Pháp lý hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam qua các bản hiến pháp

02/02/2018 - 14:49

BDK.VN - Trong Hiến pháp năm 1946, không có điều khoản quy định cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng vai trò lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chí Minh và uy tín Người vẫn luôn được khẳng định bằng việc thông qua bản Hiến pháp lịch sử năm 1946 và những việc làm cụ thể khác trong giai đoạn này.

Trong Hiến pháp năm 1946, không có điều khoản quy định cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng vai trò lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chí Minh và uy tín Người vẫn luôn được khẳng định bằng việc thông qua bản Hiến pháp lịch sử năm 1946 và những việc làm cụ thể khác trong giai đoạn này.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hiến pháp năm 1946 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng trên cần phải có một bản hiến pháp mới. Hiến pháp năm 1959 được thông qua ngày 31-12-1959, gồm 10 chương, 112 điều. Ở bản hiến pháp này cũng chưa có một điều riêng hiến định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, vai trò của Đảng đã được khẳng định rõ trong Lời nói đầu: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới, cuộc đấu tranh bền bỉ đầy gian khổ và hy sinh dũng cảm của nhân dân ta chống ách thống trị của đế quốc và phong kiến đã giành được thắng lợi vĩ đại…”. “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà”.

Chiến thắng lịch sử 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc. Với nhiệm vụ cách mạng mới, cần có một bản hiến pháp mới. Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội khóa VI thông qua ngày 18-12-1980 với nhiệm vụ là “thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước”. Khác với Hiến pháp năm 1946, 1959, ở Hiến pháp năm 1980, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hiến định tại Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác -Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai  cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”. Đây chính là sự pháp lý hóa vai trò lãnh đạo vẻ vang của Đảng gắn liền với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hiến pháp năm 1992 là bản hiến pháp thứ tư của nước ta, được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội VI của Đảng khởi xướng và thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991. Điều 4 Hiến pháp năm 1992 đã có những bổ sung quan trọng, đầy đủ, làm rõ và sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức  của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. So với Điều 4 Hiến pháp năm 1980 thì quy định này đã hàm súc, hoàn thiện hơn cả về nội hàm và cách diễn đạt.  

Cương lĩnh và các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết. Trong Hiến pháp năm 2013, sự hiến định được làm sâu sắc và toàn diện hơn. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 Khẳng định: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Quy định của Hiến pháp năm 2013 là kế thừa quy định tại Điều 4 Hiến pháp 1992, đồng thời bổ sung quy định làm rõ bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh.

Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, pháp lý hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là một đảm bảo vững chắc.

Dương Quốc Hoàng

Dương Quốc Hoàng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN