Phương châm “nắm” để gần dân, sát cơ sở

24/01/2019 - 22:22

BDK - Tại hội nghị trực tuyến sơ kết hai năm rưỡi việc phân công cán bộ cấp tỉnh theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn theo phương châm “nắm” để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, nhiều đại biểu tán đồng cao hiệu quả phương châm này mang lại là tháo gỡ được “điểm nghẽn” thông tin, giúp cán bộ “gần dân, sát cơ sở”.

Chủ tịch UBND TP. Bến Tre Cao Thành Hiếu khảo sát nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.  Ảnh: Nguyễn Hữu

Chủ tịch UBND TP. Bến Tre Cao Thành Hiếu khảo sát nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.  Ảnh: Nguyễn Hữu

Tháo gỡ “điểm nghẽn” thông tin

Hơn hai năm rưỡi vận dụng phương châm, nhiều địa phương đã khéo léo, linh hoạt trong việc phân công cán bộ, đảng viên “nắm”, “góp”, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, đưa “tiếng nói” cơ sở lên tỉnh và ngược lại.

Bí thư Đảng ủy xã Tường Đa (Châu Thành) Trần Văn Út cho biết, xã có 64 tổ nhân dân tự quản (NDTQ) thì cấp ủy Đảng đã phân công 55 cán bộ, đảng viên trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, các đồng chí trưởng khối vận, các ban, ngành về theo dõi, hỗ trợ các ấp, các tổ NDTQ trong các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt lệ kỳ của tổ. Phương châm rất được cán bộ, đảng viên đồng tình, nhiều đồng chí được phân công phụ trách đến 2 tổ NDTQ nhưng vẫn dành thời gian tham gia sinh hoạt tổ đều đặn và “nắm” rất chắc tình hình ở cơ sở, giúp cho công tác lãnh đạo, điều hành luôn được kịp thời, sát thực tế.

Tháo “điểm nghẽn” trong công tác thông tin “hai chiều” là điểm tối ưu của phương châm “nắm” và được xem như một phương châm lãnh đạo mới, sâu sát với cơ sở, giúp cho cơ sở được gần với huyện, tỉnh hơn. Tháo “điểm nghẽn” cũng là cụm từ được các địa phương nhắc đi, nhắc lại nhiều lần khi nói về phương châm “nắm” tại hội nghị trực tuyến sơ kết hai năm rưỡi do Tỉnh ủy tổ chức.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hòa (Châu Thành) Nguyễn Ngọc Thiện rất tâm đắc với vấn đề tháo được “điểm nghẽn” và cho rằng, khi các đồng chí được tỉnh, huyện phân công về tham gia sinh hoạt với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy xã, chúng tôi cũng phải có sự chuẩn bị rất kỹ những nội dung cần đưa ra bàn thảo. Trước đây, những vấn đề bức xúc, vượt tầm của địa phương, Ban Thường vụ chưa mạnh dạn kiến nghị với trên thì nay có các đồng chí tham dự, những vấn đề này đều được các đồng chí báo cáo về trên và có thông tin phản hồi, tạo sự thông suốt, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở. Các đồng chí còn là một lực lượng tuyên truyền hiệu quả, sớm đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống nhân dân.

Gần dân, sát cơ sở

Ngoài việc góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ,  phương châm này còn tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên được gần dân, sát dân để cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm với nhân dân. Hơn hết, nó còn giúp cho cán bộ, đảng viên có thêm điều kiện để cọ xát thực tế nắm được nhiều thông tin, lắng nghe “hơi thở” của người dân trong các vấn đề về chính sách, pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của địa phương triển khai ra dân, nhất là những vấn đề về an sinh xã hội, bình nghị hộ nghèo, tình hình an ninh trật tự, thực hiện chính sách đối với người có công...

Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành Huỳnh Văn Sáu cho biết: Huyện ủy và Đảng ủy các xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên được phân công tham gia dự họp đầy đủ ở cơ sở. Hiệu quả thiết thực của phương châm qua hơn hai năm thực hiện đã giúp cho nhiều địa phương nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ, đảng bộ, các tổ NDTQ. Đồng thời, qua sự phân công này cũng là dịp tốt giúp cho cán bộ có thêm kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành vì các đồng chí đa phần là cán bộ quy hoạch nguồn của địa phương.

“Ngoài việc phân công cán bộ, đảng viên theo dõi, hỗ trợ các xã, ấp, khu phố, các tổ NDTQ, Huyện ủy còn thành lập thêm 1 tổ công tác với 15 đồng chí để tham gia sinh hoạt tại các chi bộ ngành huyện. Đây cũng là một cách làm hay, linh hoạt của Huyện ủy Châu Thành. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ, đảng bộ” - Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành cho biết.

“Thước đo” đánh giá chất lượng cán bộ

“Phương châm này đi rất nhanh vào đời sống của cán bộ, đảng viên và được quần chúng nhân dân rất đồng tình bởi phương châm đã được kế thừa từ cách làm rất hay của các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ. Đặc biệt, phương châm này đang được Trung ương quan tâm vì đây là “một phương châm lãnh đạo chứ không phải đơn thuần là một phong trào chính trị”.

(Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo)

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo nhận xét về phương châm này là sự tương tác, hỗ tương giữa cán bộ được cử đi cơ sở với địa phương, giữa địa phương với cán bộ và nhiều mối quan hệ khác trong công tác phối hợp để “nắm” chắc cơ sở. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, trong suốt quá trình vận dụng phương châm, Tỉnh ủy cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để kịp thời điều chỉnh sự phân công sao cho phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, đảng viên theo dõi, hỗ trợ cơ sở. Trong nhiều năm qua, việc nhận xét, đánh giá và những thông tin phản hồi của địa phương đối với cán bộ của tỉnh được phân công là rất tốt và tiếp tục phát huy, nhất là việc vận dụng linh hoạt, linh động nhiệm vụ “4 nắm”, “4 góp” và “3 kiểm tra”.

Cụ thể, “4 nắm” là nắm tổ chức, nắm con người, nắm quy chế, nắm nghị quyết”, “4 góp” là góp ý cho đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ huyện, chỉ phản ánh những vấn đề nổi lên, không sao chép báo cáo của xã; góp ý cho ngành chuyên môn cấp tỉnh những vấn đề cơ sở đặt ra; góp ý cho lãnh đạo huyện trong xem xét giải quyết kiến nghị của cơ sở và góp ý cho Đảng ủy xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và “3 kiểm tra” là kiểm tra tình hình, mức độ chuyển biến của xã trong từng lúc như thế nào; kiểm tra việc chỉ đạo của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ huyện trong việc giải quyết những ý kiến đề xuất tới đâu và kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý của Huyện ủy đối với những phản ánh, kiến nghị ra sao.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ba Tri Nguyễn Hồng Vân, đa số cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện được phân công theo dõi, hỗ trợ, phụ trách xã, ấp, khu phố theo sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy đều là cán bộ chủ chốt, cán bộ dự nguồn của Huyện ủy. Đây là điều kiện để các đồng chí được cọ xát thực tế, rút ra bài học kinh nghiệm cho mình khi được “gần dân, sát cơ sở”. Vì vậy, việc lấy kết quả của sự phân công này để làm thước đo, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên vào dịp cuối năm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công là có cơ sở và hoàn toàn hợp lý, được các đồng chí đồng tình, ủng hộ.

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mỹ Nhơn (Ba Tri) Lê Tấn Dũng cũng đồng tình cho rằng, địa phương tạo điều kiện rất tốt để các đồng chí đảng ủy viên phụ trách và “nắm” tới tổ NDTQ. Nội dung chính trong các cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã lệ kỳ tháng luôn nhắc nhở điều này. Lấy kết quả để làm thước đo đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên vào cuối năm là hợp lý.

Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN