Giải quyết việc làm góp phần nâng cao thu nhập

14/10/2019 - 06:43

BDK - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nếu thực hiện thành công tiêu chí (TC) số 12 về lao động có việc làm, nhất là lao động nông thôn sẽ góp phần nâng cao thu nhập người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Với mục tiêu ấy, thời gian qua, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện tốt TC này.

Phụ nữ nông thôn đan bội.

Phụ nữ nông thôn đan bội.

Nhiều hộ thoát nghèo

Gia đình chị Võ Thị Dung (xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) nhiều năm liền được xếp vào hộ nghèo của địa phương. Hộ chỉ có 4 thành viên nhưng vì không đất canh tác, chị lại không thể phụ anh lo kinh tế vì phải chăm sóc đứa con bị bệnh bại não. Cứ nghĩ hoàn cảnh gia đình chắc khó vươn lên nhưng khi được địa phương tạo điều kiện, chị tham gia lớp học nghề đan thảm, cuộc sống gia đình có phần cải thiện. “Tận dụng thời gian nhàn rỗi, tôi nhận hàng về làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù thu nhập không cao nhưng ổn định. Nhờ vậy, kinh tế gia đình đi lên”, chị Dung chia sẻ. Bằng sự cần cù, chịu khó, cuối năm 2019, gia đình chị Dung sẽ được thoát nghèo.

Cũng là hộ nghèo, chị Nguyễn Thị Bảy (xã Phú Túc, huyện Châu Thành) một mình phải lo cho 3 đứa con, cuộc sống khó khăn. Khi được địa phương tư vấn, chị đồng ý cho đứa con gái lớn là Nguyễn Ngọc Minh Thư tham gia lao động có thời hạn ở Nhật Bản. “Bình quân mỗi tháng, con gái gửi về nhà 25 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình có khá lên. Đợt bình nghị hộ nghèo vừa qua, gia đình đã thoát nghèo”, chị Bảy chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm Bùi Thành Hiếu cho biết: Thời gian qua, xã tập trung thực hiện công tác đào tạo nghề. Vận động người lao động trong độ tuổi có nhu cầu tìm việc làm, học nghề, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tham dự phiên giao dịch việc làm - hướng nghiệp - dạy nghề và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Phong Nẫm có trên 30 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó là vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động địa phương vào làm tại các khu công nghiệp.

Quan tâm đào tạo nghề

Là huyện thực hiện có hiệu quả TC số 12 về lao động có việc làm, đến nay, Châu Thành có 21/21 xã đạt TC này. Về giải pháp thời gian tới, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trần Quang Tiến cho biết: Cần thay đổi nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu, trình độ tay nghề theo quy định. Trong chương trình đào tạo nghề ở nông thôn, cần chú trọng phát triển các ngành nghề thủ công như: đan lục bình, đan bội kẽm, đan ghế nhựa trên khung sắt, thêu... vì đó là những nghề có thể tự đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương.

Nghề đan bội giúp chị em phụ nữ ở nông thôn có thu nhập ổn định.

Nghề đan bội giúp chị em phụ nữ ở nông thôn có thu nhập ổn định.

Trong đào tạo nghề cần áp dụng các phương pháp giảng dạy hợp lý, linh hoạt gắn với trình độ và đặc điểm của lao động địa phương. Đào tạo gắn với thực tiễn, có vậy mới tạo được hứng thú và đạt hiệu quả cao trong quá trình học. Tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại vào quá trình đào tạo nghề, tạo động lực để người lao động tích cực tìm tòi sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khi ý thức được vai trò của khoa học, công nghệ, lao động nông thôn sẽ tìm cách thay đổi tập quán sản xuất, cách thức làm việc sẽ thay đổi phù hợp hơn. Cùng với đó là đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp. Thực hiện tốt hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để nâng cao tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm, góp phần thực hiện TC số 12 gắn với nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Theo kế hoạch giáo dục nghề nghiệp năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo 11 ngàn người. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 4.500 người. Với mục tiêu trên, sở sẽ tiếp tục tư vấn học nghề, giải quyết việc làm, coi trọng và quan tâm kết hợp học nghề theo Đề án số 1956 của Chính phủ với xuất khẩu lao động để nâng cao thu nhập người dân, hướng đến thực hiện TC thu nhập bền vững theo nghị quyết đề ra. Đẩy mạnh thông tin và dự báo của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để cung ứng lực lượng lao động qua đào tạo.

“Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020: tạo việc làm mới cho 18.000 lao động/năm; xuất khẩu lao động 500 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 60 - 65%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30% vào năm 2020.

Để thực hiện chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tỉnh đã tập trung công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đồng thời đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh”.

(Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Anh Dũng)

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích