Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội

26/12/2018 - 08:35

Giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các nghị quyết của Đảng về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tại các kỳ đại hội của Đảng (Đại hội IX, X, XI).

Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát tại UBND huyện Giồng Trôm.

Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát tại UBND huyện Giồng Trôm.

Giám sát và phản biện

Trên cơ sở 2 quyết định trên, Quốc hội đã cụ thể hóa nội dung trên vào Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT, ngày 21-7-2017 hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Để triển khai thực hiện các quyết định trên, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện. Xác định tầm quan trọng của công tác này, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của Chính quyền cùng cấp, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trên. Từ năm 2014 đến nay, hệ thống Mặt trận đã tổ chức giám sát được 1.030 cuộc (tỉnh 59 cuộc, cấp huyện 168 cuộc, cấp xã 803 cuộc).

Công tác phản biện xã hội đã có sự chuyển biến rõ nét. Hàng năm, các cơ quan tham mưu của UBND cấp tỉnh, huyện, HĐND tỉnh đã chuyển các nội dung dự thảo nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện các công việc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, hoặc có tác động lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân để MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện tổ chức phản biện. Kết quả, từ năm 2016 đến nay đã tổ chức phản biện được 20 cuộc (cấp tỉnh 15 cuộc, cấp huyện 5 cuộc). Nhiều nội dung, kiến nghị của MTTQ được các cơ quan chủ trì tiếp thu, ghi nhận để đưa vào văn bản chính thức.

Góp ý xây dựng Đảng, chính quyền

Công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thời gian qua được MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực thực hiện, bằng nhiều hình thức, nhiều nội dung như: Tham gia góp ý kiến, đóng góp dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, dự thảo Văn kiện Đại hội X Đảng bộ tỉnh và dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản của cấp ủy Đảng, chính quyền; báo cáo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng và năm tại các kỳ họp của HĐND cùng cấp; qua tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân… Các nội dung góp ý cho cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên được lồng ghép gắn với hoạt động của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội để thực hiện.

Qua 5 năm thực hiện, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức 623 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân. Trong đó, cấp tỉnh 5 cuộc, 758 lượt người dự, có 34 ý kiến; cấp huyện 43 cuộc, 3.785 lượt người dự, có 213 ý kiến; cấp xã 575 cuộc. Qua đó, đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân có dịp gặp gỡ, trình bày những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, phản ánh, góp ý công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu để từ đó có những biện pháp lãnh đạo, điều hành tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị vẫn còn nhiều hạn chế cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa sâu, một ít cấp ủy và chính quyền chưa sâu sát trong lãnh đạo thực hiện. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chưa nhiều, chưa phong phú trên các lĩnh vực, đối thoại theo chuyên đề, nội dung còn hạn chế... 

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo tinh thần Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng, tác động lớn đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới thì ngoài sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy và chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, sự phối hợp và tham gia tích cực từ người dân. 

Bài, ảnh: Hải Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN