Công nghệ sinh học sau 5 năm ứng dụng

15/09/2009 - 09:35

Ngày 4-3-2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 50 CT/TW “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp-hiện đại hóa đất nước”. Sau 5 năm thực hiện, các ngành tỉnh và địa phương đã tổ chức triển khai 32 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sinh học trong hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Kết quả đã tạo ra 11 quy trình, 22 mô hình, 4 giải pháp kỹ thuật giống, kỹ thuật thâm canh và du nhập, khảo nghiệm, bình tuyển, chọn tạo 163 giống mới có năng suất chất lượng cao phù hợp với điều kiện địa phương, được đưa vào ứng dụng gồm giống lúa (133) cây ăn trái (13), ca cao (3), mía (6), dừa (3), thủy sản (5).
Cụ thể, đã bình chọn được 3 cá thể bưởi da xanh (Mỹ Thạnh An, Chợ Lách), chất lượng ngon, rất ít hạt, không hạt, sạch bệnh; nâng diện tích trồng bưởi da xanh của tỉnh lên 3.728 ha; khảo nghiệm trên 40 bộ giống với khoảng 150 giống lúa ở vụ hè thu và đông xuân, kết quả đã chọn 10 giống lúa triển vọng: 3536, OM62, OM 4088, OM 1350, OM 1348 … với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, được ưa chuộng. Năng suất lúa bình quân 14 tấn nay tăng lên 16,2 tấn/ha/năm. Bình tuyển chọn được 6 giống mía có năng suất, chữ lượng đường cao: VĐ86-368, ROC 16, QĐ 11, VN 84-4137, K 84-200, R 570. Đến nay, 6.969 ha mía của tỉnh áp dụng 100% giống mía mới. Bình tuyển 8 giống dừa cho năng suất chất lượng cao: JV A1, JV A2, dâu xanh, dâu vàng, xiêm xanh, xiêm lục, xiêm đỏ, xiêm xanh ruột hồng và du nhập giống dừa dứa. Nhập nội 8 dòng ca cao, bình tuyển 3 dòng (TD 3, TD 5, TD 8) thích hợp nhất với đất Bến Tre, nâng diện tích trồng ca cao của tỉnh từ 1.183 ha (2005) lên 3.622 ha (2008), tăng 306%, đáp ứng kịp thời chủ trương phát triển 10.000 ha ca cao tại Bến Tre. Đã khảo sát trên 33 giống bắp của Hàn Quốc và chọn được 6 giống triển vọng: KV-S, KV-4 (Korea Waxy), KV-W (KNU Tropical white), KV-Y (KNU Tropical Yellow)… Bình tuyển 4 giống cỏ cho năng suất, chất lượng cao (Paspalum, cỏ lá sả lớn, cỏ lá sả nhỏ và cỏ voi Madagasca) đáp ứng tốt nhu cầu phát triển đàn bò của tỉnh nhà. Hiện đang nhân rộng mạnh tại các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Ba Tri.
Tiếp nhận chuyển giao và làm chủ được công nghệ sản xuất giống cá tra sạch bệnh theo tiêu chuẩn SQF 1000CM với tỷ lệ thuần thục đàn cá bố mẹ đạt 93%, tỷ lệ thụ tinh 92%, tỷ lệ nở 90%, sản xuất và cung cấp cho thị trường trong tỉnh 67,7 triệu giống cá bột; nghiên cứu quy trình sinh sản và nuôi cá bống tượng phương pháp nhân tạo (thuần hóa, ương tạo, và phát triển cho vùng lợ, ngọt) đã được thương mại hóa sản phẩm; thực nghiệm sản xuất 36 triệu con tôm sú giống sạch bệnh, cho năng suất cao, 5,7 tấn/ha; nghiên cứu và sản xuất thành công giống cá chẻm với tỷ lệ sinh sản đạt trên 50%, ương lên giống đạt từ 30-35%.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong thâm canh:
Thông qua ứng dụng biện pháp canh tác bằng phương pháp hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong phòng và trị bệnh trên diện tích thực nghiệm (tại Chợ Lách) đã kéo giảm tỷ lệ xì mủ, sượng trái, da cám trên măng cụt xuống còn dưới 10%; tỷ lệ sượng trái trên cây sầu riêng Mongthong và sữa hạt lép còn dưới 2%; thực hiện các biện pháp khắc phục suy thoái đất như bón phân hữu cơ và bổ sung nấm Trichoderma cho năng suất sầu riêng tăng 40% và tỉ lệ cơm tăng 5-10%/trái; ứng  dụng chế phẩm sinh học – hợp chất Ramale biến đổi giới tính của hoa làm tăng khả năng đậu trái trên chôm chôm (tăng năng suất từ 5-6 lần so với tự nhiên), trên 90% diện tích trồng chôm chôm trong tỉnh áp dụng. Ứng dụng công nghệ sinh học (ong ký sinh) phòng trị bọ cánh cứng hại cây dừa đạt hiệu quả trên 90% và được nhân rộng nhanh. Từ đó, góp phần gia tăng đáng kể về diện tích và sản lượng, năm 2008 có 47.569 ha dừa.
Nông dân biết sử dụng chất kích thích ra rễ, điều chỉnh lượng phân bón khi ươm, ghép trong sản xuất giống cây ăn trái làm tăng tỷ lệ sống từ 60% lên 90, 95%; ứng dụng các biện pháp sinh học để điều khiển cây cho trái rải vụ trên cây chôm chôm, sầu riêng, cam, quýt, bưởi…. như: phủ gốc, xiết nước trong mùa mưa, tạo khô hạn để kích thích ra hoa trên khoảng 30% diện tích cây ăn trái của tỉnh. Nhờ vậy mà trong các năm qua, sầu riêng, chôm chôm tăng khả năng đậu trái từ 2 đến 4 lần. Ứng dụng công nghệ sinh học phân tử PCR (công nghệ nhân bản gien) trong chẩn đoán bệnh trên cây trồng. Trên cây lúa ứng dụng “3 giảm, 3 tăng”, mô hình liên kết sản xuất lúa 4 nhà quản lý đồng ruộng theo hướng hiệu quả, bền vững, cùng nông dân ra đồng…
Đến nay đã có trên 60% diện tích được đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và góp phần bảo vệ môi trường.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích