Tiếp tục thực hiện tốt việc “nắm, góp ý, kiểm tra” hỗ trợ cơ sở

21/11/2018 - 07:26

Sau 2 năm rưỡi triển khai thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, khu phố, xã nắm tới hộ gia đình”, bước đầu Tỉnh ủy đánh giá là khá thành công. Nhiều cán bộ đã thực hiện nghiêm túc tinh thần của phương châm, tích cực tham gia các cuộc họp với cơ sở, tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu, giúp địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, qua đây đã giúp cho cán bộ có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Tân Ngãi, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: P.Tuyết

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Tân Ngãi, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: P.Tuyết

Tích cực hỗ trợ cơ sở

Đối với cán bộ cấp tỉnh, phần lớn đều bám sát Quy định số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp nhằm để cán bộ sát cơ sở hơn, kịp thời thực hiện, hỗ trợ giải quyết nhiều công việc phát sinh từ cơ sở. Qua đó, kiểm tra, nắm sát tình hình triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp trên, góp sức cùng địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Đa số các đồng chí được phân công đều dành thời gian nghiên cứu các quy định, hướng dẫn, thông tin của Tỉnh ủy và các tài liệu có liên quan để góp ý cho địa phương. Đã chủ động tiếp cận với địa bàn để nắm tình hình và thực hiện nhiệm vụ được Tỉnh ủy phân công.

Thực hiện tốt vai trò truyền tải chủ trương, nghị quyết của các cấp, giúp địa phương thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện, nhất là các phong trào do Tỉnh ủy phát động như: Phong trào thi đua Đồng khởi mới; Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; trữ nước mưa, nước ngọt; Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp...

Hầu hết cán bộ cấp tỉnh được phân công đều nắm sát địa bàn mình phụ trách, tình hình hoạt động của cấp ủy và hệ thống chính trị cơ sở. Thường xuyên trao đổi, thông tin cho cấp ủy, đảng ủy về tình hình tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nguyện vọng của người dân… Nhiều đồng chí tham gia với cấp ủy phát động phong trào hành động cách mạng. Qua đó, đã truyền cảm hứng cho địa phương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Ngoài họp đảng ủy, nhiều đồng chí còn dành thời gian dự họp chi bộ trực thuộc, họp tổ nhân dân tự quản để nắm sâu tình hình ở ấp, khu phố. Đồng thời, tổ chức vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí giúp nhiều địa phương xây nhà tình nghĩa, tình thương, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách... Kịp thời phản ánh tình hình cơ sở cho đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, thành phố; đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Huyện ủy phụ trách tiểu vùng. Đặc biệt, đã kiến nghị nhiều vấn đề cơ sở đang gặp khó khăn, vướng mắc để kịp thời phối hợp giải quyết. Qua theo dõi, hỗ trợ giúp cán bộ cấp tỉnh tìm hiểu, nắm sâu hơn tình hình cơ sở, nhất là đời sống của người dân. Bổ sung kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, điều hành cho cá nhân cán bộ.

Nắm, góp ý, kiểm tra

Đối với cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có mối quan hệ chặt chẽ với cán bộ được phân công theo dõi, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ cấp tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cấp cơ sở đã thực hiện nghiêm túc việc gửi báo cáo, tài liệu để cán bộ cấp tỉnh nghiên cứu góp ý. Mời cán bộ cấp tỉnh tham gia các cuộc hội nghị quan trọng, các hoạt động của địa phương tổ chức. Thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin với cán bộ cấp tỉnh các vấn đề khó khăn để được góp ý, hỗ trợ.

Thực tế, qua nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ cấp tỉnh, các cấp ủy cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Từ đó, phương pháp làm việc có năng động, sáng tạo và hiệu quả hơn. Đã tập trung triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, nhất là công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Một số đảng viên năm 2017 phân loại hoàn thành nhiệm vụ, chậm chuyển biến đã phấn đấu cơ bản khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, vươn lên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục chấn chỉnh. Cụ thể, trong việc tham mưu phân công cán bộ cấp tỉnh theo dõi, hỗ trợ cơ sở còn trường hợp chưa hợp lý. Nội dung chỉ đạo cung cấp cho cán bộ để truyền đạt cho cơ sở đôi lúc chưa kịp thời, nhất là các vấn đề phát sinh để định hướng cho các cấp ủy cơ sở quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Một số đồng chí được phân công chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn theo quy định. Chưa nắm sâu và đầy đủ các nội dung nên khi đi cơ sở có vấn đề đặt ra đề nghị hỗ trợ thì còn lúng túng. Một số đảng ủy chưa kịp thời thông tin, báo cáo đầy đủ, trung thực về tình hình tại địa phương.

“Để nâng cao chất lượng việc thực hiện phương châm này, cán bộ đi cơ sở cần tiếp tục nghiên cứu sâu, đầy đủ Kế hoạch số 23 và Quy định số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi đi cơ sở. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2020 là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Đề án số 3333 của UBND tỉnh về giao thông nông thôn. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, giữ mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy cơ sở, kịp thời phản ánh các vấn đề ngoài thẩm quyền về Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, thành phố định kỳ tổ chức họp mặt cán bộ theo dõi cơ sở để nắm tình hình toàn diện hơn. Xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ khi đi cơ sở là nắm, góp ý, kiểm tra” - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN