Hiệu quả các hoạt động năm “dân vận chính quyền” 2018

12/10/2018 - 08:36

BDK - Năm “dân vận chính quyền” (DVCQ) 2018 đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống với nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, bước đầu mang lại một số kết quả nhất định. Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống của ngành dân vận (15-10-1930 - 15-10-2018), phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp về nội dung trên.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp trao bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Hòa (Ba Tri). Ảnh: H. Hiệp

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp trao bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Hòa (Ba Tri). Ảnh: H. Hiệp

* Phóng viên: Thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức triển khai, quán triệt năm “DVCQ” như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lê Văn Gặp: Hội nghị tổng kết công tác dân vận (CTDV) toàn quốc và triển khai nhiệm vụ năm 2018, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đã chọn chủ đề công tác là năm “DVCQ” nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa CTDV của chính quyền, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân và thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Trung ương về CTDV.

Riêng đối với tỉnh, sau khi tiếp thu các văn bản và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về năm “DVCQ”; Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch số 65 ngày 12-3-2018 và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai trong toàn tỉnh để thực hiện.

* Đồng chí cho biết một số nội dung trọng tâm của kế hoạch phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh?

- Kế hoạch xác định rõ 7 nội dung trọng tâm cần phối hợp trong năm “DVCQ” gồm: Quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTDV, cụ thể như Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới; Nghị định số 04 của Chính phủ về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và đổi mới CTDV trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.

Phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Kết luận số 120 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016 - 2020. Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với chống quan liêu; phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 Các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong năm “tăng tốc” 2018 gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các cơ quan, đơn vị. Vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tích cực thực hiện tốt các phong trào thi đua: Dân vận khéo, xây dựng nông thôn mới, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… Qua đó, bình chọn, nhân rộng gương tiêu biểu, điển hình về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của cơ quan, đơn vị.

 Phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội. Chính quyền địa phương các cấp phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy chế, chương trình phối hợp trong CTDV để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

* Qua triển khai thực hiện từ đầu năm đến nay có những thuận lợi, khó khăn gì thưa đồng chí?

- Nhìn chung, qua kiểm tra và theo dõi của Ban Dân vận Tỉnh ủy, sau khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện. Cấp ủy và chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nội dung phối hợp trong năm “DVCQ”, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là thay đổi phong cách, lề lối làm việc và ứng xử có văn hóa nơi công sở, tạo hình ảnh người cán bộ, công chức tận tụy với công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, xây dựng chính quyền dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm.

Tuy nhiên vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm sâu sát việc thực hiện các nội dung phối hợp; một bộ phận cán bộ, công chức chưa thể hiện tinh thần tiến công, còn biểu hiện thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm.

* Để giải quyết những tồn tại trên cần những giải pháp gì?

- Để giải quyết tốt các vấn đề tồn tại nêu trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tổ chức kiểm tra một số cơ quan, đơn vị nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, nhắc nhở việc triển khai, chỉ đạo thực hiện tốt năm “DVCQ” trong toàn hệ thống; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục đến cán bộ, công chức để mỗi cá nhân, tổ chức có cách nhìn đúng và thực hiện tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện tốt CTDV chính quyền trên từng lĩnh vực. Tiếp tục đề cao vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt quy chế dân chủ trên các loại hình, nhằm xây dựng xã hội đồng thuận tự quản, phát huy hiệu quả hoạt động các mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực chính quyền, góp phần thực hiện tốt Quyết định số 12 của UBND tỉnh về ban hành tiêu chí thang điểm đánh giá CTDV chính quyền trên địa bàn tỉnh.

* Ban Dân vận Tỉnh ủy hưởng ứng thực hiện Đề án số 3333 của UBND tỉnh như thế nào?

- Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chỉ thị số 16 của Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, đến năm 2020, tỉnh phải có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 102 xã còn lại phải đạt 10 tiêu chí trở lên, trong đó có 4 tiêu chí cứng là giao thông, thu nhập, môi trường, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, nhất là tiêu chí về giao thông nông thôn (GTNT), đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nên tỉnh ta tiếp tục thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới theo Đề án số 3333 của UBND tỉnh. Để góp phần thực hiện, Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong toàn hệ thống chính trị đến từng hộ dân về mục tiêu, phương châm xây dựng GTNT của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong việc chung tay xây dựng GTNT. Về hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả; phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống báo chí, đài phát thanh truyền hình, đài truyền thanh, tổ chức tọa đàm, thông qua sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, sinh hoạt của các tổ chức Mặt trận, các chi hội, tổ hội, các đoàn thể ở địa bàn dân cư.

Làm tốt công tác phối hợp, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Trước mắt, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chọn 1 xã làm điểm; mỗi huyện, thành phố chọn 1 xã làm điểm để tổ chức lễ phát động ra quân xây dựng GTNT vào dịp tổ chức lễ kỷ niệm 58 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi (17-1-1960 - 17-1-2018) nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu và vận động gia đình, người thân tiên phong đi đầu để làm nòng cốt cho phong trào. Bám sát phong trào, phát hiện, động viên, khen thưởng các cá nhân và tập thể điển hình tích cực để khích lệ và cổ vũ, tạo sức lan tỏa cho phong trào.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Hương Thu (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN