Kết quả qua 10 năm thực hiện “Đề án 50”

14/02/2020 - 08:29

BDK - Theo Sở Nội vụ, đến thời điểm hiện tại (từ năm 2009 đến nay), tổng số ứng viên được cử đi đào tạo theo Đề án đào tạo 50 cán bộ khoa học, kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học của tỉnh (gọi tắt là Đề án 50) là 34 người, đạt 68% so với kế hoạch. Trong đó, đào tạo trình độ thạc sĩ là 24 người, tiến sĩ là 10 người; đào tạo ở trong nước là 4 người, ở nước ngoài là 30 người. Ngành nghề cử đi đào tạo gồm kinh tế; nông nghiệp; tài nguyên và môi trường; công nghệ thực phẩm; xây dựng; quản lý công nghiệp...

Các ứng viên Đề án 50 trong chuyến khảo sát rừng ngập mặn ở Bạc Liêu. Ảnh: CTV

Các ứng viên Đề án 50 trong chuyến khảo sát rừng ngập mặn ở Bạc Liêu. Ảnh: CTV

26 ứng viên hoàn thành

Số ứng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo là 26 người, còn lại 8 người đang tiếp tục theo học, trong đó có 2 người đào tạo trong nước và 6 người đào tạo nước ngoài, dự kiến năm 2020 sẽ hoàn tất.

Trong số 26 ứng viên hoàn thành chương trình đào tạo, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, sắp xếp, bố trí công tác phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, có 1 trường hợp tự ý bỏ việc; 1 trường hợp xin chuyển công tác về tỉnh Bạc Liêu và đã bồi hoàn kinh phí đào tạo; 1 trường hợp gửi đơn xin thôi việc, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương giải quyết thôi việc và bồi hoàn kinh phí đào tạo.

Đối với ứng viên là sinh viên tham gia Đề án 50 là 20 người, hiện tại đã hoàn thành 15 người, còn lại 5 người đang tiếp tục theo học. Các ứng viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo được Sở Nội vụ chủ động, phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí công tác phù hợp với trình độ đào tạo, gồm 10 vị trí công chức, 5 viên chức. Qua thời gian công tác thực tế, đa số các ứng viên đều phát huy tốt chuyên môn đào tạo, được các cơ quan, đơn vị đánh giá cao về năng lực công tác, khả năng nắm bắt nhanh chóng, có tính chủ động trong công việc và có chiều hướng phát triển tốt.

Trong thời gian qua, Sở Nội vụ đã chủ động liên lạc với các ứng viên với nhiều hình thức khác nhau như qua điện thoại, Email, Zalo, Facebook… Nhìn chung, các ứng viên đều có phản hồi, báo cáo tình hình học tập. Tuy nhiên vẫn còn một số ứng viên không phản hồi kịp thời nên Sở Nội vụ đã làm việc trực tiếp với thân nhân, người bảo lãnh của ứng viên để nhắc nhở.

Theo ông Nguyễn Văn Bằng - nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ, người có nhiều gắn bó với Đề án 50 cho biết, các ứng viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo được quan tâm, tạo điều kiện sắp xếp, bố trí công tác. Các ứng viên tham gia Đề án 50 đều được đào tạo bài bản, khả năng tiếp cận công việc nhanh nên rất thuận tiện trong việc sắp xếp, bố trí công tác. Trong quá trình công tác, các ứng viên có ý thức tổ chức kỷ luật; chấp hành tốt nội quy, quy chế cơ quan; tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực được phân công; cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Cần chính sách hỗ trợ

Mặc dù Sở Nội vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện bố trí, sắp xếp ứng viên nhưng do trình tự, thủ tục tuyển dụng công chức, viên chức khá phức tạp nên thời gian sắp xếp, bố trí công tác cho ứng viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo còn chậm. Việc bố trí ứng viên còn phụ thuộc vào số biên chế chưa sử dụng của đơn vị nên còn bị động.

Một số trường hợp bố trí không phù hợp với định hướng ban đầu. Cụ thể như trường hợp bà Lê Yến Xuân, tốt nghiệp Thạc sĩ quản lý chuỗi cung ứng và thu mua tại Pháp và Ý, dự kiến bố trí công chức tại Phòng Quản lý xuất nhập khẩu thuộc Sở Công Thương nhưng do không đủ điều kiện để tuyển dụng công chức không qua thi tuyển (không có xếp loại học tập) nên phải bố trí viên chức tại Trung tâm Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương. Trường hợp ông Bùi Trường Thọ, tốt nghiệp Tiến sĩ sinh học tại Đan Mạch, dự kiến bố trí công chức tại Phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng do không đủ điều kiện để tuyển dụng công chức không qua thi tuyển nên phải bố trí viên chức tại Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một số cơ quan, đơn vị sắp xếp, phân công công việc cho các ứng viên chưa thật sự hợp lý, chưa phù hợp với chuyên môn đào tạo nên ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết công việc.

“Sắp tới, tỉnh cần xây dựng quỹ biên chế dự phòng từ nguồn biên chế chưa sử dụng và số lượng biên chế tinh giản của các cơ quan, đơn vị để bố trí, sắp xếp ứng viên Đề án 50. Xem xét, cho chủ trương hợp đồng đối với các ứng viên Đề án 50 trong khi chờ thực hiện thủ tục tuyển dụng công chức, viên chức. Có chính sách hỗ trợ đối với các ứng viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo để các ứng viên an tâm công tác. Tiến hành tổng kết kết quả thực hiện Đề án 50 nhằm phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện Đề án, từ đó có các điều chỉnh cơ chế, chính sách thích hợp để nâng cao hiệu quả của Đề án”, ông Nguyễn Văn Bằng - nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ đề xuất.

Hiện nay tỉnh chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các ứng viên, trong khi đó chế độ lương đối với công chức, viên chức còn thấp nên một số ứng viên chưa thật sự an tâm công tác. Một số ứng viên do hoàn cảnh gia đình, cá nhân nên đã chuyển công tác hoặc nghỉ việc nên việc thu hồi kinh phí đào tạo đối với ứng viên khi nghỉ việc còn chậm do ứng viên không hợp tác.

Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN