Hiệu quả kinh tế - xã hội từ ứng dụng khoa học công nghệ

05/07/2012 - 16:57

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (ƯDTBKH-CN) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) được thành lập từ năm 1987, đến 1992 thì giải tán. Năm 1997, Trung tâm được tái thành lập và hoạt động, đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

 

Trung tâm ƯDTBKH-CN Bến Tre được thành lập sớm hơn các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân nên Trung tâm tạm thời giải thể. Sau đó, do yêu cầu thực tế, đặc biệt là việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nên ngày 24-6-1997, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng khoa học công nghệ và Bảo vệ môi trường được quyết định thành lập và hoạt động trở lại.

 

Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ

Với chức năng là tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của Nhà nước; tổ chức, ứng dụng, tư vấn, dịch vụ, sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, Trung tâm đã từng bước xác định ưu thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua Trung tâm, các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm hoàn thiện công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường được chuyển giao, nhân rộng. Các công việc, hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực tư vấn ISO, đầu tư, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư trực tiếp, dịch vụ khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường theo khả năng sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết... cũng được Trung tâm triển khai thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần phục vụ phát triển dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Gặt hái thành công

Trong 15 năm qua, Trung tâm đã chủ trì khai thác thực hiện 28 đề tài, dự án. “Trong đó, có hai dự án thuộc Chương trình nông thôn và miền núi, 12 đề tài, dự án cấp tỉnh, một dự án do tổ chức ACDI/VOCA tài trợ và 13 đề tài, dự án cấp cơ sở. Tổng kinh phí thực hiện các đề tài, dự án này gần 23 tỷ đồng, trong đó huy động từ các nguồn khác gần 14 tỷ đồng” - ông Huỳnh Cao Thọ - Quyền Giám đốc Trung tâm cho biết.

Trên cơ sở thực hiện các chương trình, đề tài, dự án, Trung tâm đã lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật trong và ngoài nước để chuyển giao vào sản xuất, đã du nhập và cung cấp gần 65 ngàn cây dừa dứa cho hơn 1.000 hộ trong tỉnh tham gia dự án. Sản xuất thử nghiệm nuôi cấy mô, cho ra 5.000 gốc lan và một số hoa kiểng quý. Xây dựng 17 mô hình: dừa dứa, nấm (3 tấn/năm), heo rừng lai… Hoàn thiện các quy trình kỹ thuật: trồng dừa dứa xen canh, chuyên canh; trồng và chăm sóc nấm kim châm, ngọc châm; nhân nhanh chế phẩm nấm xanh tại nông hộ; kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại nấm bào ngư Nhật, nấm mèo, nấm linh chi, nấm rơm, nấm chân dài; sản xuất hoa cúc vàng thương phẩm, tối ưu lên men hạt cacao phù hợp với điều kiện ở Bến Tre. Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Trung tâm đã nghiên cứu chuyển giao công nghệ “Sản xuất nhãn, chôm chôm đóng hộp” cho Hiệp hội Trái cây Chợ Lách. Xác định được công thức phối chế, tăng thời gian bảo quản của bánh tráng dừa Mỹ Lồng (Mỹ Thạnh - Giồng Trôm). Tổ chức nghiên cứu và xác định được các thông số trong quá trình sản xuất của từng loại sản phẩm nước cốt dừa đóng hộp và cơm dừa nạo sấy với kết quả cùng một dây chuyền sản xuất cho ra ba loại sản phẩm: nước cốt dừa dạng đặc không tách kem, nước cốt dừa dạng lỏng không tách kem và kem dừa đóng hộp. Bên cạnh đó, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình sản xuất 5 sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học từ mụn dừa để phục vụ cây trồng, cải tạo đất và bảo vệ môi trường.

Riêng lĩnh vực bảo vệ môi trường, Trung tâm đã nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm EM trong nuôi tôm công nghiệp, xử lý rác thải tập trung, xử lý môi trường chăn nuôi ở các trang trại. Trung tâm đã nghiên cứu hoàn thiện mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình và thực hiện các công trình vệ sinh môi trường. Tranh thủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn đối ứng trong dân, Trung tâm đã xây dựng 253 mô hình cấp nước sinh hoạt hộ gia đình (trong đó đã cung cấp gần 42.000 lít EM môi trường, 316 lít EM tỏi, 330 thùng EM gốc phục vụ tốt cho sinh hoạt và đời sống nhân dân).

Trung tâm ƯDTBKH-CN hiện có 21 thành viên. Năm 2000, Trung tâm có diện tích gần 5.100m2, tọa lạc tại ấp Phú Chiến (xã Phú Hưng - TP. Bến Tre), trong đó có ba khu nhà làm việc với tổng diện tích gần 1.200m2. Năm 2007, Phòng Thử nghiệm được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Năm 2009, Trung tâm được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí gần 4,1 tỷ đồng (trong đó có các thiết bị tách mẫu, thiết bị nghiên cứu ứng dụng…).

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích