Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

14/06/2019 - 22:03

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Chiều 13-6-2019, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tham gia thảo luận.

Đại biểu cơ bản thống nhất với việc nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động kỹ hơn quy định này, cân nhắc đảm bảo quyền lợi cho các thiểu số công ty đại chúng có số vốn dưới 30 tỷ đồng và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, tránh tình trạng quản không nổi thì cấm.

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu Thủy cơ bản thống nhất phương án 1 là cần tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm khơi thông dòng vốn hỗ trợ các doanh nghiệp này trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp là khá mạo hiểm vì doanh nghiệp khởi nghiệp được áp dụng chế độ quyết toán riêng đơn giản. Do đó, doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào thị trường chứng khoán cũng phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc, tránh gây tác động và ảnh hưởng đến thị trường vốn chung. Tại Khoản 2 Điều 29 dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định nội dung này nhưng khoản 1 điều này lại quy định thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, trong khi Điều 3 Luật Doanh nghiệp lại quy định trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành. Quy định vòng vo này sẽ tạo ra rào cản pháp lý. Đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa những quy định về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp như: điều kiện doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, giới hạn phạm vi chào bán, tài sản chào bán, đối tượng đầu tư và thời gian áp dụng chính sách.

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, đại biểu tán thành với ý kiến của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên,  theo Tờ trình của Chính phủ, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán các nước và khu vực đã tạo khoảng cách đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự cần thiết sửa Luật Chứng khoán nhằm tiệm cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế khi hiện nay có đến 121/128 quốc gia thành viên EOSIO có vị trí độc lập. Sau hơn 10 năm triển khai luật thì tăng cả về số công ty niêm yết và số vốn huy động, cho thấy thị trường chứng khoán đã ổn định, quy mô thị trường chứng khoán đã đủ lớn để ra riêng. Trong tương lai, khi hệ thống pháp luật và chứng khoán hoàn chỉnh và đầy đủ hơn thì quy mô vốn còn lớn hơn nữa. Do đó, đã đến lúc tách chức năng quản lý nhà nước về tài chính ra khỏi các tổ chức dịch vụ, tổ chức trung gian tài chính, để đạt mục tiêu sứ mệnh của thị trường chứng khoán là kênh quyết định huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, không chỉ dừng lại ở mức 71,6% GDP như hiện nay.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích