn công này rất thích ứng với khả năng của dân nên phong trào nhanh chóng phát triển rộng mạnh.

Dân cùng lực lượng tại chỗ đứng lên tấn công địch giữ thế hợp pháp làm chủ tấn công phát triển lực lượng. Với bài học kinh nghiệm này từ vùng điểm chỉ đạo lan ra trong toàn tỉnh, lúc nổi dậy Ðồng khởi 1960.

Bốn - Áp dụng phương pháp chỉ đạo riêng, tạo sức khởi động rút kinh nghiệm phổ biến thúc đẩy phong trào toàn tỉnh phát triển.

Bắt đầu thi hành Nghị quyết số 15, Tỉnh ủy không lường được thủ đoạn, mức độ giặc phản ứng trả thù, đánh trả lại nhân dân thế nào? Từ đó Tỉnh ủy nghĩ rằng không thể chỉ đạo nổi dậy bằng chỉ thị, kế hoạch theo hệ thống chính trị mà cơ sở có thể thông suốt để biến thành hành động. Cho nên Tỉnh ủy nhất thiết phải có chỉ đạo riêng tạo ra mẫu hình nổi dậy nhân rộng ra kịp thời. sự có mặt của Tỉnh ủy, huyện ủy tại vùng điểm trong giờ phút quan trọng này là sự mất còn của toàn vùng và sự động viên cổ vũ hơn hết làm cho dân tin là Ðảng làm thật không bỏ dân, cùng Ðảng nổi dậy. Cho nên 3 xã điểm Ðịnh Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh nổ ra đúng ngày quy định, giành thắng lợi buổi đầu giòn giã.

Năm - Sớm tập trung lực lượng vũ trang một cách hợp lý.

Tỉnh ủy đề ra phương châm: Sử dụng vũ khí theo yêu cầu, không sử dụng theo khả năng. Nghĩa là không phải xã nào, đơn vị nào lấy được vũ khí là tự trang trải cho mình. Mà Tỉnh ủy chủ trương “Tập trung vũ khí một cách hợp lý để xây dựng lực lượng vũ trang”. Nhờ biết tập trung và tập trung một cách hợp lý để xây dựng nhanh, mạnh lực lượng vũ trang ở trên, không xem nhẹ bỏ trống bên dưới, từ đó tiến độ tác chiến nhanh, liên tục tạo nhanh thế lực áp đảo giặc. Ðẩy mạnh được phong trào đấu tranh chính trị trong tỉnh sôi động, liên tục.

Trái lại nếu ngay từ đầu nổi dậy, không cương quyết tập trung vũ khí mà để nơi nào lấy được vũ khí giặc tự trang bị sử dụng, thì chỉ có thể làm được việc bảo vệ trừ gian bế đồn bắn xẻ giặc yếu ớt mà còn làm mục tiêu cho giặc dễ tiêu diệt hoặc rơi vào con đường chiến tranh du kích theo lối cũ… phong trào quần chúng nổi dậy không sao hiệu quả, lực lượng cách mạng dứt khoát chậm phát triển…

Sáu - Nhận thức quan điểm quần chúng một cách toàn diện, đúng đắn là yếu tố “động” nhất khi thực hiện nổi dậy Ðồng khởi 1960.

Bí quyết đầu tiên mà Tỉnh ủy nhấn mạnh lúc đó là: Tin quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng.

Lúc bấy giờ dân đang bị kẻ thù kiềm kẹp nghiệt ngã. Ði đôi với lừa mị mua chuộc, 90% dân bị ép vào đoàn ngũ hóa trong các tổ chức phản động.

Ta biết dân rất căm thù giặc nhưng ta cũng thấy một bộ phận không nhỏ tỏ ra hoang mang dao động dữ. Tin dân là tin lòng trung thành, tin sức mạnh vạn năng trong đấu tranh cách mạng. Từ đó người đảng viên lúc đó phải có một quan điểm quần chúng vững vàng, mới có thể gửi sinh mạng, nhiệm vụ chính trị của mình cho nhân dân mà công khai tuyên chiến với giặc ngày đêm, đứng lại sống chết với dân cùng với dân chống giặc ở Bến Tre qua nhiều bước thăng trầm. Ðảng luôn tồn tại trong dân cùng dân chia sẻ mọi an nguy. Ðã chuyển biến được tình hình giành thắng lợi.

Bảy - Ở trong dân hiểu được lòng dân, biết khả năng cách mạng của dân.

Sau tập kết chuyển quân 1954, Tỉnh ủy bí mật và những đảng viên được chỉ định ở lại chiến đấu đều ở trong dân, dân làm hầm bí mật, làm vách đôi, làm bồ lúa 2 ngăn, làm thùng 2 ngăn, lập trang thờ bà Chúa Xứ 2 ngăn… nuôi giấu cán bộ. Hàng ngày, dân và giặc đấu tranh trực tiếp diễn ra tại chỗ, cán bộ ta đều chứng kiến những cuộc đấu tranh chong mặt với giặc thắng lợi, thành công đều được cán bộ kịp thời phát huy, phổ biến và uốn nắn theo phương châm: có lý, có lợi, đúng mức. Những cuộc giặc đàn áp khủng bố liền có cán bộ hướng dẫn đấu tranh trực diện ngay. Những lúc bà con chao đảo hoang mang vì giặc khủng bố liền có cán bộ chia sẻ, động viên, củng cố, ổn định tư tưởng tiếp tục chiến đấu. Vì cán bộ ở trong dân cùng sống chết, cùng chia sẻ an nguy mà dân đặt hết lòng tin với cán bộ, dù tình thế cách mạng lúc bấy giờ như trong bóng tối.

Thực tế đó mà dân hiểu Ðảng, tin Ðảng, nghe theo Ðảng, cán bộ biết rõ diễn biến từng lúc tâm trạng của dân. Lường được sức chiến đấu, sự chịu đựng của dân, đánh giá đúng sự căm phẫn của dân cũng như sự chín mùi lòng căm phẫn của dân chờ lệnh nổi dậy.

Từ nguyên nhân và bài học lớn này mà Ðảng bộ Bến Tre thi hành Nghị quyết số 15 nổ ra, nổi dậy 1960 giòn giã, sinh động đều khắp, đồng loạt thành phong trào cách mạng của quần chúng đúng với ý nghĩa Ðồng khởi của nó.

Nguyễn Xuân Kỷ - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN