Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh thảo luận dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

19/11/2019 - 20:18

BDK - Sáng 19-11-2019, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre (Kim Hoa). Ảnh: quochoi.vn

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, Đại biểu QH đơn vị tỉnh đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật; tên gọi, bố cục của Dự thảo luật mà Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã thể hiện; đồng thời, nhất trí cao việc Chính phủ trình ra QH dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư lần này.

Tuy nhiên, theo đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật cũng cần xem xét một số vấn đề sau:

Về lĩnh vực đầu tư PPP, đại biểu cơ bản tán thành với các lĩnh vực đầu tư được liệt kê trong dự thảo. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 25 của Chính phủ về việc thực hiện các dự án PPP trong thời gian vừa qua chưa phân tích được lý do mà các nhà đầu tư chỉ mặn mà với các dự án giao thông mà chưa mặn mà với các dự án văn hóa, thể thao, hạ tầng thương mại... Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các tiêu chí, lợi thế của từng lĩnh vực để kêu gọi đầu tư PPP. Những lĩnh vực đầu tư như công viên, nhà công vụ, chợ dân sinh có tính chất phục vụ thuần túy hoặc dịch vụ công ích thì Nhà nước nên đầu tư hoặc xã hội hóa hoàn toàn mà không nên áp dụng PPP. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm những dự án PPP có tính chất hỗn hợp đáp ứng tiêu chí khai thác tối đa đơn vị diện tích đất và tài sản công hoặc đáp ứng theo xu hướng kinh tế tuần hoàn hiện nay. Ví dụ như một dự án xử lý rác thì có thể làm phát điện, làm phân bón, xử lý nước thải và cung cấp nước sạch dân sinh. Đối với những loại hình này cần có chính sách ưu đãi lũy tiến để khuyến khích đầu tư.

Về quy mô dự án PPP tối thiểu 200 tỷ đồng, theo đại biểu Thủy thì không nên quy định số tuyệt đối mà phụ thuộc vào lĩnh vực, địa bàn, giai đoạn phát triển và yếu tố tác động đến kinh tế - xã hội từng giai đoạn, nên thống nhất giao cho Chính phủ quy định để mang tính chủ động và phù hợp với từng loại dự án, từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể.

Về thành lập dự án PPP, đại biểu Thủy cũng đề nghị làm rõ cơ chế góp vốn, cơ chế chịu trách nhiệm liên quan của doanh nghiệp tham gia đấu thầu và doanh nghiệp dự án PPP sau khi trúng thầu.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu tại Điều 77, theo đại biểu chỉ nên buộc áp dụng cơ chế này trong những trường hợp khách quan như thiên tai hoặc chủ quan do cơ quan nhà nước thay đổi về quy hoạch, thay đổi về pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ… Nhưng chỉ áp dụng ở mức doanh thu chênh lệch thấp hơn doanh thu tính toán ở một tỷ lệ nhất định và cần xác định rõ thời điểm, giai đoạn cấp bù, cách tính và thời giá.

Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN