Đột phá phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, bài 1: Ðầu tư xây dựng hạ tầng đô thị

15/05/2019 - 07:21

BDK - Phát triển đô thị là một trong những nội dung được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc ban hành nhiều văn bản. Qua đó, đã giúp cho nhiều địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm huy động tối đa các nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, từng bước nâng cấp và mở rộng đô thị theo hướng khang trang, hiện đại hơn. Hiện toàn tỉnh có 17 đô thị, gồm 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V.

Xây dựng Khu dân cư Hưng Phú, phường Phú Khương, TP. Bến Tre.

Xây dựng Khu dân cư Hưng Phú, phường Phú Khương, TP. Bến Tre.

Hiện trạng đô thị

Ngoài đô thị loại II là TP. Bến Tre vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, các thị trấn huyện lỵ định hướng đô thị loại IV như Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày thì thị trấn Ba Tri, Bình Đại đã được Bộ Xây dựng quyết định công nhận đô thị loại IV năm 2016. Hiện đã được cập nhật đánh giá theo quy định mới, trong đó thị trấn Ba Tri đạt 48 tiêu chuẩn (TC), Bình Đại đạt 50 TC. Thị trấn Mỏ Cày Nam đã được công nhận đô thị loại V, đang tiến hành lập Đề án công nhận đô thị loại IV.

Các thị trấn huyện lỵ của các huyện còn lại gồm Chợ Lách, Châu Thành, Thạnh Phú, Giồng Trôm đã hoàn thành công tác lập, phê duyệt Đề án đề nghị công nhận đạt chuẩn đô thị loại V. Đối với 9 trung tâm xã đã được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V thời gian qua, gồm Phước Mỹ Trung đạt 47 TC; Tiên Thủy đạt 48 TC, Hương Mỹ đạt 45 TC, An Thạnh 49 TC; An Thủy 46 TC, An Ngãi Trung 41 TC; Vĩnh Thành 46 TC; Mỹ Thạnh 47 TC, Lộc Thuận 48 TC, hiện đã cập nhật đánh giá theo quy định mới.

Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh tiếp tục phấn đấu xây dựng thị trấn Mỏ Cày đạt chuẩn đô thị loại IV, xây dựng 5 trung tâm xã gồm Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc); Tân Thạch, Giao Long (Châu Thành); Giao Thạnh (Thạnh Phú); Tân Xuân (Ba Tri) đạt chuẩn đô thị loại V. Hiện Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá theo lộ trình đề ra, nếu đủ điều kiện sẽ phối hợp lập Đề án thông qua cấp có thẩm quyền quyết định.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Tâm cho biết, thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, qua đó, góp phần tạo động lực phát triển đô thị. Cụ thể như các tuyến giao thông đối ngoại, giao thông kết nối tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây dựng như cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Ván, cầu Chợ Lách, hệ thống 10 cầu trên đường tỉnh 883 đi Bình Đại, 5 cầu trên đường tỉnh 885 đi Giồng Trôm, đường và cầu nối cầu Cổ Chiên đã thi công hoàn thành.

Đối với các huyện, bên cạnh một số trung tâm thị trấn có tuyến tránh mới đi qua được đầu tư hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ như tuyến tránh Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách. Còn lại hạ tầng kỹ thuật chủ yếu là chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng có sẵn, chỉnh trang hẻm, hệ thống thoát nước, bó láng vỉa hè, trồng cây xanh, chiếu sáng. Riêng Bình Đại đã đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung phục vụ làng nghề, đô thị thị trấn với công suất 300m3/ngày đêm.

Không gian đô thị TP. Bến Tre. Ảnh: H.M

Không gian đô thị TP. Bến Tre. Ảnh: H.M 

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật

Các công trình trạm, lưới chuyển tải điện tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đô thị đạt 100%. Các công trình trọng điểm cấp nước của tỉnh được đầu tư gồm hệ thống cấp nước thô, trạm bơm Cái Cỏ; hệ thống phân phối huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam; nâng công suất Nhà máy nước Sơn Đông lên 31.900m3/ngày đêm; xây mới Nhà máy nước An Hiệp giai đoạn 1 công suất 15.000m3/ngày đêm. Qua đó, đã nâng tổng công suất khai thác từ 32.200m3 lên 66.800m3/ngày đêm, phục vụ cho trung tâm các đô thị lớn, khu công nghiệp. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đối với TP. Bến Tre đạt trên 98,7%, đô thị các huyện khoảng 80%; bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 57%, trong đó, đô thị đạt khoảng 90%.

Vệ sinh môi trường đô thị được các địa phương tranh thủ nguồn lực đầu tư, cải thiện môi trường, đóng cửa bãi rác Phú Hưng, Bình Đại, Thạnh Phú. Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 80%. Riêng TP. Bến Tre, công tác thu gom rác thải thực hiện phủ khắp các xã, phường, tổng lượng rác thải thu gom đạt trên 120 tấn/ngày. Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như hệ thống giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn được quan tâm triển khai cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân.

Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh cho biết, đối với TP. Bến Tre, các công trình trọng điểm kết nối hạ tầng phục vụ phát triển đô thị như giao thông đầu mối, bến bãi, trạm điện, cấp nước tiếp tục được đầu tư. Trong đó, cơ bản hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị như cầu Hàm Luông, Bến Tre 1, đường cảng Giao Long - Nguyễn Thị Định, đường vành đai thành phố, công trình chống sạt lở bờ sông Bến Tre. Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, trong đó huy động tối đa nguồn lực nhằm cải tạo hệ thống vỉa hè, thoát nước, chiếu sáng khu dân cư; mở rộng, nâng cấp hẻm, mở hẻm thành đường, hình thành các điểm tập kết, trung chuyển rác.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN