Cô Lê Thị Bé Nhung: Đưa giáo dục giới tính vào trường học

27/03/2018 - 07:39

BDK - Từ dự án “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” tham gia cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2016 do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ tổ chức, Lê Thị Bé Nhung - giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Tòng đã đạt giải xuất sắc, với số tiền thưởng 100 triệu đồng.

Cô Nhung nhận bằng khen của Trung ương Đoàn khi dự án vào vòng chung khảo. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cô Nhung nhận bằng khen của Trung ương Đoàn khi dự án vào vòng chung khảo. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ban tổ chức cuộc thi còn hỗ trợ 50 triệu đồng để xuất bản dự án thành sách. 3 quyển sách của cô Nhung đã trở thành tài liệu tham khảo bổ ích cho học sinh 3 cấp học.

Từ một cuộc thi

Lê Thị Bé Nhung, sinh 1989, ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm. Năm 2011, Nhung tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh, Trường Đại học Cần Thơ, được nhận vào giảng dạy tại Trường THPT Phan Ngọc Tòng (xã An Ngãi Tây, huyện Ba Tri).

 Hơn 2 tháng hè năm 2016, cô giáo Nhung đã tập trung viết dự án, với chủ đề “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” để tham gia cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2016 do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ tổ chức.

 Trong gần 300 dự án dự thi, có 16 dự án vào vòng chung kết. Và cuối cùng, chỉ có 3 dự án đạt xuất sắc, trong đó có dự án của cô Nhung. Ngoài tiền thưởng 100 triệu đồng, cô Nhung còn được Ban tổ chức cuộc thi hỗ trợ 50 triệu đồng để phối hợp với nhà xuất bản biên tập, chỉnh sửa, minh họa thêm hình ảnh cho dự án, in thành 3 quyển sách. Qua 2 lần xuất bản, với tổng số 7.500 quyển sách được các trường mua để học sinh đọc tham khảo.

Đề cập đến lý do chọn đề tài này, cô Nhung cho biết: “Là giáo viên dạy môn Sinh học, tôi nhận thấy học sinh còn nhiều lỗ hổng về giới tính. Nhiều nước trên thế giới đã đưa môn giáo dục giới tính vào chương trình học chính thức. Ở Việt Nam, giáo dục giới tính được tổ chức dưới dạng dạy lồng ghép vào các môn học khác, hoạt động ngoài giờ, ngoại khoá, mít-tinh… với thời lượng quá ít ỏi. Chưa có trường đại học nào của Việt Nam đào tạo giáo viên chuyên ngành giáo dục giới tính. Hiện nay, Việt Nam chưa có môn học riêng biệt có tên giáo dục giới tính trong phân phối chương trình từ tiểu học cho tới phổ thông”.

Thực tế cho thấy, cha mẹ thường ngại và lúng túng khi trả lời những câu hỏi của con cái liên quan đến giới tính vì có thể chính cha mẹ cũng chưa có nhiều kiến thức về giới tính. Trường học, giáo dục giới tính chưa hiệu quả do chưa có chương trình, nội dung giáo dục giới tính thống nhất. Nhà trường chưa thật sự chú trọng việc giáo dục giới tính cho học sinh. Giáo viên chưa đủ năng lực giáo dục giới tính (thiếu kiến thức, e ngại, phương pháp chưa hiệu quả, thiếu trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy). Học sinh chưa ý thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính, tự tìm hiểu những vấn đề liên quan giới tính thông qua các trang mạng, sách, báo không lành mạnh. Các vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, nạo phá thai, nhiễm HIV và bệnh truyền nhiễm, ly hôn, bạo lực gia đình… có xu hướng tăng cao.

“Từ những thực trạng và hệ lụy xuất phát từ giáo dục giới tính, bản thân tôi nhận thấy Việt Nam cần có một hệ thống chương trình giáo dục giới tính hoàn chỉnh, cụ thể và phù hợp với từng cấp học, văn hóa và con người Việt Nam. Việc đưa giáo dục giới tính vào chương trình học của học sinh là thật sự cần thiết. Đó cũng là lý do tôi đưa ra giải pháp “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” - cô Nhung bộc bạch.

Hình thành 3 tập sách giáo dục giới tính

Cô Nhung xây dựng nội dung giáo dục giới tính thành 3 tập, ứng với 3 cấp học. Mỗi tập được chia thành nhiều chương tương ứng, phù hợp với từng cấp lớp và độ tuổi của học sinh. Mỗi chương được thiết kế nội dung, hình ảnh phù hợp, độc đáo, mới lạ, gồm tình huống câu chuyện giới tính, nội dung, câu hỏi trải nghiệm cho học sinh. Cụ thể, giải pháp bao gồm:

3 tập sách về giới tính của cô Nhung. (Ảnh do tác giả cung cấp)

3 tập sách về giới tính của cô Nhung. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tập 1 - Giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học: Trang bị cho học sinh một số kiến thức giới tính cơ bản trước khi chính thức bước vào giai đoạn dậy thì. Điều này sẽ giúp các em tránh được các hiện tượng lo lắng, hoang mang trước những thay đổi về đặc điểm cơ thể cũng như về tâm sinh lý của bản thân mình. Học sinh có thể tự bảo vệ sức khỏe phù hợp với giới tính của mình, tự phòng tránh các trường hợp xâm hại tình dục ở trẻ em.

Tập 2 - Giáo dục giới tính cho học sinh THCS: Tránh gây hiện tượng hoang mang, lo lắng cho học sinh trước những thay đổi về tâm sinh lý khi chính thức bước vào giai đoạn dậy thì. Nâng cao nhận thức cho học sinh về hậu quả của việc mang thai ở tuổi vị thành niên, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Xây dựng ý thức, lối sống lành mạnh, tích cực cho giới trẻ.

Tập 3 - Giáo dục giới tính cho học sinh THPT: Giúp các bạn trẻ ý thức, trách nhiệm với tình cảm, lối sống của mình trong tình yêu, tình dục và hôn nhân. Cải thiện nạn bạo lực gia đình, đẩy lùi bất bình đẳng giới trong tương lai. Thay đổi nhận thức về tình yêu đồng giới ở Việt Nam.

Theo cô Nhung, 3 tập sách được rút ra từ trải nghiệm thực tế cộng với việc tìm hiểu thêm từ các tài liệu khác. 3 tập sách xuất bản nhận được sự phản hồi tích cực. Nhiều trường mua bổ sung thêm sách cho thư viện để học sinh đến đọc. Một số em học sinh của Trường THPT Phan Ngọc Tòng cũng đặt mua để đọc tham khảo.

Hiện cô Lê Thị Bé Nhung là Chủ nhiệm Câu lạc bộ bạn gái của Trường THPT Phan Ngọc Tòng. Ngoài các em học sinh nữ của trường còn có các học sinh nữ ở các trường học khác tham gia, với tổng số gần 800 thành viên. Cô Nhung thường giao lưu với các bạn nữ qua online, cung cấp clip, chia sẻ hình ảnh, thông tin, giải đáp thắc mắc. Cô thường đặt ra những câu hỏi đố vui về giới kèm theo quà thưởng tạo sự hứng thú cho các em học sinh nữ tham gia. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Ngọc Tòng hỗ trợ một khoản kinh phí để cô tổ chức hoạt động ngoại khóa, họp mặt, giao lưu với học sinh.

“Hiện tôi đang áp dụng giảng dạy thử nghiệm tại Trường THPT Phan Ngọc Tòng và học sinh quan tâm, nhiệt tình ủng hộ. Tôi đã chia sẻ nội dung tài liệu giáo dục giới tính với Tỉnh Đoàn Bến Tre, nhằm hỗ trợ các giáo viên trong tỉnh có tham gia công tác giáo dục giới tính tại đơn vị. Tôi cũng đã xin ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo và một số trường tiểu học, THCS và THPT tại TP. Bến Tre để dạy miễn phí, thử nghiệm nội dung chương trình này” - cô Nhung cho biết thêm.

Cô Lê Thị Bé Nhung đã tích cực thực hiện các hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp; giáo dục giới tính và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên... Cô được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016-2017, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2016-2017 và 2017-2018, đạt danh hiệu công đoàn viên xuất sắc năm học 2016-2017, danh hiệu nữ 2 giỏi năm học 2016-2017, danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2016-2017. Riêng dự án “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học”, cô Nhung được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo năm 2017.

Minh Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN