Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên

27/06/2018 - 07:39

BDK - Để tồn tại và phát triển, Đảng phải thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đề ra các chủ trương, biện pháp phù hợp để quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, phân công công tác và sàng lọc, phân loại đảng viên, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Trong đó, công tác quản lý, giáo dục đảng viên của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy ngay tại chi bộ là khâu then chốt, quyết định.

Từ trái sang: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam và Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm tại buổi tọa đàm “Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên”. Ảnh: Q.Hùng

Từ trái sang: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam và Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm tại buổi tọa đàm “Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên”. Ảnh: Q.Hùng

Những vấn đề cần quan tâm

Những năm qua, các cấp ủy, chi bộ quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, thường xuyên triển khai, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến thông tin, thời sự, đổi mới việc triển khai học tập nghị quyết, chỉ thị, các quy định của Đảng bằng cách truyền cảm hứng của người đứng đầu cấp ủy cho đảng viên nâng cao nhận thức để hành động; đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục đảng viên để mỗi đảng viên và tổ chức đảng có môi trường rèn luyện, thử thách, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực thực tiễn, tạo lớp đảng viên năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, công tác quản lý, giáo dục đảng viên cũng còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm cần được quan tâm chấn chỉnh. Đó là cấp ủy, bí thư chi bộ một số nơi thiếu quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và việc nắm bắt tư tưởng đảng viên, giúp đỡ đảng viên vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; công tác quản lý đảng viên thiếu chặt chẽ, phần lớn chỉ quản lý tại nơi công tác hoặc trong sinh hoạt đảng, chưa quan tâm nắm tình hình tư tưởng trong các mối quan hệ ngoài đời, dư luận xã hội có liên quan và kết quả thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những dấu hiệu vi phạm của đảng viên chưa được coi trọng và thực hiện thường xuyên, nếu có nghe dư luận nhưng thiếu mạnh dạn đấu tranh làm rõ hoặc còn nể nang, ngại va chạm; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng nhiều nơi chưa phát huy tốt theo yêu cầu; công tác tự phê bình và phê bình ở chi bộ chưa được quan tâm, có nơi chỉ mang tính hình thức. Nhiều đảng viên chưa thể hiện tinh thần tiến công, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số đảng viên chưa được đẩy lùi; tình trạng lãng phí, tiêu cực ở một số nơi vẫn còn xảy ra; việc đảng viên vướng vào các tệ nạn xã hội, vi phạm kỷ luật, xin ra khỏi Đảng, buông bỏ công tác, bỏ sinh hoạt đảng... xảy ra ở nhiều nơi, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Những hạn chế trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng việc quản lý, giáo dục đảng viên tại chi bộ. Nhận thức của một bộ phận đảng viên, nhất là đảng viên trẻ chưa đầy đủ; thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tu dưỡng, rèn luyện để trưởng thành dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Một số nhiệm vụ trọng tâm

Đảng bộ tỉnh hiện có 3.220 chi bộ với 54.166 đảng viên. Từ năm 2013 đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 1.136 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó cấp ủy viên các cấp bị xử lý kỷ luật chiếm 38,29%.

Tại buổi tọa đàm do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức ngày 25-6-2018 đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, tham luận, phản biện và đề xuất giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục đảng viên ngay tại chi bộ, khắc phục tình trạng đảng viên buông bỏ công tác, sinh hoạt đảng, bị xóa tên, đảng viên vi phạm kỷ luật, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh…

Năm 2018 là năm “tăng tốc” với tinh thần tiến công vượt bậc, nỗ lực không ngừng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết liệt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, bí thư chi bộ cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên trong thời gian tới, với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, các cấp ủy tiếp tục quán triệt đến các chi bộ và đảng viên hiểu rõ những quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của cấp ủy, bí thư chi bộ trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên. Đồng thời, xác định đội ngũ cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ đóng vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện nghiên cứu thống nhất nội dung bồi dưỡng, tập huấn phù hợp theo yêu cầu thực tế.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề, nhất là các chuyên đề về nhận diện và khắc phục 27 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), những mô hình hiệu quả trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nội dung sinh hoạt phải được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu để chi bộ thật sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng; thường xuyên kiểm điểm vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của chi ủy, chi bộ cũng như tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa nội dung này trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy có hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ sau khi có chỉ thị mới của Trung ương và xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra, theo dõi chất lượng sinh hoạt chuyên đề về những biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và gắn thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị trong sinh hoạt chi bộ.

Thứ ba, cấp ủy lãnh đạo thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình; đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình; kịp thời nắm bắt dư luận và diễn biến tư tưởng của đảng viên tại chi bộ, đề cao ý thức tự rèn luyện của đảng viên. Đặc biệt, quan tâm đến công tác quản lý cán bộ, đảng viên tại chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ và sinh hoạt đời thường. Chủ động nắm bắt những diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để kịp thời có giải pháp lãnh đạo, giáo dục, ngăn ngừa các biểu hiện và hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức tham gia các tệ nạn xã hội. Đối với các trường hợp đảng viên vi phạm, phải kịp thời xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng tham gia quản lý, giáo dục đảng viên. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 218 của Bộ Chính trị về ban hành quy định việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia phản biện, giám sát xã hội, góp ý cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và vai trò tiên phong, gương mẫu. Các đoàn thể phát động nhiều phong trào hành động cách mạng ở địa phương, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực thu hút đoàn viên, hội viên tham gia nhằm đẩy lùi các nguy cơ vướng vào tệ nạn xã hội. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch tham gia góp ý xây dựng Đảng và hướng dẫn cấp huyện, xã có kế hoạch góp ý xây dựng đảng cùng cấp, xem đây là tiêu chí đánh giá chất lượng.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng nơi công tác với tổ chức đảng nơi cư trú để quản lý tốt đảng viên theo Quy định số 76 của Bộ Chính trị và Công văn số 670 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục quán triệt thực hiện Quy định số 76, Quy định số 47 của Trung ương (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 55 của Bộ Chính trị về một số vấn đề cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo Quy định số 109 của Ban Bí thư (khóa XII) về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm; định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên.

Thứ sáu, thực hiện tốt việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm đúng thực chất, không chạy theo thành tích, kịp thời biểu dương, khen thưởng đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, sàng lọc đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Ban tổ chức các cấp hàng năm tham mưu cấp ủy có chỉ đạo, hướng dẫn, thẩm định kết quả đánh giá chất lượng đảng viên sát, đúng thực chất, kịp thời biểu dương, khen thưởng và có kế hoạch củng cố, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Trần Ngọc Tam - Phó bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN